Định danh trên mạng xã hội

Bắc Phong 12/05/2023 07:00

Vấn nạn lừa đảo, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân, cùng nhiều nội dung độc hại vẫn lan tràn trên môi trường mạng có nguyên nhân từ việc mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin OTT có phép ẩn danh của người dùng. Việc “vô hình” của người sử dụng tài khoản mạng xã hội đã khiến các hoạt động ở môi trường này trở nên phức tạp, trắng đen lẫn lộn khi thông tin được phát tán rộng rãi.

Ngày 8/5, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chậm nhất đến cuối năm nay, sẽ có nghị định mới nhằm yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh. Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh. Việc này sẽ áp dụng cho cả mạng xã hội là Facebook, Youtube, Tiktok... Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.

Việc yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội được xem là hành động cần thiết nhằm tạo sự trong sạch, minh bạch cho không gian mạng; quy định cả với mạng xã hội xuyên biên giới cũng như ứng dụng OTT nước ngoài. Nếu các ứng dụng, nền tảng này không đáp ứng yêu cầu định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý.

Được biết, hiện Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể về việc xác định các tài khoản trên mạng. Khi cơ quan điều tra ở địa phương làm văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các đơn vị sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, để xác thực xem chủ tài khoản đó là ai.

Đáng chú ý, tại dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ quy định việc quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài tương tự nền tảng trong nước. Theo đó, nếu các ứng dụng không đáp ứng yêu cầu sẽ bị chặn nhằm ngăn việc sử dụng các ứng dụng này để lập hội nhóm lừa đảo, không truy vết được.

Nói về lợi ích của việc định danh người dùng trên mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thông qua việc xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại đã góp phần làm chuyển biến rõ rệt tình hình đấu tranh với các đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội. Sắp tới, Bộ Công an sẽ làm việc với ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. “Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, thanh toán tiền” - ông Ngọc khẳng định.

Làm trong sạch môi trường mạng, triệt tiêu vấn nạn lừa đảo trực tuyến là đòi hỏi của xã hội khi mà không gian mạng đã bị vấy bẩn với nhiều hình thức lừa đảo, bịa đặt, gây chia rẽ, mất đoàn kết. Chỉ riêng nạn “quảng cáo bẩn” cũng đã khiến nhiều người bị sập bẫy khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Trong lĩnh vực quảng cáo thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, người dân như lạc vào ma trận. Những nơi phát ra quảng cáo bẩn này còn ngang nhiên để lại số điện thoại liên hệ mà không hề sợ bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Internet, không gian mạng đã không còn ảo nữa mà đã là một phần của cuộc sống thực. Việc quản lý, định danh các tài khoản số sẽ không phân biệt đời thực hay trên mạng. Từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng, hạn chế thấp nhất việc “ném đá giấu tay” khi dùng tên giả nhằm lừa đảo, tung tin xấu độc.

Mạng xã hội ngày càng phổ biến, lực lượng người dùng ngày một đông đảo. Các nhóm trên mạng lập ra ngày một nhiều. Thông tin thất thiệt cũng từ đó mà lan toả nhanh chóng, thu hút đông đảo người tham gia bình luận, loan tin, chia sẻ, khuếch tán.

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Nhiều điều luật, nghị định cũng quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, từ xử phạt hành chính đến phạt tù.

Pháp luật quy định như vậy, nhưng việc triển khai thực tế còn nhiều vấn đề nên những thông tin xấu độc vẫn có đất tồn tại. Do đó, việc yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh là rất cần thiết và cần sớm triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định danh trên mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO