Giữ chuẩn mực học đường

PHƯƠNG MAI 17/11/2022 07:18

Sự thiếu tôn nghiêm nơi học đường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, thực trạng đó cho thấy sự báo động về vấn đề đạo đức trong môi trường giáo dục. Bởi nhiệm vụ của giáo dục là gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp. Do đó, vấn đề đặt ra là ngành giáo dục cần có giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, không để lặp lại những hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực trong môi trường học đường.

Môi trường học đường cần phải giữ những chuẩn mực tốt đẹp. Ảnh: Quang Vinh.

Những câu chuyện buồn

Cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nói về những vụ việc đau lòng nơi học đường đúng là “cực chẳng đã”, bởi không phải từ phía phụ huynh với nhà trường, phía học sinh với giáo viên, mà cả từ lối ứng xử của một số giáo viên cùng là đồng nghiệp trên giảng đường… đều lệch chuẩn, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nhìn lại một số vụ việc để thấy môi trường học đường đang bị “ô nhiễm” nặng nề.

Gần đây, chiều 31/10, ông Võ Văn Điệp - phụ huynh của một học sinh Trường Tiểu học xã Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã cầm dao, xông vào trường, lớn tiếng dọa chém nhiều giáo viên, bắt hiệu trưởng quỳ gối xin lỗi. Ông Điệp chỉ dừng lại khi có mặt của lực lượng công an. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự việc này được xác định là trước đó, vào tiết chào cờ, nhà trường gọi tên một số học sinh, trong đó có 2 con của ông Điệp đứng dậy hỏi lý do nhà trường đã gửi giấy mời phụ huynh về việc tuyên truyền, vận động tham gia bảo hiểm bắt buộc đối với học sinh, mà phụ huynh không đến.

Một vụ khác cũng rất đáng báo động. Đó là việc thầy giáo bẻ tay cô giáo, đẩy ra khỏi lớp học ở TP Huế. Theo đó, mạng xã hội Facebook lan truyền clip một giáo viên nam có hành động cầm tay và đưa nữ giáo viên này ra khỏi lớp học, trước sự chứng kiến của một số đồng nghiệp và nhiều học sinh. Clip lan truyền thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận, kèm theo nhiều bình luận trái chiều. Việc này xảy ra ngày 22/10 tại lớp 10A9, Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế. Người bị đưa ra khỏi lớp học là cô giáo dạy văn Hồ Thị Tâm. Cô Hồ Thị Tâm cho biết, từ đầu năm, cô được phân công dạy 4 lớp khối 10, trong đó có lớp 10A9, nhưng cách đây khoảng 1 tuần, trường không phân công cô dạy lớp 10A9 nữa. Ngày 22/10, cô dạy 2 tiết cuối của lớp và nán lại chia tay lớp 10A9 thì xảy ra sự việc.

Trước đó, vụ việc nữ sinh xưng “mày - tao” với thầy ở Khánh Hòa cũng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, ngày 13/10, nữ sinh L.T.T.Th., lớp 12 có lời lẽ trêu ghẹo thầy giáo C.V.T. - giáo viên môn Vật lý. Khi vào lớp của em Th., thầy T. có đến nhéo tai em học sinh này, sau đó vụ việc diễn ra như clip đã lan truyền trên mạng xã hội.

Nữ sinh này xưng “mày, tao” với thầy giáo, em này còn “văng tục” với giáo viên. Sau đó, hội đồng kỷ luật học sinh của trường đã tổ chức họp, bỏ phiếu kín. 100% số phiếu đồng ý hình thức kỷ luật đối với nữ sinh L.T.T.Th. là yêu cầu em Th. tạm dừng học ở trường 1 tuần, xếp hạnh kiểm yếu học kỳ 1. Đối với thầy T., trường cũng đã tổ chức họp kiểm điểm, nhắc nhở trước hội đồng nhà trường.

Hay hồi tháng 4, trên mạng xã hội xuất hiện 2 video clip về cảnh bạo hành học sinh xảy ra tại trường THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán (Đồng Nai). Clip thứ nhất diễn ra tại lớp 9A8 vào giờ Tin học, thầy giáo trong lúc hỏi bài cũ đã thẳng tay tát một nam sinh hai cái.

Video thứ hai ghi lại ở lớp 7A8, cô giáo dạy Lịch sử lấy sách, vở từ cặp của một học sinh vứt xuống đất. Trong bản tường trình, thầy giáo tát nam sinh viết, mình chỉ “đánh nhẹ” nhằm mục đích dạy dỗ chứ không cố ý tát mạnh. Trong khi đó, giáo viên dạy Lịch sử thì cho biết, trong khi cô giảng bài, em học sinh này ngồi nói chuyện riêng; cô giáo nhắc nhở nhiều lần không được nên đã gọi học sinh lên bảng kiểm tra, do em này không có vở nên cô “giũ cặp” để tìm vở ghi bài…

Xây dựng văn hóa học đường là vấn đề cấp thiết đặt ra. Ảnh: Quang Vinh.

Thiếu sự tôn nghiêm trong giáo dục

Suốt nhiều ngày qua, các diễn đàn trên mạng xã hội luôn nóng bởi những thông tin kể trên. Sở dĩ phải lưu ý một số bình luận trên mạng xã hội là vì nhiều câu chuyện, nhiều clip về mặt trái của ngành giáo dục lại được báo chí chính thống phản ánh qua các trang mạng xã hội đăng tải. Với vụ phụ huynh vác dao vào trường, nhiều ý kiến cho rằng, cả phụ huynh và nhà trường đều sai.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra bức xúc với cách xử lý bêu tên học sinh chưa nộp tiền của nhà trường. Như anh Vũ Hoàng An (Hà Nội) phân tích, trong chuyện này, phụ huynh sai, nhà trường cũng cư xử không khéo léo. Việc gọi học sinh đứng trước toàn trường như vậy khiến các con xấu hổ, bị ảnh hưởng tâm lý. Nhà trường cư xử như vậy là phân biệt. Nói cách khác như vậy là nhà trường mắc lỗi khá nghiêm trọng. Việc hỏi các em giữa toàn trường trong tiết chào cờ là hành động thiếu suy nghĩ.

"Dạy chữ là trang bị kiến thức. Còn khái niệm dạy người phải hiểu rộng hơn, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục đạo đức, lối sống mà còn bao hàm cả trang bị kỹ năng sống, hiểu biết về khoa học, xã hội, văn hóa để từ đó hình thành, rèn luyện và phát triển nhân cách cho học sinh. Hiện tại, chúng ta đang thiên về dạy chữ mà chưa quan tâm đúng mức tới dạy làm người, hay nói cách khác là chưa cân đối giữa hai mục tiêu ấy", GS.TS Ðào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Cũng có ý kiến cho rằng: Nên để bên bảo hiểm thu tiền bảo hiểm y tế bắt buộc chứ đừng biến nhà trường thành nơi thu hộ. Nhà trường là nơi dạy học chứ không phải nơi thu tiền. Bởi bên bảo hiểm làm kinh doanh thì nên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Khách hàng cần được trả lời mọi thắc mắc một cách cụ thể từ phía kinh doanh bảo hiểm.

Anh Trần Mạnh Hà (Hải Phòng) bức xúc: Chức năng chính của nhà trường là dạy học. Tại sao lại bắt giáo viên làm đủ thứ vậy? Thu tiền bảo hiểm, tiền tiêm chủng, kinh phí trải nghiệm... Đã đến lúc các cấp quản lý phải nhìn nhận lại sự việc.

Hãy để nhà trường chỉ phải lo việc dạy học, đừng bắt thầy cô phải vận động học sinh mua bảo hiểm, mua tăm nữa. Bảo hiểm là việc của bảo hiểm. Các trường bây giờ cứ như cái túi đựng việc, việc gì cũng đến tay. Như vậy, các thầy cô còn tâm trí nào để giảng dạy tốt cho các em nữa.

Bên cạnh những ý kiến không đồng tình với cách xử lý của nhà trường, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự bức xúc đối với vị phụ huynh có hành động xốc nổi trên. Phụ huynh không phải cứ thích là mang dao đe dọa chém người rồi bắt quỳ! Đó là hành vi côn đồ, phải được xử lý theo đúng pháp luật. Phụ huynh hành xử côn đồ như vậy thì không thể làm tấm gương tốt cho con em mình được. Đề nghị nên có mức xử phạt thật nghiêm.

Còn với vụ việc cô giáo bị kéo ra khỏi lớp, chị Trần Thu Hằng (Thái Nguyên) cho rằng: Nếu học sinh phản ánh về chất lượng giáo viên thì lãnh đạo nhà trường xem xét, nếu cần thay đổi, hiệu trưởng phân công lại nhiệm vụ của giáo viên. Tại sao phải có một giáo viên khác đến tận lớp dùng tay kéo cô giáo ra khỏi lớp trước mặt học sinh. Cách hành xử này là không thể chấp nhận được.

Với những hành xử thầy giáo đánh học sinh, cô giáo ném sách vở, thậm chí cô giáo từng có hình phạt bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng hoặc có hành vi đánh đập gây thương tích cho học sinh…Những sự việc xảy ra khiến nhiều người bức xúc, bất bình.

“Cách hành xử thiếu chuẩn mực của các giáo viên trên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục nói chung và uy tín của nhà trường, cũng như cá nhân các nhà giáo nói riêng. Sau sự việc, ngành giáo dục đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm nhưng không thể xóa được những hình ảnh “phản giáo dục” mà những giáo viên này đã gây ra trong tâm trí các em”, chị Đặng Ngọc Hiếu (Hà Nam) bày tỏ, đồng thời cho rằng những hành vi phản cảm đó chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nên đã giảm đi sự tôn nghiêm và kính trọng của học sinh đối với người thầy.

Dù vậy, với thực tế hiện nay, cũng không ít ý kiến băn khoăn, vậy đội ngũ giáo viên "hổng" kiến thức về tâm lý học đường? Về vấn đề này, TS Hoàng Trung Học - chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) thẳng thắn nêu quan điểm: Cũng phải thành thật mà đánh giá, đội ngũ giáo viên của ta chưa được đào tạo thực sự bài bản về những kiến thức tâm lý học đường quan trọng này.

Theo TS Hoàng Trung Học, mô hình tham vấn học đường của ta đã triển khai nhưng chưa được quan tâm đúng mức và phát huy hiệu quả như kỳ vọng trong các nhà trường. Đổi mới giáo dục đang đòi hỏi người giáo viên phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương pháp thực hiện, hướng tới thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới và xây dựng trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, để làm được điều này, người giáo viên cần cảm nhận được hạnh phúc, sự tôn trọng và phải được cung cấp những công cụ sắc bén để xây dựng trường học hạnh phúc.

“Muốn vậy, phải giúp các nhà giáo vận dụng thành công kiến thức tâm lý vào trong các hoạt động giáo dục và dạy học, vì đây là nguyên lý, là nền tảng khoa học của hoạt động giáo dục và mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc. Khi có những nhà giáo hạnh phúc, chúng ta sẽ có những học sinh hạnh phúc, trường học hạnh phúc và những vụ việc đáng tiếc tương tự như trên sẽ không có cơ hội diễn ra”, TS Học nhấn mạnh.

Xây dựng văn hóa học đường

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay là cần sớm xây dựng văn hóa học đường. Thuật ngữ văn hóa học đường (School culture) xuất hiện trong những năm 1990 tại các nước như Anh, Mỹ, Australia và sau đó trở nên phổ biến trên thế giới với ý nghĩa: Văn hóa học đường là những giá trị, những kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích lũy trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và quá trình hình thành nhân cách.

GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho rằng: Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục nhằm mục đích xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa - giáo dục lành mạnh, các thành viên trong trường có hành vi văn hóa chuẩn mực và ngày càng ổn định theo chiều hướng phát triển bền vững.

“Tuy vậy, trong thực tế nhiều trường học chưa quan tâm xây dựng văn hóa học đường, nên những hành vi lệch chuẩn trong trường học có cơ hội phát sinh, nảy nở, trong đó có bạo lực học đường đang là vấn đề bức xúc của ngành giáo dục và của xã hội. Bạo lực học đường là hành vi lệch chuẩn và thiên về sử dụng bạo lực. Nhưng bạo lực học đường dù biểu hiện dưới hình thức nào, chủ thể là ai thì cũng không thể chấp nhận được và bị xã hội phê phán”, GS Phạm Minh Hạc quả quyết.

Tuy nhiên, TS Phạm Văn Khanh - Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý, Giáo dục Việt Nam bày tỏ: Việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách to lớn như: đạo đức xã hội suy kém, giao tiếp, ứng xử xã hội có nhiều sa sút, ngay cả những quan hệ trong trường học cũng có nhiều biến tướng, bạo lực học đường chưa được ngăn chặn…Thực tế đó vừa đặt ra tính bức xúc, sự cần thiết vì sao phải xây dựng văn hóa học đường đồng thời cũng nói lên rằng đây là vấn đề có nhiều khó khăn và thách thức.

TS Khanh kiến nghị, việc xây dựng văn hóa học đường phải dựa trên thực tế của môi trường chung quanh và bối cảnh cụ thể. Đối với người dạy, xây dựng văn hóa học đường là tích cực tạo dựng môi trường văn hóa - giáo dục trong nhà trường từ văn hóa vật thể như: cổng trường, hàng rào, sân chơi, bãi tập, lớp học, nhà vệ sinh, khẩu hiệu, hoa kiểng…đều toát lên ý nghĩa giáo dục - văn hóa. Xây dựng những giá trị văn hóa phi vật thể như: các mối quan hệ lành mạnh, ứng xử văn minh, các nghi thức, giá trị, niềm tin, chuẩn mực…

Ngoài ra, người dạy còn có thể tác động đến môi trường bên ngoài tạo ra những thuận lợi cho xây dựng văn hóa nhà trường. Trong môi trường đó, người dạy tạo điều kiện để người học thể hiện hành vi, ứng xử văn hóa trong sự tương tác với các tổ chức, các thành viên khác trong nhà trường, ngoài nhà trường.

“Đặc biệt, đối với người học, họ sẽ được đắm mình vào môi trường văn hóa học đường từng bước được tạo dựng. Mỗi người học vừa là người xây dựng, vừa là người hưởng thụ các kết quả từ văn hóa học đường. Người học sẽ có được các trải nghiệm cần thiết, hữu ích thông qua sự tương tác và xử lý các mối quan hệ.

Qua đó, người học có thể mở rộng các trải nghiệm và sự tương tác ra bên ngoài nhà trường trên cơ sở văn hóa học đường và kiến tạo ra đời sống văn hóa cho chính mình hiện tại và trong tương lai”, TS Khanh gợi mở.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Giáo dục cần phải tôn nghiêm

Cần tăng cường giáo dục học sinh từ cái nôi gia đình. Thời gian gần đây, đạo đức xã hội có phần xuống cấp khi ngày càng xuất hiện nhiều clip bạo hành. Gia đình là nền tảng của xã hội nên việc giáo dục trong gia đình đóng vai trò cốt lõi. Tuy vậy, việc giáo dục trong gia đình ở thời đại mới có phần bị xem nhẹ và đặt nặng trách nhiệm lên đôi vai người thầy, người cô. Giáo dục có lỗi, nhưng bố mẹ em học sinh đó nói riêng và những trường hợp tương tự, không thể vô can và người lớn chúng ta cũng có phần trách nhiệm. Học trò ngày càng ít nghe lời thầy cô khi chính các em được gia đình bao bọc quá kỹ.

Bên cạnh đó, hãy trả lại cho người thầy những công cụ giáo dục cần thiết. Các đây 20 năm, chuyện thầy cô phạt trò bằng roi, bắt quỳ, không bị phụ huynh phản ứng mà trái lại còn được khuyến khích “nhờ thầy cô nghiêm khắc cháu mới nên người”. Khi học sinh bị phạt trên lớp cũng chẳng em nào dám về nói với gia đình vì sợ rằng nghe xong, ba mẹ lại nổi trận lôi đình phạt cho trận đòn đau gấp đôi thầy cô giáo. Còn bây giờ thì, chỉ một lời la mắng, quở trách, một roi phạt vào mông, một cái véo tai… khi trò phạm nội quy trường lớp, vậy mà không ít phụ huynh đã làm lớn chuyện kiện cáo khắp nơi cho đến khi thầy cô đến nhà xin lỗi hoặc bị kỷ luật mới thôi. Thành thử, trò lười chẳng ai dám mắng, trò hư, nghịch ngợm chẳng ai muốn khuyên răn. Hậu quả này đâu chỉ mỗi gia đình mà toàn xã hội phải gánh chịu.

Mặt khác, ngành giáo dục cũng nên nhìn nhận lại phương cách, định hướng giáo dục. Một thời gian dài chúng ta nói về những thứ đao to búa lớn như triết lý giáo dục, giáo dục khai phóng, giáo dục là con người chứ không phải trận đánh lớn… Nhưng bạo lực học đường là điều rất khó chấp nhận. Dù có lý tưởng, triết lý đến đâu thì rõ ràng, gần đây, sự thiếu tôn nghiêm trong giáo dục đang trở nên nghiêm trọng. Mà môi trường học đường thiếu tôn nghiêm thì dù có chí hướng tột bậc đến đâu, những thứ đạt được là vô nghĩa. Điều này cũng có nghĩa, cả một thời gian qua chúng ta đã và cứ xuề xòa, xuê xoa, chữa mãi những nỗi đau giáo dục bằng kiểu "xức dầu cù là", như thế thì phẩm giá giáo viên cùng giá trị của giáo dục sẽ còn bị hạ thấp.

PGS.TS Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Văn hóa học đường chính là sự tôn trọng

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống, là nét đẹp văn hoá của người Việt. Nhiệm vụ của giáo dục là gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp. Chính vì vậy văn hóa và giáo dục không tách rời nhau. Trong giáo dục, văn hóa học đường là nền tảng. “Tôn sư trọng đạo” không phải là khẩu hiệu hay yêu cầu mà là kết quả. Nếu người thầy hội tụ đủ trình độ và đức độ thì tự khắc có “tôn sư” và “trọng đạo”. Còn khi thầy không ra thầy thì dù có “ép buộc” bằng quy chế, quy định cũng không thành.

Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, tuy nhiên xét cho cùng cũng là sự tôn trọng: tôn trọng tự nhiên và tôn trọng con người. Tôn trọng tự nhiên tức là ứng xử phù hợp với thiên nhiên. Tôn trọng con người thể hiện ở việc tôn trọng quá khứ; tôn trọng quyền con người và sự khác biệt ở hiện tại cũng như tôn trọng thế hệ tương lai. Thầy giáo cũng phải tôn trọng học trò chứ không chỉ có học trò buộc phải tôn trọng thầy giáo.

Con người tốt hay xấu phần nhiều phụ thuộc vào môi trường sống và học tập. Môi trường sống luôn biến động, tồn tại đủ các mặt tốt xấu và thời nào cũng có. Tuy nhiên, môi trường học đường thì cần phải gìn giữ những chuẩn mực tốt đẹp, trong lành và trong sạch nhất. Bởi vì môi trường giáo dục không chỉ phục vụ giáo dục trong nhà trường mà còn có sự mệnh gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Môi trường học đường là nơi để thầy và trò tu rèn đạo đức; luyện tập thể chất; trau đồi trí tuệ, hướng đến sáng tạo và tự do. Để thực hiện sứ mệnh cao cả đó, người thầy đóng vai trò rất quan trọng, và “tôn sư trọng đạo” cũng từ đó mà ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ chuẩn mực học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO