Điểm của người làm thầy

Hà Trọng Nghĩa 24/10/2017 08:35

LTS: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đây là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời giáo dục cũng là vấn đề đặc biệt quan tâm của dư luận xã hội do liên quan đến mọi người, mọi nhà. Và là vấn đề có tính chất quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của mỗi một đất nước, của dân tộc. Kể từ số báo này, chuyên đề Tinh hoa Việt mở Diễn đàn Giáo dục, nhằm chuyển tải mọi ý kiến góp ý cho sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay. Sau bài viết mở đầu Diễn đàn dưới đ


(Minh họa: A.M.).

Năm học mới đến trong lúc dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng giáo viên khi mà điểm đầu vào trường sư phạm quá thấp: Có trường chỉ lấy 9 điểm cho 3 môn. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đầu vào như vậy thì đầu ra sẽ thế nào? trong khi dạy học là ngành đặc thù, đã dạy người thì kiến thức của người thầy là vô cùng hệ trọng. Chấm điểm cho người nhưng điểm của mình quá thấp thì tính sao?! Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy! Câu chuyện về nghề dạy học phức tạp và... vui hơn nhiều.

1. Còn nhớ, những năm 80 của thế kỉ trước, khi kinh tế đất nước vô cùng khó khăn đã xuất hiện những “đợt sóng” giáo viên bỏ nghề. Lý do chính (cũng có thể nói là lý do duy nhất) chính là việc thu nhập của họ quá thấp. Một người làm nghề thầy giáo không tự nuôi nổi bản thân mình còn nói gì đến việc nuôi ai. Cùng với số giáo viên bỏ dạy thì còn nhiều hơn nữa là những người “chân ngoài dài hơn chân trong”, có nghĩa là họ tìm mọi cách để có tiền bù vào cho chỗ tiền lương ít ỏi của cái nghề “bán cháo phổi” nhận được hàng tháng. Không ít thầy giáo chạy xe ôm, cô giáo mua đầu chợ bán cuối chợ. Rất nhếch nhác.

Tiếp đó, khi cuộc sống dễ thở hơn một chút, thì lại xuất hiện tình trạng dạy thêm tràn lan. Cho dù có ẩn mình dưới bất cứ danh nghĩa cao cả nào đi chăng nữa, biện giải cách gì đi chăng nữa thì bản chất cũng vẫn là chuyện kiếm tiền, tăng thu nhập. Phong trào rầm rộ đến độ xã hội lên cơn lúc nóng lúc lạnh, phụ huynh lo nơm nớp. Trên lớp giáo viên dạy không hết chữ, “ăn bớt” kiến thức để dành “truyền đạt” cho học trò ở lớp dạy thêm. Em nào không chịu nộp tiền đi học thì bị trù, bị hành hạ nhiếc móc các kiểu, khổ sao là khổ. “Phong trào” dữ dội quá khiến xã hội phản ứng, các nhà quản lý giáo dục đã phải đưa ra nhiều chỉ thị liên tiếp từ nhắc nhở cho đến cấm dạy thêm. Thế là lại dẫn đến chuyện dạy chui. Không thể nói rằng yêu thương học trò quá nên phải len lén dạy chui, mà chỉ có thể nói là vì tiền cả mà thôi. Thực hiện việc cấm dạy thêm, có nơi người ta đã bố trí cả người đi rình bắt quả tang. Rồi phạt, rồi kỉ luật. Đủ mọi hình thức. Nhưng đến nay phong trào chỉ tạm lắng và biến tướng, còn thì chuyện dạy thêm vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức. Người trong cuộc cũng khôn ngoan chán khi ghép việc dạy thêm vào với học thêm, thành ra khi nói đến chuyện này thì bao giờ cũng nói là dạy thêm - học thêm. Có nghĩa là họ đã lôi cả phụ huynh lẫn học sinh vào. Nếu đó là lỗi thì là lỗi của cả hai bên, chứ họ nào có ép đâu. Bằng chứng là những tờ đơn “xin” được học thêm từ phía phụ huynh được trưng ra để hợp thức hóa cho việc này.

Cũng vì kiếm tiền, không ít trường đã lợi dụng, lạm dụng chủ trương xã hội hóa, khiến nó bị xấu đi. Xã hội hóa giáo dục là để giáo dục có thêm nguồn lực chính đáng hoạt động tốt hơn chứ không phải là để làm giàu cho một số cá nhân có chức có quyền cụ thể nào đó trong mỗi trường học. Có lúc và nhiều nơi, Hội cha mẹ học sinh đã trở thành ngáo ộp chuyên vẽ ra chuyện này chuyện khác để thu tiền của phụ huynh. Đỉnh cao của của chuyện xã hội hóa chính là nạn “sổ vàng”. “Sổ vàng” không phải để ghi danh những người hảo tâm với tinh thần thiện nguyện, mà là “sổ tiền” ghi tên người đóng góp. Phụ huynh không đóng góp không được nên ta thán ngày một dày thêm. Đến nay, không hiểu vì sao người ta ít nói đến “xã hội hóa giáo dục”, có phải do chủ trương đó sai hay còn vì lý do nào khác?

Nhớ lại những năm bắt đầu đổi mới, cũng là lúc đất nước khó khăn quá, một thiên phóng sự có tên “Làng giáo có gì vui” đã gây chấn động không chỉ làng giáo. Trước đó, theo thói quen được cho là truyền thống “tôn sư trọng đạo” nói đến nghề giáo, những người hành nghề giáo bao giờ cũng là những lời lẽ da diết, kính trọng. Nhưng phóng sự ấy đã cho thấy những người làm giáo dục, nhất là những thầy cô đứng lớp không hẳn ai cũng vui, ai cũng tự hào, và nhất là ít người được ăn sung mặc sướng lắm. Chuyện cũ, tưởng chừng đã qua, nhưng tiếc thay nó vẫn cứ như bóng ma lẩn khuất đeo đẳng cho mãi tới bây giờ.

Nói những điều ấy để thấy, vấn đề thu nhập của người làm nghề giáo dục rất cần phải được quan tâm đúng mức và thực chất. Không nên né tránh mãi, vì né tránh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường ảnh hưởng xấu đến một cái nghề thanh cao bậc nhất: nghề dạy học.

Khi đã không có được thu nhập tốt từ cái nghề mình theo đuổi (hoặc dự định theo đuổi), thì người ta sớm muộn cũng sẽ ngộ ra. Mà câu chuyện nóng hổi của ngày hôm nay chính là đầu vào lẫn đầu ra của ngành sư phạm.

2. Trong lúc nhiều trường đại học điểm sàn tuyển sinh rất cao, có em 30 điểm vẫn trượt, thì lại có trường sư phạm chỉ lấy thí sinh 9 điểm 3 môn. Điều đó cho thấy người học hiện nay đã không muốn vào bất cứ trường nào, miễn là đại học, cao đẳng- mà đã có sự lựa chọn rõ ràng xuất phát từ thực tế việc làm sau khi ra trường. Cùng một thời gian học như nhau (không hơn kém nhiều), nhưng khi ra trường, may mắn có việc để làm thì thu nhập lại chênh lệch quá lớn. Vậy, họ sẽ chọn lựa thế nào? Chọn nơi lương cao, thu nhập cao hay là chọn việc thu nhập thấp? Do lương thấp nên nghề dạy học xuống giá, trường sư phạm mất giá. Đó là gốc của vấn đề.

Cả nước hiện có tới 100 cơ sở đào tạo sư phạm. Đó là con số quá lớn. Việc chất lượng đào tạo sư phạm thấp, đặc biệt là hệ cao đẳng những năm qua là một thực tế nhưng ít khi được thừa nhận. Trong khi thế giới bùng nổ công nghệ thông tin, người ta có thể tìm kiếm kiến thức cho bản thân ở rất nhiều nguồn thì các cơ sở đào tạo vẫn “bình chân như vại”. Nói là đổi mới, là thay đổi cách dạy - cách học ở trường sư phạm nhưng thực sự thì vẫn lẽo đẽo theo sau. Không ít giáo viên thừa nhận rằng kiến thức họ được trang bị, tiếp thu được trong nhà trường lạc hậu hơn bên ngoài rất nhiều. Tầm hiểu biết nhiều khi kém cả học sinh.

Cụ thể là với những học sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do VTV tổ chức, đa số thầy cô phải ngả mũ bái phục. Người học chạy nước rút về kiến thức, người dạy lại lững thững thì làm sao chất lượng dạy - học cao lên được. Nói là đổi mới thì cũng chỉ như một mỹ từ, quan trọng nhất là phải thay đổi thực sự, phải “cầm đuốc soi chân mình” thực sự thì mới có thể chuyển động được. Cũng xin nhắc lại, sự chuyển động ấy phải được tiến hành ngay, phải làm liên tục không được tự mãn, không ngơi nghỉ. Vì rằng, tự mãn được coi là căn bệnh trầm kha của không ít thế hệ người làm giáo dục, với lối nghĩ kiểu AQ rằng mình đã là thầy thiên hạ thì làm sao mà kém được.

3. Nghịch lý thì ở đâu cũng có, lĩnh vực nào cũng có. Nhưng nghịch lý tồn đọng lâu không được giải quyết lại là vấn đề khác.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước đang thừa 26.750 giáo viên ở các cấp, trong đó cấp trung học cơ sở thừa tới 21.000 người (chiếm gần 80%); nhưng lại thiếu gần 13.000 giáo viên các cấp. Nghịch lý thừa và thiếu đã diễn ra nhiều năm, tích tụ dần cho đến khi vón cục thành một con số rất lớn. Điều đó cho thấy sự thiếu kế hoạch trong việc đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên trung học cơ sở- có nghĩa là có quá nhiều trường cao đẳng sư phạm. Cũng không dễ giải quyết vì rằng không thể đào tạo xong rồi thả nổi muốn ra sao thì ra, hay là chơi cái kiểu “để xã hội tự thu xếp”? Thực tế thừa giáo viên khiến cho những người có yêu nghề dạy học cũng ngại ngần khi thi vào và càng không yên tâm khi ra trường. Sắp xếp lại hệ thống các tường sư phạm, không nói đâu xa, hãy dừng tuyển sinh của khối các trường cao đẳng nơi địa phương đó đang thừa giáo viên, đó là việc cần phải làm sớm nếu không muốn sự việc căng thẳng thêm.

Ở tình thế ngược lại, cũng thật buồn là khi năm học mới đã gần kề thì không ít nơi sa thải giáo viên hợp đồng. Người làm 2 năm, người làm 5 năm, ít nhiều gì cũng đã có đóng góp cho ngành, cũng đã được gọi là thầy là cô, nay bỗng chốc mất việc. Mà nào phải lỗi của họ.

Ai sẽ đứng ra bảo vệ họ đây? Chợt nhớ cách đây hơn 20 năm, trong một lần đại hội công đoàn ngành giáo dục, một nhà giáo uy tín được giới thiệu vào chấp hành. Ông cười, cảm ơn và xin rút, cùng đó nói vui rằng: công đoàn như cái vú đàn ông, có thì thừa mà không có thì thiếu. Có bảo vệ được giáo viên đâu. Ông thầy này nghe nói sau đó bị phê bình, nhưng đáng tiếc là ví von của ông có hơi... bất cập nhưng lại đúng.

Đó là nói nơi thừa, còn nơi thiếu vẫn thiếu ghê gớm. Nhất là với một số tỉnh Tây Nguyên và vùng sông Đồng bằng sông Cửu Long- nơi vẫn bị coi là “vùng trũng giáo dục”. Có nghĩa là nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu, không điều tiết được. Trước có cách phân công, nay thì tự chọn là chính. Mấy ai chọn cho mình vào đất khổ, hôm nay mấy ai muốn mình thành “cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, cho dù đó là hình ảnh rất cao quý, rất lãng mạn.

4. Những người làm công tác trong ngành giáo dục lâu năm vẫn hỏi nhau rằng, ai sẽ vào sư phạm. Chuyện như đùa nhưng lại rất đáng suy nghĩ.

Có thời, ít người thi vào sư phạm quá, Nhà nước ra chủ trương không thu học phí giáo sinh ngành này. Đó là chủ trương đúng, là chính sách ưu đãi với mục đích mong có nhiều người giỏi vào ngành này. Và cũng để con em gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thể vào được đại học, cao đẳng. Lúc đầu, sự khuyến khích ấy rất hiệu quả. Nhưng rồi theo thời gian câu chuyện cứ chìm dần. Thực tế tuyển sinh hàng năm cho thấy học sinh giỏi (xét trên tiêu chí điểm số các kỳ thi và học lực chung của trung học phổ thông) vẫn đăng ký các trường “thực dụng” chứ không vào sư phạm- dù không mất tiền học.

Xã hội chấp nhận bỏ tiền ra “mua” kiến thức để có tương lai sáng hơn, chứ không hào hứng với kiến thức được “cho”- hiểu theo nghĩa không phải đóng tiền học, mà tương lai không mấy sáng sủa. Như vậy, cách hỗ trợ bằng tiền dù đúng đi chăng nữa thì đến nay cũng không hẳn là nguồn động viên lớn. Thu hút người vào sư phạm, xét cho cùng cũng như bất cứ ngành nghề nào, thì cũng phải là tương lai sau khi ra trường. Đó là công việc thế nào, dễ xin không, thu nhập cao và ổn định không. Tới nay, thực tế là không ít người học thấy sư phạm dễ thì đăng ký vào chứ không còn phải do được ưu đãi, cũng không phải do yêu nghề dạy học. Đó có phải là vấn đề đáng quan tâm hay không?

Một khía cạnh khác, ít người nói tới hơn, nhưng cũng lại là một thực tế. Đó là trong tổng số người làm thầy hiện nay, đặc biệt là ở 3 cấp phổ thông (không kể bậc học mầm non, cũng không kể đại học), đa số là giáo viên nữ. Bình đẳng nam nữ- đúng rồi. Nữ giỏi như nam- đúng rồi. Cô giáo dễ gần học sinh hơn thầy giáo- không sai. Nhưng cô giáo với thiên chức làm mẹ, làm vợ của mình liệu có thể hết lòng vì học sinh thân yêu hay không; có nhiều thời gian cho việc tự đọc tự học bổ sung kiến thức bài giảng hay không? Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục nói nhỏ với nhau rằng, một nền giáo dục “âm tính” không phải là hay. Ở đời, cái gì cũng vậy, phải cân bằng mới vững. Lệch một bên là không được. Lệch quá thành ra dị dạng, khuyết tật. Ai đã từng đi đến những vùng núi cao, vào những điểm trường cách xa trung tâm xã cả ngày đường núi, nhìn cảnh vài ba cô giáo cô quạnh mới thấy ái ngại. Thầy giáo đâu rồi chẳng thấy, nơi khó khăn như vậy sao chỉ thấy cô. Đúng là cảnh hoa nở đầu non. Có thơm, có đẹp cũng chẳng người ngắm. Giá như có giáo viên nam điều động vào đây để các cô được dạy, được sống ở nơi đỡ khổ hơn thì tốt biết mấy. Nhưng khốn nỗi, ít thầy giáo quá. Thanh niên quan niệm sức dài vai rộng không chọn trường sư phạm mới đến nông nỗi này. Liệu có cách nào cân bằng cho “âm - dương” hài hòa, một nền giáo dục bớt “âm tính” được không?

5. Trở lại câu chuyện đầu vào trường sư phạm quá thấp, đầu ra sẽ ra sao. Nhiều ý kiến lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên sau này khi mà người ta không dám nói thật với nhau rằng người học kém vào sư phạm thì khi ra trường đi dạy sẽ lại là giáo viên kém. Nhưng, với người viết bài này, thì đó là cách nghĩ cực đoan. Cuộc đời cho chúng ta thấy rằng không phải ai xuất phát điểm thấp thì mãi sẽ chỉ là người kém. Không phải người nào cũng kém tất cả, vì tồn tại được trong trời đất thì hẳn họ phải có một điểm mạnh nào đó. Nếu không thì sống thế nào.

Cách nghĩ đầu vào kém thì đầu ra sẽ kém chỉ là suy luận thông thường, thiếu khoa học, vì còn cả một quá trình đào tạo và tự đào tạo phía trước. Không nhận sự đào tạo và tự đào tạo thì giỏi cũng thành dốt, có tài đi chăng nữa thì cũng thui chột. Còn người nào đó điểm thi thấp nhưng học hành tử tế nghiêm ngắn, lại chú tâm tự học thì khoảng cách kiến thức sẽ dần rút ngắn. Chính việc tự đào tạo (chủ động) sẽ cho mỗi người lượng kiến thức vững chắc hơn là được đào tạo (thụ động tiếp thu).

Thời GS Nguyễn Cảnh Toàn còn làm quản lý giáo dục, ông đã nói nhiều lần, nhiều nơi về việc tự đào tạo. Bởi ông nhận ra rằng nhiều người làm thầy sớm tự mãn, chỉ “quen dùng” những kiến thức được nhà trường trang bị nên cùn đi rất nhanh, ví như cái chổi càng quét càng cùn. Ông động viên, khuyến khích, kêu gọi nhà giáo hãy tự học, tự đào tạo để bổ sung kiến thức, cập nhật kiến thức trên cái nền kiến thức nhận được trong trường sư phạm. Lúc bấy giờ, người ta cũng nghe ông. Nhưng mà nghe chỉ để tham khảo, để đấy, ít người làm theo.

Xét trên tinh thần đó thì việc đầu vào sư phạm (cụ thể là năm học này) thấp là điều đáng quan tâm, nhưng không nên quá hốt hoảng. Về mặt xã hội học, khi mà người đời cứ kêu ầm lên rằng lứa giáo sinh sư phạm này dốt sau này sẽ chẳng ra gì- thì người ta còn đâu hứng chí học hành. Người ta sẽ tự ti mặc cảm, nhụt hết ý chí lẫn khát vọng.

Vấn đề là khi đầu vào của họ thấp thì các trường sư phạm trong thời gian 3 năm, 4 năm phải làm sao bù đắp được kiến thức cho họ. Muốn thế phải đổi mới cách dạy thực sự chứ không chỉ là những biểu ngữ, khẩu hiệu trên tường ngày nào cũng thấy. Nhìn nhiều hóa quen, mất thiêng. Với một người sẽ làm thầy, kiến thức bộ môn là rất quan trọng, nhưng phương pháp về kĩ năng truyền đạt kiến thức cũng quan trọng không kém. Thực tế cho thấy không ít người ôm cả bồ chữ nhưng nói không ai hiểu, không dạy được ai. Nhưng cũng có người kiến thức không lấy gì làm cao sang nhưng nói rất dễ nghe, dễ hiểu. Ấy mới là thực dạy. Phương pháp truyền đạt kiến thức cho học trò đối với người học sư phạm cần phải được đổi mới quyết liệt, đổi mới ngay, phải coi đó là khâu cốt lõi của các trường sư phạm mới mong tiệm cận thực tế- một thực tế đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết.

Nhân đây cũng nói thêm chút ít về việc thực tập của giáo sinh sư phạm và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên trong hè. Nói chung, những việc ấy là cần thiết và đúng đắn, chỉ có là đem lại ích lợi gì thực sự cho người sắp làm thầy và đang làm thầy hay không. Căn bệnh hình thức, qua loa đại khái khiến giáo sinh khi đi thực tập giảng dạy không tiếp thu được gì, làm họ chán, bỏ cả thực tập. Còn với những lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho giáo viên dịp hè, cũng lại “đến hẹn lại lên”. Tại những lớp học ấy, có thể họ được trang bị thêm kiến thức về chủ trương này, chủ trương kia nhưng cái họ thật cần là kỹ năng đứng lớp và kiến thức mới thì hình như rất thiếu.

Để nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm, ngành Giáo dục đưa ra giải pháp áp dụng điểm sàn riêng đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên trong kỳ tuyển sinh năm sau. Cũng tốt thôi. Nhưng xét trên nhiều mặt, thì đó có phải là giải pháp căn cơ nhất? Câu hỏi vẫn cần được trả lời. Kể cả việc tính đến chuyện sáp nhập các trường đại học, cao đẳng sư phạm yếu kém thì liệu đó có phải là điều cốt tử để nâng cao chất lượng ngành đào tạo chuyên biệt này, chưa nói đến chất lượng người thầy từ đó có nâng lên được thực chất hay không.

Để kết thúc, xin dẫn lại lời của ông Đỗ Văn Xê- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ khi trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về việc chất lượng đào tạo sư phạm. Ông Xê cho rằng phải phân biệt rõ điểm đầu vào đại học, cao đẳng thể hiện năng lực học tập, tiếp thu chương trình trung học phổ thông. Vào bậc đại học, chương trình, nội dung khác hẳn với bậc phổ thông, vì thế chưa chắc điểm đầu vào cao thì sẽ trở thành sinh viên giỏi. Đó là sai lầm lớn của chúng ta khi quá quan trọng hóa vấn đề điểm đầu vào đối với ngành sư phạm. Đừng đồng nhất thầy giỏi với điểm đầu vào đại học phải cao. “Tôi cho rằng điểm đầu vào của trường, của ngành bất kỳ, trong đó có sư phạm nên được hiểu là học sinh đó đã đủ kiến thức căn bản để học ở bậc đại học, cao đẳng”- theo ông Xê. Và rằng, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm nhiều khi không phải do thầy dạy dở mà nếu xã hội không có nhu cầu công việc ấy thì sinh viên giỏi cách mấy cũng vẫn không có việc làm. Phải quay trở lại vấn đề nền kinh tế phải phát triển để tạo công ăn việc làm phù hợp, nhà trường chỉ cần làm tốt công tác đào tạo của mình.

Nói như ông Xê cũng đúng, nhưng ông chưa nói đến chuyện nâng chất lượng của nghề sư phạm ở hai điểm: Đổi mới cách đào tạo theo hướng kỹ năng truyền thụ kiến thức và tạo ra cho được ý thức tự học, tự đào tạo của mỗi người khi đã bước vào con đường làm thầy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm của người làm thầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO