Điểm ưu tiên

Ngọc Anh 02/08/2017 09:05

Đánh giá một cách khách quan, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có nhiều đổi mới, tổ chức gọn nhẹ hơn, ít tốn kém và phiền hà cho xã hội. Tuy nhiên, khi mùa tuyển sinh 2017 bước vào những ngày nóng nhất chính là lúc các trường đại học đồng loạt công bố điểm chuẩn, thì cũng còn nhiều điều phải bàn.

Công bằng trong học vấn là điều kiện cần thiết để nâng chất lượng đào tạo đại học.

Điểm chuẩn cao kỷ lục chưa từng có là câu chuyện được nhiều người quan tâm. Đương nhiên, việc xuất hiện những cơn mưa điểm 10 không phải do năm nay thí sinh học giỏi hơn những năm trước.

Tuy nhiên, sự thật là điểm chuẩn các trường cho thấy mức tăng của các trường tốp đầu là rất nhiều, chứ không phải chỉ là “một chút” như nhận định trước đó.

Có những ngành, những khoa tăng khoảng 4 đến 5 điểm so với những năm trước. Và việc này, như đã nói, không phải do trình độ các em cao hơn, mà do phương thức thi cử (cách tổ chức thi, trông thi và việc ra đề thi).

Nhất là với đề thi phần lớn là trắc nghiệm, rõ ràng có yếu tố may mắn rõ hơn đề thi tự luận, khác biệt về kết quả sẽ có nếu độ nghiêm trong trông thi khác nhau.

Cũng từ câu chuyện trên 29 điểm, thậm chí 30 điểm vẫn trượt nổi lên rất rõ vấn đề ưu tiên trong tuyển sinh vốn đã gây tranh cãi trong nhiều năm qua.

Có những thí sinh điểm thi gần như tuyệt đối vẫn trượt trong khi có thí sinh chỉ 26, 27 điểm lại đỗ vì điểm cộng ưu tiên hiện nay chênh tới 3, 4 điểm.

Dư luận một lần nữa đặt vấn đề: Quy định cộng điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) đang gây ra sự “bất công” cho thí sinh khi nhiều thí sinh có điểm thi thực cao hơn nhưng do không có điểm ưu tiên đã trượt vào trường mình yêu thích. Mà điển hình là có thi sinh thi được 29,25 nhưng vẫn không đỗ vào ĐH Y Hà Nội.

Bộ GDĐT từng nhiều lần cho biết đề thi có tính chất phân loại cao ở những câu cực khó để đạt điểm tuyệt đối. Điều này đồng nghĩa với việc một thí sinh đạt điểm 25 khác hẳn một thí sinh đạt điểm 28. Bởi độ khó của những câu để đạt mức 28 tức là mức điểm 9 khác với mức điểm 7 hoặc 8.

Vậy nhưng với cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay, thí sinh đạt điểm 25 có điểm cộng ưu tiên đã vào trường cùng thí sinh đạt điểm 28 không có ưu tiên, và để em đạt điểm 27 ở lại bên ngoài cổng trường.

Trong câu chuyện ưu tiên hay không ưu tiên điểm xét tuyển đại học, có vấn đề công bằng xã hội. Việc cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực, vùng miền được giải thích là đảm bảo bình đẳng và công bằng xã hội.

Trong ngày hôm qua, 1/8, khi đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GDĐT cho rằng, “khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng.”

Tất nhiên, không ai phản đối chính sách ưu tiên cho những vùng khó khăn, và việc tạo điều kiện để tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục như nhau là thể hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải đặt vấn đề: Có nên tiếp tục ưu tiên trình độ nữa hay không? Ví dụ trong trường hợp tuyển sinh bác sĩ đa khoa, thì chuẩn của một bác sĩ đòi hỏi trình độ như nhau.

Chúng ta thấy rõ ngay hệ quả của bất bình đẳng trong ưu tiên kiến thức khi mà rất có thể một sinh viên vùng ưu tiên sau khi đầu vào được chiếu cố thì ra trường vẫn chữa bệnh ở thành phố.

Nói về việc này, GS.TSKH Hà Huy Bằng- Chủ nhiệm Khoa Lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho rằng: “Chúng ta khó có thể quy đổi ra điểm vì không có sự tương đương.

Nếu anh là đối tượng chính sách thì Nhà nước có thể quy đổi công sức mà anh hoặc bố mẹ anh đóng góp cho đất nước bằng tiền trợ cấp, bằng các ưu đãi về điều kiện vật chất.

Sự quy đổi nếu làm ảnh hưởng đến người thứ ba, rộng hơn là tới xã hội thì càng không nên”. Tức là theo phân tích của GS Bằng, nếu cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách thì không chỉ chất lượng của trường ĐH bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sinh mạng người khác nếu ngành đào tạo là bác sĩ; chất lượng nền dân trí, nguồn nhân lực ảnh hưởng nếu ngành đào tạo là sư phạm...

Còn theo Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi- nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ - văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội), “việc người ta lấy lý do ưu đãi bằng cách cộng điểm là để các em học xong trở về phục vụ quê hương là thiếu cơ sở. Trên thực tế, rất nhiều em học xong không trở về mà ở lại thành phố”.

Theo ông Vũ Thế Khôi, “nên ưu tiên bằng các chính sách khác chứ không nên cộng điểm. Tất cả những loại hình cộng điểm ở các kỳ thi đều không công bằng. Tuyển sinh đại học lại càng phải bỏ vì chỉ cần chênh nhau 1/4 điểm là đã có em đỗ em trượt”.

Ngay cả bà Nguyễn Thị Kim Phụng dù bảo vệ chính sách cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển cũng đã nói: “Tất nhiên, chính sách ưu tiên cũng không phải là bất di bất dịch, cũng cần thay đổi theo thời gian, khi các điều kiện chênh lệch đã được thay đổi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm ưu tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO