Cổ phần hóa vẫn chậm

Thúy Hằng 07/11/2018 08:00

Tại diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” diễn ra ngày 6/11, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), một lần nữa nhắc lại: Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Cổ phần hóa vẫn chậm

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm.

Sợ trách nhiệm

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đặng Quyết Tiến cho hay có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng chậm cổ phần hóa chậm vẫn tiếp tục tái diễn, trong đó có tâm lý sợ trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp (DN) nhà nước. “Chúng tôi tiếp xúc với nhiều DN, lãnh đạo rất lo lắng rằng sau khi cổ phần hóa sẽ đi đâu, về đâu? Xử lý công nợ ra sao? Họ sợ trách nhiệm” - đại diện Cục Tài chính DN chia sẻ

Nhìn lại kết quả quá trình cổ phần hóa trong mấy năm gần đây cũng cho thấy sự ì ạch. Năm 2016, theo kế hoạch phải cổ phần hóa 66 DN (trong đó có 15 DN cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 DN độc lập) với tổng giá trị DN là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Tuy nhiên, 18/35 DN không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những DN bán được rất ít như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…

Đến năm 2017, 69 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị DN của 69 DN là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Trong số 69 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 48 DN báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 DN không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những DN bán được rất ít so với số cổ phần bán đấu giá công khai như: Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3); Tổng công ty Công ty Sông Đà; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình.

Tính đến tháng 10/2018, mới có 10% DN có kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy là rất chậm. Kết quả gần đây cho thấy, DN bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy vậy, các DN chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia.

Ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc Tổng Công tư Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên nhìn chung quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm. Các nguyên nhân kể trên gồm, pháp luật còn chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì một văn bản duy nhất, cho dù ở cấp thông tư. Điều này dẫn đến việc tham chiếm, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc. Công tác lập kế hoạch thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành. Ngoài ra, còn những vướng mắc về phía DN là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối trên 51% tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước…

Hiệu quả hoạt động thấp

Cổ phần hóa chậm, hiệu quả hoạt động của khối DN nhà nước cũng được đánh giá là chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM), hiệu quả hoạt động của DN nhà nước còn rất thấp, mức độ sẵn sàng với cách mạng 4.0 của DN nhà nước còn rất hạn chế.

Trước đó, tại Báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc năm 2017và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, Bộ Tài chính cho biết, 521 DN 100% vốn nhà nước đang có tổng tài sản 3 triệu tỷ đồng nhưng nợ tới 1,5 triệu tỷ đồng.

Theo đánh giá chung, khối DN nhà nước cũng tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro về độ mở cao của nền kinh tế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng, hạ tầng chưa phát triển đồng bộ nên năng lực cạnh tranh yếu, gặp nhiều rủi ro khi tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó nội lực tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa có những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ phần hóa vẫn chậm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO