Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI: Lan tỏa những giá trị văn hóa

Chí Sơn 09/06/2017 09:05

Từ ngày 7 đến 14/6, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 với chủ đề “Quảng Nam- Hành trình kết nối di sản” sẽ được tổ chức với 22 hoạt động văn hóa - thể thao và du lịch (VH&TTDL) hấp dẫn. Ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VH&TTDL Quảng Nam cho biết, Festival hướng đến nhiều hoạt động tôn vinh và lan tỏa văn hóa.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, Festival Di sản Quảng Nam là dịp để thu hút đông đảo du khách, quảng bá du lịch. Đồng thời, đây là cơ hội để giới thiệu về văn hóa, di sản Quảng Nam. Năm nay, Festival do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ VH&TTDL, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức.

Theo đó, lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 9/6 tại bãi biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ với chủ đề “Tam Thanh - Cảm xúc mùa hè”. Đây là chương trình nghệ thuật giới thiệu sắc màu văn hóa của di sản văn hoá Việt Nam, văn hóa Quảng Nam, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ Festival, hội thi “Hợp xướng quốc tế” sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 10/6 tại đô thị cổ Hội An với sự tham gia của gần 32 đoàn hợp xướng, trong đó có 24 đoàn quốc tế với khoảng 1.500 nghệ sĩ từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Khoảng 90 nghệ nhân trong nước và 28 nghệ nhân đến từ 12 quốc gia sẽ cùng tham gia “Festival Diều quốc tế” (từ ngày 8 đến ngày 11/6), với khoảng 300 con diều truyền thống và hiện đại cùng sải cánh trên bầu trời thành phố Hội An và bãi biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ.

Đặc biệt, điểm nhấn của Festival di sản Quảng Nam lần này là triển lãm di sản văn hóa biển đảo Việt Nam, nhằm góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khu triển lãm sẽ trưng bày tư liệu, hiện vật, bản đồ cổ, tư liệu Hán, Nôm về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; trưng bày 19 châu bản triều Nguyễn có nội dung về chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại đây cũng giới thiệu 15 hiện vật cổ về văn hóa biển đảo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; hiện vật, trang phục lễ hội cư dân vùng biển của các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân…

Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ diễn ra trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung” và chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Apsara” với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt - Chăm. Nhân dịp này, tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức “Hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị các đô thị di sản” để lấy ý kiến tham gia của các thành phố di sản thế giới và các chuyên gia quốc tế và trong nước.

Với ý nghĩa tôn vinh di sản văn hóa của Việt Nam, Liên hoan Hô hát Bài chòi các tỉnh miền Trung và trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của 19 tỉnh, thành phố.

Nằm trong khuôn khổ Festival, Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ I sẽ khai mạc tối 10-6 tại tại Sân vận động huyện Nam Trà My. Lễ hội là dịp để quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc và đặc trưng văn hóa các dân tộc miền núi Quảng Nam trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn. Thông qua các hoạt động của Lễ hội để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Về hoạt động thể thao, giải “Lướt ván buồm vô địch thế giới” và giải “Đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng”diễn ra từ ngày 11 đến 14/6 tại biển An Bàng, Hội An với khoảng 200 vận động viên đến từ 30 quốc gia tham dự. Đặc biệt, ngày 10/6 tại hồ Phú Ninh, “Festival thuyền Kayak các câu lạc bộ toàn quốc mở rộng” diễn ra với sự tham gia của khoảng 60 thuyền kayak và 100 vận động viên đến từ các câu lạc bộ thuyền kayak trong toàn quốc.

Những trải nghiệm văn hóa ẩm thực độc đáo sẽ có tại liên hoan “Ẩm thực quốc tế” (diễn ra từ ngày 12 đến14/6) tại TP Hội An với sự tham gia của các đầu bếp trong nước và các đầu bếp của 10 quốc gia tham dự.

Tại các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam cũng diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc. Từ ngày 12 đến 14/6, tại thị xã Điện Bàn sẽ diễn ra các hoạt động “Kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm” - thủ phủ một thời của tỉnh Quảng Nam. Tại huyện Tây Giang sẽ tổ chức “Trình diễn nghi thức dựng cây Nêu các dân tộc Việt Nam”…

Đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong việc tổ chức các hoạt động VH&TTDL với sự tham gia của nhiều quốc gia, Thứ trưởng Bộ VH&TTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, qua việc tổ chức các đợt Festival Di sản Quảng Nam trong hơn 10 năm qua đã góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Festival Di sản Quảng Nam năm nay sẽ là cơ hội để quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam và đặc trưng văn hóa Quảng Nam; trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các địa phương trong nước, giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, qua đó giới thiệu hình ảnh, thu hút đầu tư vào Quảng Nam.

Nằm trong khuôn khổ Festival, Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017 diễn ra từ ngày 12 đến 13-6 tại Làng lụa Hội An và Khu phố cổ Hội An, thành phố Hội An với sự tham gia của các quốc gia: Nhật, Trung Quốc, Pháp, Ý, Tây Ban Nha…; các tổ chức như Hiệp hội Tơ lụa châu Á, Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Học viện Mê Kông Thái Lan; các làng nghề tơ lụa và cơ sở dệt lụa trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI: Lan tỏa những giá trị văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO