Dự án Đại học Đà Nẵng sau 25 năm vẫn 'giậm chân tại chỗ' - Bài 1: Người dân gặp khó vì dự án treo

Tấn Thành - Chí Đại 11/08/2022 07:29

Dự án Đại học Đà Nẵng còn gọi là làng Đại học Đà Nẵng, được Chính phủ phê duyệt năm 1997 với tổng diện tích khoảng 300ha, trong đó khoảng 190ha thuộc địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, 110ha thuộc địa phận TP Đà Nẵng. Dự án có quy mô với 39.200 sinh viên và khoảng 2.500 người dân sinh sống ở nơi đây.

Nhếch nhác ở khu vực quy hoạch Đại học Đà Nẵng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam: “Đến nay đã 25 năm, dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng. Việc dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và xây dựng tại địa phương,...”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cũng chính vì dự án “treo” nên nhiều năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực này không được đầu tư, nâng cấp.

Cụ thể như đường giao thông, từ khi công bố dự án Đại học Đà Nẵng, địa phương không thể đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉ có 1 tuyến đường bê tông rộng 3m dài khoảng 1,7km; còn lại là đường đất...

Từ năm 1997 đến nay, người dân ở khu vực này không được lập hộ mới, tách thửa, tặng, cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất, và không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa; chỉ đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc dự án trên.

Ngày 10/8, ghi nhận của chúng tôi tại khu vực Dự án Đại học Đà Nẵng, đoạn ở khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tại đây nhiều vị trí chưa xây dựng, cây cối, cỏ mọc um tùm, nhiều khoảng đất bỏ hoang, đường sá đi lại vào khu dân cư rất khó khăn. Trong khuôn viên dự án này, những ngôi nhà tạm bợ đã xuống cấp nghiêm trọng, tường hư hỏng nứt nẻ, có những ngôi nhà cài then đóng cửa.

Trong khi đó, hệ thống điện trong khu vực dự án, hiện trạng đường dây, trụ điện khu vực khối phố Câu Hà xuống cấp nghiêm trọng, các trụ điện hình chữ H, đường dây điện bị ngả nghiêng, nguy cơ xảy ra tai nạn điện rất cao, nhất là trong mùa mưa bão; nhưng cũng không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp. Các công trình văn hóa - thể dục thể thao chưa được đầu tư xây dựng; nhà trẻ, trường mẫu giáo tạm bợ,…

Khi gặp chúng tôi nhiều người dân địa phương cho rằng, khi công bố Dự án Đại học Đà Nẵng, bà con rất vui mừng, bởi vì con cái sắp được học tập gần nhà, với cơ ngơi khang trang chất lượng như dự án công bố, mà người dân cũng có thể mưu sinh dựa vào dự án này. Nhưng 25 năm trôi qua dự án chưa xong, còn sinh ra nhiều hệ lụy phức tạp. Bởi vậy, người dân từ chỗ kỳ vọng đến thất vọng về dự án. Thế nhưng điều họ lo lắng nhất là chẳng biết đến khi nào dự án mới đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Minh (68 tuổi) - người dân trú tại khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc (Điện Bàn) cho biết, tôi thấy Dự án Đại học Đà Nẵng “treo” hàng chục năm qua. Đến thời điểm này vẫn chưa thấy triển khai thực hiện tiếp. Do đó, dự án đã ảnh hưởng đến chỗ ăn, chỗ ở của người dân, như xây nhà cho con, cơi nới nhà cửa, hoặc nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa. Đi thì bỏ đất đai bao đời của mình, ở thì biết sống thế nào đây, những người đang sinh sống ở đây khó khăn lắm. Chúng tôi không biết khi nào dự án mới xong.

“Tôi mua ngôi nhà này của một hộ dân khác, nhưng nhiều năm qua không thể làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngôi nhà của mình. Với lý do nhà nằm trong vùng quy hoạch dự án nên mọi thủ tục liên quan đất đai không thể chuyển nhượng được. Tôi không biết phải chờ đến bao lâu ngành chức năng mới triển khai dự án này để di dời bố trí tái định cư cho người dân” - ông Minh nói.

Sơ đồ quy hoạch dự án Đại học Đà Nẵng.

Anh Phạm Văn Sang (37 tuổi), trú khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc cũng ngán ngẩm vì xung quanh đất hoang vắng, nhà cửa xuống cấp nhưng nhiều năm qua không thể xây dựng, sửa chữa vì nằm trong vùng quy hoạch Dự án Đại học Đà Nẵng. Gia đình anh có 5 nhân khẩu sinh sống trong ngôi nhà cấp 4, 2 vợ chồng hàng ngày đi bán hàng rong ở TP Đà Nẵng để kiếm tiền lo cho các con ăn học.

Anh Sang nói thêm: “Sinh sống ở đây rất khó khăn, vì thiếu nước sạch, điện thắp sáng. Hàng ngày một số người dân phải đi chở nước sạch ở bên phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn về nấu thức ăn, còn điện thì phải kéo đường dây từ nhà hộ dân ở nơi khác để về sử dụng. Tình trạng này đã diễn ra trong 25 năm qua” - đó cũng là tâm sự của những người dân sinh sống nơi đây mà chúng tôi đã gặp gỡ trò chuyện.

Nhiều người dân còn cho rằng, khi công bố dự án, con họ chuẩn bị bước vào đại học, bây giờ con đã ra trường, có gia đinh rồi mà dự án vẫn còn dang dở, tách hộ, cơi nới cũng không được, rất khó khăn nơi ăn, chốn ở. Còn một số hộ dân thì xây dựng trái phép các công trình dân dụng vì không có chỗ ở cho con cháu, hoặc để mong được đền bù. Có điều rất lạ 25 năm vẫn chưa thấy chính quyền chấn chỉnh để dự án sớm triển khai xây dựng.

Do đó người dân địa phương rất mong muốn các ngành chức năng sớm triển khai dự án hoặc có chính sách tạo điều kiện cho người dân ở đây để ổn định cuộc sống.

(Còn nữa)

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Dự án Làng Đại học đến nay đã trải qua 25 năm nhưng vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai, xây dựng nhà cửa của nhân dân; đồng thời ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tại địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án Đại học Đà Nẵng sau 25 năm vẫn 'giậm chân tại chỗ' - Bài 1: Người dân gặp khó vì dự án treo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO