Dịch Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam: Thay đổi chiến lược, tăng tốc để sớm dập dịch

Luân -T.Giang - Q.Định - Đ.Xá - H.Vinh 06/07/2021 08:02

Suốt hơn một tuần qua, khả năng lây lan rất nhanh của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống Covid-19. Để kiểm soát được dịch, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam đã chủ động thay đổi chiến lược, cách thức điều tra, truy vết, khoanh vùng, với quyết tâm nhanh chóng dập dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất....   

Lực lượng y tế Bình Dương tiến hành khử khuẩn tại khu vực có ca nhiễm Covid-19.

Thiết lập lại “điều tra, truy vết, khoanh vùng”

Trong số các địa phương, TP HCM tiếp tục là nơi dẫn đầu về số ca nhiễm mới, trong đó biến chủng delta với khả năng lây lan rất nhanh đặc biệt khi tiếp xúc gần, đã khiến TP HCM phải thay đổi biện pháp kiểm soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được Bộ Y tế đánh giá là điển hình nhất, khiến số ca mắc Covid-19 ở TP HCM liên tục tăng nhanh trong những ngày gần đây.

Tại cuộc họp do Chính phủ chủ trì giữa Bộ Y tế và TP HCM ngày 5/7, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM báo cáo số liệu chỉ trong hơn một tuần qua (từ ngày 26/4 đến hết ngày 4/7), thành phố đã có 6.470 ca bệnh được ghi nhận tại 306/312 phường xã thị trấn; trong đó 52% số ca bệnh phát hiện trong các khu cách ly, 25% phát hiện trong các khu phong tỏa, 12% phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện và 23% phát hiện tại cộng đồng.

TP HCM đang phải trải qua 2 đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch truyền giáo Phục Hưng và từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng (kể cả số ca chưa rõ nguồn lây). Trong khi đó, từ ngày 15/6 đến nay, số ca bệnh đã chiếm tới 79% tổng số ca của 2 đợt dịch.

TP HCM phối hợp các địa phương kiểm soát người đi và đến

Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP HCM nhưng phải đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm để cung ứng đủ cho người dân. Bên cạnh đó, TP HCM sớm kết nối và phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để thống nhất phương án kiểm soát người đi/đến TP HCM, người điều khiển các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra/vào thành phố… Những người về TP HCM từ các tỉnh, thành phải được xét nghiệm, khai báo y tế. Ngược lại, người từ TP HCM (những vùng cách ly, phong tỏa) về các tỉnh thành phải được cách ly.

Khả năng lây lan nhanh của chủng delta của virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến nhiều tỉnh, thành lân cận với TP HCM chao đảo trong bão dịch Covid-19. Tại tỉnh Đồng Nai, ngay từ 0 giờ ngày 5/7, đã bổ sung giải pháp kiểm soát mới khi cho triển khai kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với người đến từ TP HCM, Bình Dương khi đi và về qua địa bàn Đồng Nai.

Ngày 5/7, ghi nhận của nhóm PV Đại Đoàn Kết, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã làm việc hết công suất.

Tại các cửa ngõ huyết mạch như: cầu Đồng Nai, phường Long Bình Tân; Quốc lộ 1K, phường Hóa An, TP Biên Hòa có lượng người, phương tiện lưu thông nhiều nên việc kiểm soát “giấy thông hành” xác nhận âm tính Covid-19 rất vất vả.

Tại chốt cầu Đồng Nai, do lượng người và phương tiện lưu thông quá đông, trong khi lực lượng chức năng rất mỏng nên việc kiểm tra giấy xác nhận âm tính Covid-19 chỉ thực hiện ở diện xác suất, không thể đáp ứng 100%. Trong ngày đầu tiên áp dụng kiểm tra giấy xác nhận âm tính Covid-19, đa số người dân đều chấp hành quy định trên.

Chốt kiểm soát dịch bệnh tại cầu Đồng Nai kiểm tra mang tính xác suất vì lượng người, phương tiện qua khu vực này khá đông.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều tài xế, người dân khi lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh nói trên không có hoặc quên không mang theo giấy xác nhận âm tính Covid-19. Một số tài xế xe du lịch, người đi xe máy viện lý do không nắm thông tin, quên giấy ở nhà, đã xét nghiệm đầu tuần mới có kết quả... để xin qua chốt. Lực lượng chức năng cũng linh động thông cảm cho một số trường hợp không nắm được thông tin, cho qua chốt nhưng yêu cầu đi xét nghiệm Covid-19.

Tính đến 5/7, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận số ca nhiễm đạt mốc 100, trong đó 32 ca đã được điều trị khỏi, 68 ca đang điều trị. Ngoài ra, còn ghi nhận thêm 10 ca nghi nhiễm gồm 9 ca liên quan đến ổ dịch chợ Hóc Môn (huyện hống Nhất 8 ca, TP Biên Hòa 1 ca), 1 ca tại xã Phước Thái, huyện Long Thành liên quan đến ổ dịch chợ Bình Điền (TP HCM).

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thiết lập vùng cách ly y tế theo Chỉ thị 16 từ cuối tháng 6 cho đến nay để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Tính đến nay, số ca nhiễm đã ghi nhận trên địa bàn tỉnh này đã lên đến 17 ca, trong đó 4 ca mới ghi nhận trong ngày 5/7. Trong 4 ca nhiễm mới được ghi nhận, có 1 ca được ghi nhận ngoài cộng đồng và 3 ca trong các khu vực cách ly.

Ghi nhận tại TX Phú Mỹ trong ngày 5/7 đã khẩn cấp phong tỏa chợ đầu mối Lam Sơn và tổ 15, khu phố Phước Sơn, phường Phước Hòa do có liên quan đến một ca dương tính là ông T.Đ.L. Đây là ca nhiễm xác định liên quan đến chợ Bình Điền (TP HCM).

Hiện nay, các cơ quan chức năng của các địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến hành ráo riết truy vết các trường hợp liên quan, phun khử khuẩn nơi ở, những nơi có liên quan đến trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là tỉnh thứ hai áp dụng giải pháp như tỉnh Đồng Nai, khi nhanh chóng có văn bản chỉ đạo các địa phương, kể từ 12 giờ ngày 5/7 bất kỳ ai muốn vào Bà Rịa- Vũng Tàu bằng đường bộ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, thời gian giấy xét nghiệm có hiệu lực không quá 5 ngày.

Tăng tốc xét nghiệm và giám sát tại cộng đồng

Đây là hai biện pháp được đánh giá cao trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của TP HCM những ngày qua. Theo phương án của Sở Y tế TP HCM tại cuộc họp ngày 5/7, ưu tiên hàng đầu là phải giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta) qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND TP HCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Bên cạnh đó, cân bằng lợi ích về kinh tế, tuy nhiên cần cân nhắc giữa thực hiện giãn cách và sự phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia, các khó khăn chưa dừng lại ở sự lây lan của chủng delta khi công tác lấy mẫu xét nghiệm đang còn tồn tại một số khuyết điểm. Đây chính là một trong những lý do khiến quyết tâm dập dịch tại TP HCM chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM thừa nhận, công tác xét nghiệm, vận chuyển mẫu và trả kết quả xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19 còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, lãnh đạo các quận, huyện cần bình tĩnh, tập trung giám sát điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm Covid-19. Việc xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng cần được tổ chức lại khoa học, nhịp nhàng hơn.

Ba nhóm giải pháp kiểm soát dịch

Sở Y tế TP HCM đề xuất 3 nhóm giải pháp để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, bao gồm: Thứ nhất, giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta) qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10.

Thứ hai, loại bỏ (làm giảm) nguồn lấy nhiễm trong cộng đồng; trong đó những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch, đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh.

Cuối cùng, thứ ba là làm giảm yếu tố nguy cơ để dịch bệnh phát tán nhanh qua việc tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch trong KCN, chợ đầu mối, chợ truyền thống, khu nhà trọ,…Tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện.

Nhìn nhận công tác lấy mẫu xét nghiệm để truy tìm F0 của thành phố, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, thành phố gặp khó khăn trong thực hiện chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) gặp tình trạng quá tải; thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm; việc điều phối xét nghiệm giữa các đơn vị chưa tốt. Về tổng thể, tình hình dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh lân cận vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo, trong thời gian tới số ca mắc tại TP HCM và các địa phương lân cận sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu làm tốt và quyết liệt các biện pháp, TP HCM có thể kiểm soát sớm được dịch trong 7 ngày tới.

Để sớm kiểm soát và dập dịch, ông Long cho rằng, TP HCM trước hết phải tổ chức lại vấn đề xét nghiệm. Bên cạnh đó, thành lập các bộ phận xét nghiệm tại quận - huyện và giao địa phương tự điều phối phòng xét nghiệm tại các bệnh viện tư nhân trên địa bàn.

Song song đó, tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, sử dụng phương thức xét nghiệm gộp mẫu, rút ngắn thời gian trả kết quả trong vòng 6 tiếng.

“Việc xét nghiệm nên có trọng tâm, trọng điểm, khuyến cáo làm 3 ngày/lần tại các khu phong toả, 7 ngày/lần tại khu vực nguy cơ cao”, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị, đồng thời nhấn mạnh, ngành y tế quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành và điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ kịp thời TP HCM trong công tác phòng chống dịch.

Nhằm cải thiện công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, lãnh đạo TP HCM nhìn nhận, việc lấy mẫu xét nghiệm cần xác định phương châm thực hiện trật tự. Theo đó, thành phố dự kiến huy động người dân theo hộ, theo tổ dân phố, áp dụng hình thức lấy mẫu cuốn chiếu kết hợp phân chia theo giờ hợp lý, đảm bảo giãn cách. Kế đó, quá trình lấy mẫu phải đúng diện: khu vực phong tỏa, trọng điểm, lấy toàn bộ người dân, tầm soát điện rộng 100%.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, thành phố sẽ sớm thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam: Thay đổi chiến lược, tăng tốc để sớm dập dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO