Gian nan xuất khẩu lao động ở huyện nghèo

Vân Khánh 13/09/2017 09:50

Chủ trương xuất khẩu lao động huyện nghèo góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân, đồng thời tăng cường kỹ năng nghề cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện chủ trương này, nhiều địa phương vẫn khó triển khai do khó thay đổi tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Thủy cho biết, Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực và nhiều chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là việc triển khai đề án đưa lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động nhưng khi triển khai địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Thủy, tại Hòa Bình, người dân có thể yên tâm về doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu bởi tỉnh rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đi xuất khẩu lao động. Ông Thủy đánh giá, đưa được người dân đi xuất khẩu lao động không chỉ giúp lao động có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu mà sau khi xuất khẩu lao động trở về người dân có vốn, có kiến thức để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương không có cơ hội xuất khẩu lao động.

Theo ông Thủy, để hỗ trợ công tác xuất khẩu lao động cho người dân huyện nghèo, mỗi năm tỉnh Hòa Bình dành khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu nhưng không thực hiện được. Ông Thủy nêu thực tế: “Người dân quen chịu khổ nhưng không chịu khó, nên vận động người dân đi xuất khẩu lao động gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi vận động người dân đi học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập nhưng nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thẳng thắn: Học nghề, học tiếng đều được nhưng không thể xa nhà”. Một trở ngại nữa là trình độ người dân thấp, ông Thủy lấy ví dụ: “Tỉnh Hòa Bình phối hợp Trung tâm đào tạo tiếng Hàn Quốc cho 100 người lao động nhưng khi kết thúc kỳ thi chỉ có 5 người thi đỗ chứng chỉ tiếng Hàn Quốc để đi xuất khẩu lao động”.

Thực tế công tác xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo cho thấy, phần lớn người lao động là người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu của huyện nghèo mới học xong THCS, chưa được đào tạo nghề, không quen với môi trường sản xuất tập trung, chuyên nghiệp, hiện đại nên chưa thể đáp ứng yêu cầu phía sử dụng lao động ở nước ngoài, nhất là các thị trường yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Bản thân người miền núi ngại học tập, nhất là học ngoại ngữ. Vì vậy, tỉ lệ lao động hội đủ điều kiện về văn hóa, kỹ năng nghề, kỷ luật lao động, sức khỏe để vượt qua xét tuyển của doanh nghiệp nước ngoài không cao. Chưa kể, rất nhiều lao động là người dân tộc thiểu số không muốn rời xa gia đình.

Thị trường xuất khẩu lao động phù hợp cho người dân huyện nghèo là Malaysia. Tuy nhiên, nhiều người truyền tai nhau Malaysia là thị trường thu nhập thấp, đi xuất khẩu lao động về không dư dả để cải thiện đời sống gia đình nên người dân không hào hứng đi. Còn các thị trường thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, số lao động huyện nghèo đáp ứng được yêu cầu phía tuyển dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), triển khai đề án hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, muốn đưa người dân ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động thì trước hết phải là tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng chủ trương của nhà nước. Yếu tố quyết định thành công của việc đưa người dân huyện nghèo đi xuất khẩu lao động là người dân phải thật sự muốn và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thật sự chứ không thể ép.

Thực tế, thị trường xuất khẩu lao động mỗi năm có nhu cầu tuyển hàng chục nghìn người. Tuy nhiên, đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) yêu cầu của nhà tuyển dụng rất cao. Việc lao động vùng dân tộc miền núi, trình độ có nhiều hạn chế thì việc học học tiếng Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan để đủ tiêu chuẩn đi xuất khẩu lao động rất khó. Trong khi, thị trường Malaysia yêu cầu thấp hơn, phù hợp với nhiều lao động nhưng thu nhập kém hấp dẫn nên hiện không được nhiều lao động lựa chọn.

Riêng đối với thị trường lao động Hàn Quốc, yêu cầu đầu tiên đối với người lao động là có chứng chỉ tiếng Hàn. Lao động huyện nghèo nhận thức chưa cao nên tỷ lệ đỗ thấp. Theo định hướng tới đây, chương trình tuyển lao động đi xuất khẩu Hàn Quốc nghề nông nghiệp sẽ ưu tiên dành cho người dân ở các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển. Đối với chương trình này sẽ kéo dài thời gian thi chứng chỉ tiếng Hàn Quốc muộn hơn, vào khoảng tháng 8 – 9. Đặc biệt, Nhà nước sẽ vận dụng chính sách để hỗ trợ học phí học tiếng tiếng Hàn và có hỗ trợ cho người lao động ở các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan xuất khẩu lao động ở huyện nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO