Giấc mơ về một dòng sông

Ngô Thảo 09/06/2020 09:10

Biết bao người thời đất nước còn chia cắt và chiến tranh, dưới trời mưa bom bão đạn, được người dân đôi bờ Hiền Lương chở che và đùm bọc đã hơn một lần hẹn với người dân, với đồng đội và hẹn với chính lòng mình là mai ngày thắng lợi, thế nào cũng trở vê nơi đây, được làm một cái gì đó để tạ ơn. Đất nước giải phóng, thống nhất, hòa bình mấy mươi năm rồi, mà bao người vì nhiều lý do, đã không giữ được lời ước hẹn.

Giấc mơ về một dòng sông

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải nhìn từ trên cao.

Như dòng sông đổ nước ra biển lớn, sức bào mòn của thời gian thật là khủng khiếp. Thế hệ trực tiếp tham gia và làm nên chiến thắng hào hùng nhất trong mấy ngàn năm dựng và giữ nước đang ngày một thưa vắng dần.

Những tác phẩm văn học nghệ thuật ghi lại dấu tích một thời chiến trận giàu có về số lượng nhưng phần lớn vẫn ở dạng nguyên liệu mà chưa được tinh luyện thành những viên ngọc, hạt kim cương để có thể làm bất tử thời đại chúng ta.

Những tác phẩm, những công trình lưu dấu cuộc kháng chiến thần thánh vẫn là một trách nhiệm không thể thoái thác của những người được thừa hưởng thành quả của chiến thắng hiện nay.

Các công trình ghi công hầu như đã có ở mọi miền đất nước. Nhưng còn biết bao vong hồn vẫn còn ở lại khắp đó đây. Đôi lần họ tìm về quê xưa, làng xóm đã đổi thay, người thân đã không còn hoặc phiêu bạt đi vùng đất khác. Trở lại chiến trường xưa, nơi từng có đồng đội, đồng bào, giờ có chỗ không còn dấu tích.

Là người lính từng tham gia chiến trận, tự tay khâm liệm an táng nhiều liệt sĩ, mấy lần trở lại chiến trường xưa tìm mộ mà không thấy, đau đáu với ý tưởng đoàn tụ, bỗng một đêm tôi mơ thấy một địa điểm: Dòng sông Hiền Lương- Vĩ tuyến 17 - nơi có gần 20 năm là dòng sông chia cắt đất nước - nơi này sẽ trở thành một địa chỉ cho người sống cũng như vong linh người đã chết trong chiến tranh một nơi có thể tụ hội, san sẻ vui buồn, mừng cho đất nước đã bình yên, người dân đang xây dựng cuộc sống hạnh phúc?

Dòng sông nào cũng có một tiểu sử gắn với lịch sử một vùng quê. Nhưng hiếm có một địa chỉ nào ghi dấu cả đất nước, cả thời đại ở một khoảnh khắc lịch sử đặt biệt như con sông nhỏ, ngắn, nước bốn mùa trong xanh, cho đến giờ đôi bờ vẫn hoang vắng này.

Trong mơ. Một buối sáng đẹp trời. Chiếc Canô bộ đội Biên phòng đưa đoàn chúng tôi ngược dòng từ Cửa Tùng lên thượng nguồn.

Đôi bờ, dọc theo khu phi quân sự xưa, hai con đường song song đủ cho vài làn xe. Hàng hàng cây cao như một cánh rừng. Người hướng dẫn cho biết: Sông Hiền Lương- Vĩ tuyến 17, nơi chia cắt đất nước theo Hiệp định Geneve 1954 được xây dựng thành Công viên Văn hóa- Lịch sử mang tên THỐNG NHẤT. 64 tỉnh thành trong cả nước đều chung tay góp sức, phân bổ đều trên hai bờ thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Các tỉnh phía Nam tạo cảnh quan ở bờ Bắc, các tỉnh phía Bắc tạo dựng ở bờ Nam. Từ Cửa Tùng lên thượng nguồn, dài hơn 50 km. Là công viên nên chủ yếu là trồng cây, làm vườn hoa cảnh. Các đơn vị quân đội từng vượt sông dựng lại các bến vượt, bãi trú quân, hầm trú ẩn. Cả vị trí các trận địa pháo binh, tên lửa, hậu cứ hậu cần, vườn tăng gia. Hệ thống đồn Liên hiệp phi quân sự được khôi phục ở vị trí cũ, theo hình dáng cũ. Thỉnh thoảng, có những cụm công trình đa chức năng được xây dựng. Điều đặc biệt là hầu hết công trình đều được xây gạch trần mà trên mỗi viên đều có tên người, quê quán, năm sinh, năm có mặt ở chiến trường. Theo lời người giới thiệu, điều thú vị nhất là, những viên gạch đó là kết quả cuộc vận động rộng lớn: Mỗi người từng qua sông Hiền Lương, rộng hơn là những ai từng tham gia chiến đấu (bộ đội, cán bộ dân chính Đảng, thanh niên xung phong, dân công hòa tuyến…) gửi một viên gạch mang tư liệu về mình. Các liệt sĩ, những người khó khăn thì được người thân, đồng đội cũ làm thay, như một hình thức tưởng niệm. Mươi nghìn là đủ làm nên một viên gạch đặc biệt như thế! Có hàng triệu người Việt thuộc hầu hết các dân tộc đã đóng góp viên gạch của mình.

Các kiến trúc sư tài năng đã tình nguyện thiết kế nên những công trình đặc sắc, độc đáo. Trong đó, lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh sống động của những năm chiến tranh. Rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong chiến tranh được sưu tầm, lưu giữ bằng thư viện sách, thư viện ảnh, tác phẩm điện ảnh. Các bài hát được thường xuyên vang lên gợi nhớ không khí hào hùng khi cả nước lên đường. Là công trình đa chức năng, nên có cả nơi lưu trú với các hình thức khác nhau cho những ai muốn sống lại không khí, hoàn cảnh thực của những ngày kháng chiến, tự vào rừng hái măng, kiếm rau rừng, thực phẩm về tự túc nấu ăn!

Không chỉ thế, ý định công viên còn muốn mở rộng nội dung bằng cách vận động các quốc gia đã từng tham chiến đóng góp xây dựng và tư liệu xác thực về nhân tài vật lực họ đã từng đổ vào chiến trường Việt Nam. Đặc biệt các nước phe XHCN và nhân dân thế giới đã giúp đỡ bằng nhiều hình thức cho cuộc chiến đấu của chúng ta.

Tổng thể, đôi bờ sông Hiền Lương là một công viên văn hóa lịch sử- bảo tàng, không chỉ tưởng niệm mà còn gom giữ toàn bộ tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi tập trung lưu giữ đầy đủ tư liệu cho những ai muốn biết, muốn nghiên cứu, tìm hiểu một cách khách quan, trung thực, chính xác về cuộc chiến đấu vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khách tham quan có thể đi xe, đi bộ, dưới sông có ca nô, tàu du lịch đưa tới tận nơi họ yêu cầu…

Ca nô cao tốc chạm sóng Cửa Tùng dập dềnh chao đảo, làm tôi tỉnh giấc trong tiếc nuối!

Thực tế trước mắt, là sau hơn 45 năm giải phóng (từ đầu 1970 mặt trận đã chuyển về phía nam) đôi bờ Hiền Lương mới chỉ có một cụm công trình nhỏ ở khu vực cầu Hiền Lương.

Chúng tôi nghĩ, ở thời điểm này, một công trình với sự góp sức của toàn dân như thế hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Mấy năm gần đây, nhà nước cũng như người dân đóng góp không ít tiền của, công sức khôi phục, bảo tồn, đào tạo, trùng tu xây dựng nhiều di tích các thời đại xa xưa, các công trình liên quan đến đời sống tâm linh, tôn giáo. Các công trình ghi dấu thời đại chúng ta chủ yếu mới là các nghĩa trang, một vài cụm đền đài tưởng niệm qui mô địa phương.

Một công trình với qui mô quốc gia, có sự tham gia của bè bạn quốc tế để lưu dấu cho đời sau hình ảnh hào hùng, qui mô vĩ đại của cuộc chiến đấu Thời đại Hồ Chí Minh, nơi không chỉ lưu giữ hình ảnh mà còn chuyển tải sinh động và hấp dẫn di sản tinh thần quí báu giúp cả dân tộc nghèo nàn lạc hậu đã nhất tề vùng lên giành một đất nước ĐỘC LẬP-THỐNG NHẤT

Tôi ao ước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có thể đứng ra chủ trì tổ chức cuộc vận động này với sự chung tay chung sức của các doanh nhân, doanh nghiệp, những nông dân biết làm giàu, các cựu chiến binh thành đạt và con em họ, nhất định sẽ đủ nhân tài vật lực, sáng kiến làm nên công trình giàu ý nghĩa này.

Người dân hôm nay ý thức rõ chính là thế hệ cha anh mình đã là lực lượng chủ lực góp sức người sức của, tài năng và xương máu để giành chiến thắng. Đến lượt thế hệ được sống trong hòa bình, mỗi người góp một viên gạch xây một công trình tượng niệm vừa là ý nguyện vừa là trách nhiệm.

Năm 2020 là kỷ niệm 45 năm ngày đất nước thống nhất toàn vẹn.

Nếu được chấp nhận, hưởng ứng, đó là thời điểm đẹp nhất để khởi công công trình công viên Văn hóa- Lịch sử- tâm linh tưởng nhớ thế hệ đã không tiếc máu xương vì một nước Việt Nam đoàn tụ trong Độc lập - Tự do.

Đây cũng sẽ là khu công nghiệp không khói cả nước tặng nhân dân Quảng Trị để tri ân sự hi sinh vô lượng của người dân mảnh đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấc mơ về một dòng sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO