Gian nan vấn nạn hàng giả, hàng nhái

P. Thảo 11/06/2019 08:00

Quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam có thể sẽ tăng lên đến 13 tỷ USD vào năm 2020. Là thị trường mới nổi, giàu tiềm năng, nên TMĐT của Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp (DN) đầu tư và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với đó, vấn nạn hàng giả hàng nhái cũng theo đà phát triển ngày càng phức tạp.

Gian nan vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử.

Nhiều người tiêu dùng “dính” quả lừa

Ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%. Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), quy mô thị trường có thể sẽ tăng lên đến 13 tỷ USD vào năm 2020. VECOM cho biết, nếu như năm 2015, TMĐT Việt Nam có điểm xuất phát khá thấp, chỉ khoảng 4 tỷ USD thì sau đó 3 năm, tăng trưởng nhanh và mạnh đã đẩy quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Với sự phát triển nhanh và mạnh của TMĐT, có thể thấy, sự giao lưu kết nối giữa người mua và người bán ngày càng nhanh chóng và thuận tiện hơn. Người tiêu dùng không cần phải đến tận nơi để mua hàng mà chỉ cần ngồi tại chỗ làm việc, ở nhà “click chuột” là đã có thể mua sắm theo nhu cầu, sở thích cá nhân. Tuy nhiên, cũng bởi sự thuận tiện này, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường trực tuyến.

Không ít người tiêu dùng đã bị lừa khi mua hàng online và vô cùng ngán ngẩm khi nghĩ đến các giao dịch TMĐT hiện nay. Chị Nguyễn Minh Thi, ở phố Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những nạn nhân của vấn nạn hàng giả, hàng nhái khi giao dịch qua sàn TMĐT. Chị Thi cho biết, không chỉ một lần khi mua hàng tại các shop trên sàn TMĐT chị đã bị lừa, hàng quảng cáo một đàng, sản phẩm nhận được…một nẻo. “Các sản phẩm tôi hay mua và bị lừa nhiều là các sản phẩm thời trang. Một bộ váy được quảng cáo trên mạng rất đẹp nhưng khi sản phẩm về tay tôi thì lại hoàn toàn khác cả về chất vải cũng như hình thức, màu sắc. Tôi đã “dính quả lừa” kiểu này hai lần và từ đó xin “cạch” không bao giờ mua hàng online nữa” – chị Nguyễn Minh Thi chia sẻ.

Chị Thi là một trong số hàng ngàn người tiêu dùng đã và đang bị vấn nạn hàng giả hàng nhái trên sàn TMĐT xâm phạm đến quyền lợi. Thế nhưng, không phải ai cũng lên tiếng đòi lại quyền lợi cho mình. Thực tế, phần lớn người tiêu dùng chấp nhận thà mất vài trăm ngàn còn hơn đi tìm đến cơ quan chức năng kiện cáo, mất thời gian, mà có khi còn “xôi hỏng bỏng không”.

Cần chế tài mạnh tay hơn

Theo Bộ Công thương, vấn nạn hàng giả hàng nhái hiện không chỉ hoành hành trên thị trường truyền thống mà nó đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trực tuyến, gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng cũng như các DN làm ăn chân chính, các nhà làm quản lý. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) , thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nhiều trường hợp vi phạm về TMĐT và hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong TMĐT năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, năm 2018 lên đến 7 tỷ đồng.

Các sản phẩm bị làm giả, làm nhái thường tập trung vào nhóm hàng có thương hiệu lớn như Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace, Burberry… Mới đây nhất, ngày 18/4/2019 vừa qua, Bộ Công thương phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an TP Hồ Chí Minh đồng loạt tiến hành kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website: menshop79.com và menshopfashion.com, thu giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nói trên. Con số thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn là 35.943; hơn 3126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa. 4 tháng đầu năm, Bộ Công thương yêu cầu các sàn TMĐT rà soát và gỡ bỏ trên 3.750 sản phẩm vi phạm thuộc gần 600 gian hàng và website.

Các phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng trên các sàn TMĐT ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian… Trong nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và được thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh đối tượng bán. Ngoài ra, các website và mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và khó kiểm soát. Chính vì thế, TMĐT đang là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng làm hàng gian, hàng giả “nhắm” tới.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái xâm lấn vào thị trường trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần xây dựng một Nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT và nhất thiết phải đưa ra chế tài mạnh tay hơn hẳn đối với các vi phạm trên thị trường truyền thống. Theo ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), rất cần phải sử dụng biện pháp mạnh như dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn TMĐT và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công thương với các cơ quan tài chính, thuế...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan vấn nạn hàng giả, hàng nhái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO