Đổi thay ở làng nghề chẻ đá

NGHĨA VĂN 12/02/2023 08:54

Nghề chẻ đá tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân tại các xã Gio Bình, Gio An, Gio Hòa cũ… (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dù vậy nghề đã mang lại cuộc sống đổi thay cho người dân đất Gio Linh. Ước tính, bình quân mỗi người dân làm nghề này có thể thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ năm.

Người thợ khoan, tách hòn đá mồ côi thành những mảnh nhỏ.

Gắn bó với nghề

Từ quốc lộ1A đi dọc theo đường tỉnh lộ 75 ngược lên phía tây của tỉnh Quảng Trị không khó để bắt gặp những hòn đá hình tròn, bầu dục… với kích thước khác nhau được tập kết thành từng đống lớn ở 2 bên đường, trong vườn nhà. Người dân ở khu vực này thường quen gọi những hòn đá trên là đá mồ côi. Bởi lẽ, theo lý giải của người dân sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là vì những hòn đá này nằm tách rời và rải rác trên các ngọn núi hoặc nằm len lỏi dưới lòng đất.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đạo (44 tuổi, trú tại thôn Tân Văn, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, đã làm nghề chẻ đá này nhiều năm. Kéo chiếc khẩu trang che kín mặt, ông Đạo cầm chiếc khoan lớn nhất lên và bắt đầu tách hòn đá mồ côi có bề rộng chừng 1m. Tiếng "rèng… rèng…" khi mũi khoan va chạm vào đá lại tiếp tục vang lên. Sau hồi âm thanh đó, ông Đạo ngưng mũi khoan và lấy chiếc đục sắt đập mạnh xuống. Từng nhát búa chắc chắn, chính xác, thành thục từ tay ông Đạo đập xuống khiến hòn đá mồ côi bị chẻ ra thành đôi với đường nếp tương đối thẳng thắn.

Dùng hết sức lật úp một nửa tảng đá mới được khoan chẻ xuống mặt đất, ông Đạo tiếp tục lặp lại quy trình khoan, dùng đục sắt và lấy búa đập vào chia tách đá thành từng mảnh nhỏ hơn. Cứ vậy, từ một hòn đá mồ côi to lớn đã tạo ra những viên gạch vuông vắn với kích thước chừng 10x18x26 cm.

Theo ông Đạo, nhìn bề ngoài sẽ thấy mỗi hòn đá mồ côi hết sức rắn chắc nhưng thực tế chúng được tạo thành bởi những thớ đá nhỏ hơn. Việc của người thợ chẻ đá là phán đoán được thớ đá này để chẻ ra một cách dễ dàng, vuông vắn. “Nghề chẻ đá đã có từ lâu rồi, tôi cũng chỉ kế thừa từ cha ông để lại mà thôi. Ngày xưa chưa có khoan điện thì mọi công đoạn chẻ đá đều làm thủ công hết. Nhiều lúc đập búa xuống sẽ bị trượt hoặc dội va ngược vào tay, vào người”, ông Trần Tý (45 tuổi) nói.

Hiện tại, mỗi viên gạch được chẻ ra từ hòn đá mồ côi đang được bán với giá 18 nghìn đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi viên người thợ lời được chừng 8 - 9 nghìn đồng. “Mỗi ngày nếu cố gắng tôi cũng chẻ được khoảng 40 - 50 viên. Tính ra thì thu nhập mỗi ngày cũng khoảng 300 - 400 nghìn đồng”, ông Trần Tý chia sẻ.

Theo những người thợ ở đây, bên cạnh làm nghề chẻ đá, họ còn trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ lúc nông nhàn, người thợ lại đi chẻ đá để cung ứng ra thị trường và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, những năm trước tại xã Gio Hòa cũ (nay đã sáp nhập thành xã Gio Sơn, Gio Linh, Quảng Trị) còn tổ chức lễ hội thi chẻ đá.

Ông Đỗ An Chung - Chủ tịch UBND xã Gio Sơn cho hay, lễ hội thi chẻ đá thường được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội không chỉ là hoạt động vui xuân của người dân mà còn là sự tôn vinh nghề chẻ đá. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, phần vì dịch bệnh Covid-19, phần vì xã mới sáp nhập nên lễ hội thi chẻ đá Gio Hòa không tổ chức được.

Sau khi tạo lỗ thủng, người thợ dùng đục sắt để tách đá ra.

Chẻ đá… ra tiền

Theo ông Đỗ An Chung, ước tính hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 100 hộ dân tại đây thường xuyên làm nghề chẻ đá. Cùng với đó, các cơ sở chẻ đá còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương giúp họ có thu nhập bình quân đạt từ 80 - 100 triệu đồng/người/năm.

Tính riêng tại xã Gio Hòa cũ, mỗi năm nghề chẻ đá mang lại tổng doanh thu khoảng 9 tỷ đồng góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp ổn định đời sống cho nhân dân và đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Được biết, hiện nay nghề chẻ đá ở xã Gio An đang gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Bởi lẽ, trên địa bàn và các vùng lân cận không có mỏ, cơ sở khai thác đá mồ côi, toàn bộ đá đang sử dụng để chẻ thành gạch được người dân thu lượm từ việc cải tạo vườn cây, xây cất nhà cửa… tập kết lại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Song - Chủ tịch UBND xã Gia An cho biết, hiện nguyên vật liệu đầu vào - đá mồ côi ngày càng khan hiếm nên thế hệ trẻ ngày nay không mấy mặn mà với nghề chẻ đá. Ước tính, hiện tại xã Gio An có khoảng 14 hộ dân đang còn theo nghề chẻ đá và những người thợ chính đều khoảng 40 - 50 tuổi.

Chia sẻ mong muốn của mình với nghề, ông Trần Đạo tâm sự: “Đến nay, chẻ đá không chỉ là nghề mưu sinh mà với tôi nó còn là truyền thống mà cha ông xưa để lại. Tôi vẫn sẽ làm nghề này cho đến khi nào sức khỏe cho phép. Mong sao lớp trẻ sẽ giữ lại và nâng tầm nghề để đục, đẽo đá thành các pho tượng, các tác phẩm nghệ thuật…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở làng nghề chẻ đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO