Festival Cồng chiêng Tây Nguyên

Mai Linh 10/08/2018 08:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tổ chức Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018.

Festival Cồng chiêng  Tây Nguyên

Cồng chiêng Tây Nguyên là loại nhạc cụ độc đáo, đặc sắc và đa dạng.

1. Theo kế hoạch, Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 sẽ được tổ chức tại tỉnh Gia Lai vào trung tuần tháng 11-2018 với tinh thần hướng đến sự cố kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chủ động sử dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ một phần từ ngân sách địa phương để thực hiện theo quy định; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Theo nội dung chương trình, nhiều hoạt động sẽ được 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp tổ chức như: Lễ hội đường phố (giao lưu, biểu diễn cồng chiêng); Phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống của 11 dân tộc thiểu số tại chỗ; Trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; Tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Diễn xướng sử thi Tây Nguyên; Hội thảo về bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng; Triển lãm, trình diễn trang phục dân tộc...

Đây là hoạt động nhằm biểu dương giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên theo Chương trình Hành động nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa này trong đời sống đương đại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố năm 2006.

2. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm...

Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Qua nghiên cứu, nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, các dàn cồng chiêng Tây Nguyên lấy thang bồi âm tự nhiên làm cơ sở để thiết lập thang âm của riêng mình. Trong đó, mỗi biên chế của từng tộc người đều cấu tạo bởi thang 3 âm, 5 âm hay 6 âm cơ bản. Song, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác. Thành thử trên thực tế, một dàn 6 chiêng sẽ cho ta tối thiểu 12 âm hay nhiều hơn nữa. Điều đó lý giải tại sao âm sắc cồng chiêng nghe thật đầy đặn và có chiều sâu.

Không ghi ngờ gì nữa, cồng chiêng là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của người Tây Nguyên. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến năm 2008 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Festival Cồng chiêng Tây Nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO