Giám sát thu hồi tài sản tham nhũng

H.Vũ (thực hiện) 29/01/2018 08:05

Thu hồi tài sản tham nhũng hiện vẫn ở mức thấp. Dù Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã bổ sung quy định về giải trình nguồn gốc tài sản, nhưng với tài sản bất minh vẫn rất khó xử lý. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, cần phải có nền quản trị tốt hiện đại, bao gồm công khai minh bạch, có sự tham gia của người dân trong giám sát.

Giám sát thu hồi tài sản tham nhũng

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.

PV: Thưa ông, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh, do đó nhiều ý kiến cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần khắc phục được hạn chế này. Quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Phải đưa vấn đề xử lý tài sản bất minh vào trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Tài sản bất minh thường do tham nhũng hay trốn thuế. Vì vậy phải đưa vào trong luật để còn xử lý vì tài sản bất minh là phạm pháp mà có. Nhưng muốn thu hồi được phải chứng minh được tài sản đó là bất minh, các cơ quan PCTN hay cơ quan điều tra phải chứng minh được tài sản đó là bất minh. Như việc phải chứng minh người ta phạm tội chứ không phải bắt họ phải chứng minh họ không phạm tội.

Thưa ông, nếu một quan chức nào đó có nhiều tài sản giá trị cao, vượt khỏi mức lương cho phép, thì có thể nghĩ đến tham nhũng hay không?

- Chúng ta không thể vào nhà người ta thấy có vàng, hay đồng hồ đắt tiền mà bắt họ phải chứng minh đồng hồ hay vàng mua ở đâu, hay từ đâu mà có, vì có thể do ông bà người ta để lại. Muốn hỏi người ta thì phải chứng minh được vàng, đồng hồ là do tham nhũng, hay doanh nghiệp mang đến tặng, biếu xén có động cơ mục đích. Tài sản bất minh cũng như vậy, quan trọng là các cơ quan chức năng phải chứng minh được tài sản đó là do người ta phạm pháp, tham nhũng mà có chứ không phải thấy người ta có tài sản mà kết tội được. Do đó phải đi tìm hiểu chứng minh xem ai biếu xén. Phải chứng minh do tham ô, hay do ai biếu. Giống như bắt người phạm pháp phải chứng minh người đó phạm pháp chứ không phải bắt một người bất kỳ trên đường sau đó bắt họ phải chứng minh không phạm pháp. Bản thân người đi điều tra phải chứng minh được hành vi phạm pháp để mà buộc tội.

Hiện có tình trạng người Việt Nam mua nhà ở nước ngoài khá nhiều, đã có những ý kiến lo ngại có sự chuyển dịch tài sản bất minh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Cái đó phải chứng minh được tài sản đó là bất minh, vì khi nước ngoài họ đã bán thì có quyền mua, trừ khi nước đó không bán cho vì phải chứng minh tiền này minh bạch thì họ mới bán. Muốn xem xét phải chứng minh là bất minh chứ không phải thấy họ mua tài sản ở ngoại quốc lại nghi ngờ cho rằng là bất minh thì không phải. Tức là phải chứng minh tiền mua nhà là tiền bất minh.

Nhiều ý kiến cho rằng kê khai tài sản của ta đang là hình thức. Nếu như vậy cũng không thể hiện tài sản tăng thêm chứ chưa nói gì đến nguồn gốc tài sản tăng thêm, thưa ông?

- Kê khai tài sản chỉ là một biện pháp nhưng nếu kê khai nghiêm chỉnh thì vẫn làm được. Đó là do chúng ta làm hình thức chứ không phải kê khai tài sản là hình thức. Nếu kê khai nghiêm chỉnh, và chỉ cần tập trung vào một số người quan trọng chứ không phải kê khai toàn dân. Chỉ nên tập trung vào nhóm đối tượng quan chức có khả năng tham nhũng chứ người dân thì không nên yêu cầu kê khai, như vậy rộng quá và khó kiểm soát bản kê khai tài sản.

Cùng với Luật PCTN sửa đổi, theo ông cần những giải pháp nào để xử lý tham nhũng hiệu quả hơn?

- Phải đồng bộ từ việc xử lý các đại án tham nhũng cho đến thực thi các luật thật tốt. Nhưng muốn giải quyết cơ bản, về lâu dài phải có nền quản trị tốt, hiện đại, bao gồm công khai minh bạch, có sự tham gia của người dân. Quyền lực phải được giám sát mà ta hay gọi là “nhốt” quyền lực, nhưng phải nhốt vào trong luật pháp chứ không phải nhốt vào trong một cơ quan quyền lực. Nếu nhốt quyền lực vào cơ quan quyền lực thì cơ quan quyền lực nhốt vào đâu?

Cho nên muốn nhốt quyền lực vào thì phải dùng luật để nhốt quyền lực. Tất cả phải dùng luật, luật như là “cái lồng” để nhốt các quyền lực lại, từ Luật PCTN, Luật Đất đai, cho đến các bộ luật khác nhau có liên quan. Tức là pháp luật phải đồng bộ mới xử lý được, nghĩa là thượng tôn pháp luật, tất cả đều nằm trong pháp luật. Chúng ta chưa tiến đến được thì phải dần dần. Hiện chúng ta đang nhốt quyền lực vào trong các bộ phận quyền lực, và hiện nay đang dùng “cái lồng đạo đức” là chính để rèn rũa và tránh sai phạm.

Các nước khác họ dùng “lồng luật pháp”, còn ở ta tin tưởng vào đạo đức nên nhốt quyền lực bằng quy phạm đạo đức là chính. Thực ra, mỗi cách có sự khác nhau mình, không nên coi đó là kém vì chưa biết ai hơn ai. Nhưng chỉ có điều, điểm về trong sạch, liêm khiết, liêm chính của ta chỉ hơn 3 điểm trong thang bảng 10 điểm. Các nước tư bản họ đạt 8, hay 9 điểm. Như Singapore đạt 9,8 điểm; Thụy Điển và Na Uy đạt 9,9 điểm. Tham nhũng còn nghiêm trọng hơn các nước nên điểm mới thấp như vậy, theo đánh giá của bên ngoài. Chúng ta hơn 3 điểm là dưới mức trung bình vì tham nhũng tràn lan, phải phong bì khi vào bệnh viện, hay đi xin việc...

Tại các nước khác những vụ đại án cũng có nhưng ít, thỉnh thoảng mới nổi lên. Đó là do khuôn khổ pháp luật của họ chặt chẽ, nhốt vào trong khuôn khổ pháp luật, thành ra họ sợ pháp luật. Ngay trong chuyện thuế thu nhập cá nhân thôi, cầu thủ bóng đá trốn thuế còn phải ra tòa, thậm chí đi tù. Chính pháp luật nghiêm như vậy nên họ rất sợ và không dám tham nhũng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát thu hồi tài sản tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO