Đường dây nóng

Triết Giang 12/10/2017 08:05

Năm học 2017- 2018, Hà Nội là một trong những địa phương công bố đường dây nóng chống “lạm thu” trong trường học sớm nhất trong cả nước.

Theo đó, tại Thủ đô có 30 số điện thoại đường dây nóng của Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội để tiếp nhận phản ánh về việc thu, chi sai quy định trong năm học mới.

Năm 2016, Hà Nội cũng đã ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó theo quy định, chỉ có 10 khoản các nhà trường được phép thu của phụ huynh bao gồm: Tiền bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm; nước uống; bảo hiểm y tế... Ngoài danh mục quy định, phụ huynh không phải nộp bất cứ khoản nào khác.

Dẫu thế tình trang lạm thu theo tinh thần “tự nguyện” không hề giảm cho đến đầu năm học này. Âu cũng bởi có nhiều quan điểm trái chiều về những khoản đóng góp tự nguyện. Và câu chuyện giải tán hay không giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh cho đến giờ vẫn chưa có hồi kết.

Ở thời điểm này, khi nhiều trường đã chuẩn bị cho việc tổ chức kiểm tra kiến thức giữa học kỳ I, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương đã tổ chức được đường dây nóng để ngăn chặn tiêu cực của ngành giáo dục, nhằm tăng cường sự giám sát của người dân với ngành.

Chẳng hạn như Sở GD&ĐT Thanh Hóa có tới 6 số điện thoại đường dây nóng do Giám đốc, các phó Giám đốc sở, Thanh tra và Chánh văn phòng Sở trực tiếp tiếp nhận thông tin phản ánh.

Mới đây nhất, do thu lệ phí trái tuyến không đúng quy định, trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa đã bị yêu cầu trả lại 250 triệu đồng thu trái tuyến.

Thông tin từ Ban giám hiệu cho biết trường đã thông báo phụ huynh đến nhận lại tiền tại trường.

Việc này xuất phát từ phụ huynh phản ánh vào đầu năm học, nhà trường đã thu của mỗi học sinh trái tuyến từ 1 - 2 triệu đồng.

Số tiền này nhằm bổ sung xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, được mang tên là “ủng hộ trái tuyến” và được ghi tên trong sổ vàng do trường tự nghĩ ra.

Trước phản ứng không đồng tình của một số phụ huynh, nhà trường xác định khoản thu trên là không đúng. Hội đồng nhà trường đã họp và thống nhất trả lại số tiền trên.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT để xảy ra tình trạng lạm thu lâu nay là do người đứng đầu ngành Giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, đồng thời chưa giám sát, kiểm tra tới nơi tới chốn...

Theo đó, cần kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm lạm thu.

Chủ trương đã có, đồng thời cũng đã có những người đứng đầu cơ sở giáo dục bị xử lý làm gương. Mong là việc xử lý lạm thu bắt đầu từ năm học 2017 – 2018 được giải quyết triệt để hơn. Người dân mong muốn những đường dây nóng phải thực sự có phản hồi nóng, chứ không phải lập ra cho có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường dây nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO