Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng hội nhập

Quốc Trung 26/01/2016 09:35

Những năm gần đây, các quyết sách của Đảng, Chính phủ đã và đang vực dậy và khẳng định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trên vùng đất này, tạo thế và lực trên con đường hội nhập…

Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng hội nhập

Chỉ có liên kết mới mang lại ổn định cho nông nghiệp ĐBSCL.

Sản phẩm cá tra của vùng ĐBSCL đã đi đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; sản phẩm tôm đã thâm nhập vào khoảng 90 thị trường; mặt hàng gạo cũng đã có mặt ở gần 140 quốc gia, vùng lãnh thổ; nhiều loại trái cây đặc sản của vùng đã vào được thị trường khó tính.

Tuy nhiên, dù đứng trên nhiều “cái nhất”, nhưng nông dân vùng ĐBSCL vẫn chưa giàu được. Những năm gần đây, các quyết sách của Đảng, Chính phủ đã và đang vực dậy và khẳng định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trên vùng đất này, tạo thế và lực trên con đường hội nhập…

Tin vào cánh đồng lớn

Vụ Đông xuân 2015 – 2016, gia đình ông Phạm Minh Được là thành viên của Hợp tác xã Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh TP Cần Thơ với năng xuất gần 5 tấn/ha, lãi xuất tăng thêm 4,5 triệu đồng/ha so với hồi ông chưa tham gia vào cánh đồng lớn. Vài năm gần đây thu nhập từ trồng lúa giúp gia đình ông ổn định, từ chi phí đầu vào giảm 15 đến 20%, cho đến đầu ra không phải lo vì đã có doanh nghiệp bao tiêu, giá lúa lúc nào cũng cao hơn thị trường từ 300 đồng đến gần 500 đồng/kg.

Ông Được nhớ lại: Khi mới tham gia vào cánh đồng lớn, canh tác theo quy trình mới, nhiều thành viên của tổ hợp tác tỏ ra lo ngại. Nhưng nhờ thực hiện các phương pháp canh tác mới, cách làm mà từ trước đến nay nông dân chúng tôi chưa từng áp dụng như: sạ lúa theo hàng, giảm giống, giảm phân, giảm thuốc và tuân thủ lịch trình thời vụ áp dụng cho toàn bộ cánh đồng. Nông dân ứng dụng thành công tiến bộ khoa học vào sản xuất không những giúp tăng năng suất, còn giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá bán…

Mô hình cánh đồng lớn ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang cho thấy hiệu quả ngoài mong đợi của người nông dân vùng lúa. Theo tính toán của ngành chức năng, lợi nhuận thu được từ cánh đồng lớn luôn cao hơn từ 3 đến 7 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa ngoài mô hình. Điều này được minh chứng bằng con “số biết” nói khi năm 2011 bắt đầu triển khai cánh đồng mẫu lớn, cả vùng ĐBSCL chỉ có khoảng trên dưới 2.000ha nhưng đến nay, toàn vùng đã lên tới trên 196.000 ha đất lúa của nông dân tham gia cùng các doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Cánh đồng lớn là mô hình ưu việt, hài hòa lợi ích giữa 2 tác nhân chính trong chuỗi sản xuất: nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể: Cánh đồng lớn giúp tăng thu nhập cho nông dân do tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành nên lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn sản xuất lúa thông thường từ 1,2-7,5 triệu đồng/ha. Cánh đồng lớn giúp tăng tính cộng đồng, sự đồng đều do khắc phục hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân (đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật…) tạo nên sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm; thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã kiểu mới.

Ngoài ra tham gia vào cánh đồng lớn, nông dân còn được tiếp cận thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường về chủng loại, số lượng, chất lượng nên sản xuất-tiêu thụ bền vững, hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, tham gia cánh đồng lớn, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc. Đây là những điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó khẳng định vị thế, thương hiệu của hạt gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Hợp tác xã là “xương sống” trong tái cơ cấu

Vụ cá tra vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang thu hoạch được 196 tấn cá, lợi nhuận thu được hơn 300 triệu đồng. Ông Tấn nghĩ tới những vụ cá trước mà ngán ngẩm: Từ thức ăn, con giống, đến đầu ra đều bị ép, dẫn tới lỗ vốn dài dài. Nhưng từ khi An Giang và một số tỉnh ĐBSCL có diện tích nuôi cá tra lớn triển khai mô hình “Chuỗi liên kết dọc cá tra”, thì hiệu quả đã nâng lên rõ rệt.

Ông Tấn nói: Nay nuôi cá khỏe re, con giống có nguồn gốc rõ ràng, trong quá trình nuôi có cán bộ của công ty thường xuyên xuống kiểm tra và hướng dẫn cách nuôi. Cá tới độ thu hoạch được nhà máy đến tận nơi thu gom, chế biến xuất khẩu. Công ty sẽ tính toán tới chuyện lợi nhuận của người dân, bằng cách lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi chi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng, phần còn lại chính là lợi nhuận, nông dân nhận thông báo đến ngân hàng lãnh tiền…

Ông Tấn còn so sánh: Nuôi cá trong chuỗi giảm trên 500 đồng/kg cá, trong khi đó lợi nhuận mỗi kg cá thu được thấp nhất cũng được 1.500 đồng. Nếu tính chung lợi nhuận khi tham gia chuỗi liên kết sẽ cao hơn từ 45 đến trên 55 triệu đồng/ha. Trước tình trạng “bết bát” của ngành cá tra thời gian qua thì mô hình “Chuỗi liên kết dọc cá tra” được xem là khả thi và hiệu quả nhất, đây được xem là cách hữu hiệu để vực dậy ngành cá tra trong thời gian tới.

Ở Đồng Tháp, mô hình Hợp tác xã, được xem là mối liên kết vững chắc nhất, đến nay có 211 Hợp tác xã, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có khoảng 160 đơn vị được đánh giá hoạt động có hiệu quả. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh: “Chúng ta không thể quyết định giá cả đầu ra trong vòng quay của thị trường nhưng hoàn toàn có thể chủ động chi phí đầu vào, từ thực hiện đúng quy trình canh tác, sử dụng đúng liều lượng vật tư nông nghiệp đến lợi thế khi “mua chung”, “dùng chung” trong HTX…”.

Ông Hoan nói thêm: HTX chính là điều kiện cần, là “xương xống” trong suốt tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp. Tái cơ cấu là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, dựa trên 3 định hướng: hợp tác - liên kết - thị trường và 3 yêu cầu: giảm chi phí sản xuất - nâng cao chất lượng nông sản - đa dạng hoá nông sản chế biến. Đây là quan điểm xuyên suốt không chỉ đối với 5 mặt hàng chủ lực (lúa, cá tra, vịt, xoài, hoa kiểng) trong đề án mà của bất kỳ loại nông sản nào tại tỉnh thời gian qua”…

Tạo ra thế và lực để sẵn sàng hội nhập

Năm 2015, đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam kết thúc đàm phán hàng loạt hiệp định Thương mại tự do và cam kết thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Nếu như các FTA mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta thì AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có cấu trúc kinh tế giống ta và cạnh tranh với ta trên nhiều mặt, trong đó có nông sản. Vì từ ngày 1/1/2016, nông sản các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0%...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan từng trăn trở: Có một chuyên gia nói rằng Việt Nam “vô địch” khi ký rất nhiều FTA, nhưng liên kết của doanh nghiệp rất kém, nội lực yếu. Còn một vị lãnh đạo ngành công thương cho rằng, Việt Nam luôn tự hào xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới lớn nhưng hãy nhìn lại xem thị trường nào ăn gạo của chúng ta, đa phần là thị trường cấp thấp, vì chúng ta thiếu gạo ngon, đặc sản. Campuchia không xuất khẩu gạo nhiều như Việt Nam nhưng họ có con đường khác, tập trung một vài dòng sản phẩm đặc sản chủ lực để đi vào các thị trường phân khúc cấp cao, nên giá trị xuất khẩu lớn…

Trong Diễn đàn chính sách tiêu thụ hàng nông sản, bối cảnh hội nhập ở vùng ĐBSCL, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: Cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật là nông nghiệp ĐBSCL đến nay vẫn chủ yếu sản xuất và xuất khẩu thô (gạo, cá, tôm đông lạnh, trái cây tươi ...) giá trị gia tăng còn thấp…Đây là hậu quả của quá trình canh tác nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa được kết nối với khâu chế biến và tiêu thụ theo tín hiệu thị trường thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành nông nghiệp là phải xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch về nông nghiệp, triển khai các nội dung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch gắn liền với tổ chức sản xuất theo vùng, theo ngành hàng, sản xuất theo quy mô HTX…

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, khẳng định: “Chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng không phải là quy trình khép kín mà phải xem đây là gói kỹ thuật mở, được cải tiến liên tục theo từng mùa vụ, từng năm để đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. Đặc biệt, cần xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và luôn cải tiến chuỗi sản xuất trên cơ sở có các chính sách từ Trung ương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư triển khai các đề án xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu đầu ra nông sản…".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO