Lãng phí tài nguyên đất ở các nông, lâm trường - Kỳ I: Quản lý theo kiểu 'phát canh, thu tô'

Nguyễn Chung 13/08/2019 08:00

Trong nhiều năm trở lại đây, việc “ôm” và sử dụng đất thiếu hiệu quả do yếu kém trong khâu quản lý đã gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên của các nông, lâm trường tại Thanh Hóa. Trong khi đó người dân, đặc biệt là đồng bào miền núi đang thiếu đất sản xuất nghiêm trọng.

Thống kê cho thấy, tính đến giữa năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có 32 đơn vị là các nông, lâm trường đang hoạt động và sử dụng 196.714,4ha đất. Tuy nhiên, hầu hết các nông, lâm trường đều quản lý, sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán cho công nhân theo dạng “phát canh, thu tô”, dẫn đến tình trạng sai mục đích sử dụng, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai. Trong khi người dân, đặc biệt là đồng bào tại các huyện miền núi đang thiếu đất sản xuất trầm trọng.

Lãng phí tài nguyên đất ở các nông, lâm trường - Kỳ I: Quản lý theo kiểu 'phát canh, thu tô'

Do không có sự quản lý chặt chẽ, đất tại các nông, lâm trường bị cho thuê qua nhiều tay, mạnh ai nấy làm.

Mạnh ai nấy làm

Đã hơn 3 năm trở lại đây, gia đình chị Vũ Thị Hiền, thôn Bái Tôm, xã Điền Quang, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) luôn sống trong tâm trạng khấp khởi vui mừng trước mỗi vụ thu hoạch mía đen được trồng trên diện tích 3 ha đất thuê lại của lâm trường Bá Thước, nay là Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý. Theo tính toán của chị Hiền, 3 năm qua cũng là thời gian cây mía đen vừa được mùa, lại được giá. Sau khi thu hoạch, trừ mọi chi phí cho giống, phân bón, công chăm sóc, mỗi ha cũng cho gia đình chị thu nhập dao động từ khoảng 70 - 100 triệu/ha. Một khoản thu nhập kha khá, đủ để cả gia đình sống sung túc.

Chị Hiền cho biết: Vợ chồng chị vốn là công nhân của Lâm trường Bá Thước. Từ những năm 1990 của thế kỷ trước, gia đình chị đã nhận giao khoán 3 ha đất lâm nghiệp, với thời hạn 50 năm để khôi phục lại rừng luồng nhưng sau một thời gian, cây luồng không đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình chị cùng nhiều hộ dân là công nhân khác trong lâm trường rơi vào cảnh “chạy ăn từng bữa”. Để thoát khỏi tình trạng bi đát, ban lãnh đạo lâm trường đã đưa ra nhiều phương án như: Trồng lát, muồng đen,… nhưng tất cả đều không đem lại hiệu quả, đời sống của của công nhân vẫn không được cải thiện. Đến khoảng những năm 2000, do không hiệu quả, lâm trường Bá Thước được giao lại cho Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý. Tuy nhiên, cho dù có thay đổi chủ nhưng hình thức vận hành vẫn không có gì thay đổi.

Chấp nhận bị phía Cty chủ quản phạt để tìm sinh kế, hơn 100 hộ dân đã tự động phá bỏ cây luồng, chuyển sang trồng các loại cây khác như: Keo, mía, ngô, sắn và các cây ngắn ngày khác để sinh sống. Cứ thế, toàn bộ diện tích đất của lâm trường bị chia nhỏ, mạnh ai nấy làm, không theo một kế hoạch, chủ trương cụ thể nào. Đến năm 2017, bất ngờ phía lâm trường thông báo sẽ rút ngắn thời gian thuê đất xuống còn 30 năm, và tỉnh có kế hoạch giao lại lâm trường cho Cty Đồng Giao làm vùng nguyên liệu. Điều này đã đưa người dân lâm trường vào tâm trạng hoang mang, thắc thỏm vì không biết khi nào sẽ bị thu hồi đất.

“Trong một thời gian dài, ban giám đốc không đưa ra được bất kỳ phương án nào để phát triển lâm trường. Hầu hết đều là những kế hoạch chung chung, vạch ra rồi để đấy.Thậm chí, kể cả khi phát cây giống cho người dân trồng theo kế hoạch, họ cũng chẳng buồn đi kiểm tra xem cây sống hay chết. Điều mà họ quan tâm duy nhất là định kỳ, đến từng hộ dân thu thuế đất!” – chị Hiền thất vọng nói.

Tìm hiểu thêm từ phía các công nhân lâm trường chúng tôi: Hiện nay, phía Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang cho công nhân thuê lại đất với giá 600 nghìn đồng/1 ha/năm, mỗi năm thu tiền một lần. Cách làm này đã khiến nhiều người cho rằng, phía lâm trường đã bất lực trong việc khai thác hết các giá trị đối với diện tích được giao và họ - phía ban quản lý lâm trường chỉ làm được một việc duy nhất là “phát canh, thu tô”. Để phản đối sự vô trách nhiệm, thiếu hiệu quả trong quản lý và việc thu hẹp thời gian thuê đất cũng như chủ trương bàn giao lại lâm trường cho Cty Đồng Giao quản lý, nhiều hộ dân ở đây đã “găm” lại từ 2 – 3 năm tiền thuế.

Lãng phí tài nguyên đất ở các nông, lâm trường - Kỳ I: Quản lý theo kiểu 'phát canh, thu tô' - 1

Lãng phí tài nguyên

“Suốt hơn 20 năm qua, họ không đóng góp cho Nhà nước một đồng ngân sách nào! Với cách làm này, các lâm trường đang gây ra lãng phí tài nguyên đất một cách nghiêm trọng!” - ông Trương Văn Lịch - Chủ tịch HĐND huyện Bá Thước đã khá gay gắt khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Cũng theo ông Lịch, hiện nay, Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang quản lý 3.442,54 ha đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất mà không đem lại bất kỳ hiệu quả cụ thể nào. Trong khi đó, huyện đang thiếu trầm trọng đất sản xuất để bố trí cho người dân cũng như quỹ đất để tái định cư cho đồng bào vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét và người dân vùng thủy điện Bá Thước phải di dời. Để hiệu quả hơn, huyện đã làm tờ trình UBND tỉnh, xin được bàn giao lại toàn bộ diện tích mà phía Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang sử dụng.

Thực trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường kém hiệu quả và gây lãng phí tại lâm trường Bá Thước chỉ là một điển hình. Theo số liệu thống kê của tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có đến 32 đơn vị là các nông, lâm trường đang quản lý và sử dụng trên 197.714 ha. Nhiều nhất là ở các huyện như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh... Trong suốt thời gian dài, mặc dù các Cty lâm nghiệp, nông lâm trường đã loay hoay, cố sức tìm hướng phát triển nhưng hiệu quả không rõ rệt. Một số đơn vị được giao quản lý, sử dụng diện tích đất lớn, vượt năng lực quản lý và khả năng tài chính nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp, gây bức xúc trong nhân dân và lãng phí nguồn tài nguyên của Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh - một trong những địa phương có nhiều Cty lâm nghiệp, rừng phòng hộ hoạt động cũng cho biết: Tình trạng chung của các nông, lâm trường là không muốn bàn giao đất cho huyện quản lý mà giữ đất để thực hiện “phát canh thu tô”. Trong khi đó đồng bào miền núi đang thiếu đất sản xuất trầm trọng.

* Theo số liệu thống kê mới nhất, đến tháng 7/2017, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20.914 hộ dân các huyện miền núi thiếu đất sản xuất, tương đương khoảng 39.065 ha. Các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, có tình trạng người dân thiếu đất sản xuất nhưng 2 năm qua tỉnh chưa có phương án để giải quyết. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 32 nông - lâm – trường, công ty trách nhiệm hữu hạn và Ban quản lý rừng phòng hộ với tổng diện tích là trên 197.714 ha.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng phí tài nguyên đất ở các nông, lâm trường - Kỳ I: Quản lý theo kiểu 'phát canh, thu tô'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO