Di sản loa phường

Từ Khôi 08/08/2017 08:35

Loa phường từ chức năng thông tin tới người dân của chính quyền cơ sở đã dần trở thành “một thứ di sản văn hóa”. Di sản theo đúng nghĩa của nó. Điều này ngày một rõ nét khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký quyết định phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”.

Loa phường đã vắng bóng ở TP Hồ Chí Minh, nhưng tại thủ đô Hà Nội, loa phường hiện vẫn còn. Loa phường xuất hiện tại thủ đô Hà Nội sau những ngày quân đội ta tiếp quản thủ đô năm 1954. Thời điểm đó cho mãi đến những năm thập kỷ 90 của thế kỷ 20, loa phường là phương tiện hữu hiệu để truyền tải các thông tin.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, loa phường gắn với sinh mạng của người dân mỗi khi nghe cảnh báo của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn báo động máy bay B52. Loa phường loan báo tin đất nước thống nhất. Loa phường thông tin về bầu cử Quốc hội, về Đại hội Đảng các cấp, về an toàn vệ sinh môi trường, về dịch bệnh…

Dần dà, các phương tiện truyền thông khác phát triển như vũ bão. Nào báo giấy, đài phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mạng internet… đã đưa tin nhanh chóng hơn tới người dân.

Dần dà, người dân ít để ý đến thông tin từ loa phường. Tất nhiên là trừ những gia đình ở cạnh vị trí đặt loa phường. Nhưng nếu như ai đó đi làm ca đêm về vừa chợp mắt đã nghe tiếng loa phường đánh thức. Lúc đó thật là khó chịu, ngay cả khi loa đang phát ca từ “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”.

Cuộc sống đô thị, nhất là thủ đô khác với sinh hoạt của một làng quê. Người dân có khi thường trú ở phường này nhưng làm việc ở phường khác, quận khác, nên không phải lúc nào cũng có thể tiếp nhận thông tin chính thống từ loa phường.

Tính hiệu quả của thông tin từ loa phường đã giảm, nhưng ngân sách để nuôi “bộ máy” loa phường không nhỏ, có khi tới mấy trăm triệu một năm như báo cáo sơ bộ của Sở Tài chính Hà Nội.

Theo đề án mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký, các phường thuộc các quận, duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa), trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và dừng phát thanh chờ phương án sắp xếp chính thức.

Các cụm loa phường tại địa bàn 4 quận cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và Thành phố.

Địa bàn các quận còn lại, loa phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn (tin địa phương; vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách; thông báo các trường hợp khẩn cấp; khám nghĩa vụ quân sự, tiêm chủng, giải phóng mặt bằng, chi trả lương hưu...). Thời gian phát được quy định tối đa 2 buổi (sáng, chiều) một ngày, 5 ngày/tuần (thứ 7, chủ nhật chỉ phát trong trường hợp đặc biệt) và thời lượng tối đa 15 phút/buổi.

Cùng với đó, đề án cũng đưa ra lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức tuyên truyền, cụ thể như lắp đặt bảng tin điện tử tại các khu vực công cộng và chung cư cao tầng; Nhắn tin tới số thuê bao điện thoại nội dung chỉ đạo, điều hành của thành phố; Thí điểm sử dụng thiết bị thông minh (250 hộ gia đình sẽ được chọn thí điểm) phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống loa phường tại các phường thuộc quận nội thành... Thời gian thực hiện đề án trong năm 2017 và 2018.

Có thể đến một ngày không xa, loa phường sẽ ngừng phát đi thông tin. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ ở một vài tuyến phố, có thể trong khu phố cổ của Thủ đô, chúng ta lại không giữ nguyên một số cụm loa? Lúc đó, loa phường sẽ trở thành một thứ di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản loa phường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO