Đòn bẩy cho doanh nghiệp

Minh Phương 25/03/2019 07:40

Nhận định về môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài cũng như các tổ chức, chuyên gia quốc tế cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thực sự sáng lên. Bằng chứng là nhiều DN nước ngoài muốn đổ vốn và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đòn bẩy cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

Nhiều DN nước ngoài muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Có tới 70% DN Nhật Bản khẳng định, họ rất mong muốn tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng, các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng và khả năng tăng trưởng của Việt Nam.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam vẫn đang giữ được những lợi thế về môi trường đầu tư như quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng hay một lợi thế rất truyền thông là chi phí nhân công rẻ. Đặc biệt, việc Việt Nam trở thành đối tác trong nhiều Hiệp định thương mại tự do cũng là một kênh để các DN Nhật có thể qua đó tiếp cận các thị trường mới. Bình luận về con số gần 70% DN Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam, các chuyên gia khẳng định, con số này phản ánh rõ nét môi trường kinh doanh đã thực sự ổn định và đầy tính hấp dẫn đối với các DN nước ngoài muốn mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Một báo cáo mới nhất vừa được Eurocham công bố cũng tiếp tục cho thấy rõ hơn rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thực sự sáng lên. Báo cáo liên quan đến chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Eurocham cho thấy các công ty châu Âu đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả đánh giá trong quý IV/2018 ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2016. Ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch EuroCham - cho rằng, kết quả tích cực của BCI vừa qua chính là một ví dụ của sự tin tưởng mà DN châu Âu dành cho môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Theo EuroCham, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với lạm phát thấp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Các DN châu Âu cũng cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn bởi hiệp định này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, lợi thế về chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường kinh tế phi điều tiết đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, người tiêu dùng trung lưu tại Việt Nam đang là “thỏi nam châm” thu hút doanh nghiệp châu Âu.

Đòn bẩy để nâng sức cạnh tranh

Với những nhận định được các DN, tổ chức quốc tế đưa ra, có thể thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam thực sự đã có những chuyển biến rõ nét. Các chuyên gia trong nước cũng khẳng định, những năm gần đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết của Chính phủ Việt Nam, hàng loạt các chính sách được đưa ra đã tạo nên một diện mạo mới cho môi trường kinh doanh nước nhà.

Theo TS Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), năm 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh, ngay từ đầu năm chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01, Nghị quyết 19. Các bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, theo đó tỷ lệ đề xuất hầu hết đều trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để hiện thực hóa.

Đã có đến 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành. Mặc dù vẫn còn những câu hỏi đầy hoài nghi, rằng “việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã đạt được mục tiêu?”, “liệu việc cắt giảm đó có phải là thực chất?”, song ông Tuấn khẳng định một cách chắc chắn rằng, năm 2018 là một năm hừng hực khí thế cải cách nhờ “sức nóng” từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng DN.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn, củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng DN. Những động thái nói trên tiếp tục là đòn bẩy, động lực tạo sự hứng khởi cho cộng đồng DN trong việc gia tăng thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đòn bẩy cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO