Giữ vững đà tăng trưởng

Nguyên Khánh 22/07/2018 08:00

Phát biểu tại phiên họp định kỳ của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quyết không để mất đà tăng trưởng. Trước đó, Thủ tướng đã quyết định không tăng giá điện trong năm nay; trong khi đó giá nhiều dịch vụ y tế giảm.

Giữ vững đà tăng trưởng

Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh góp phần vào đà tăng trưởng kinh tế đất nước.

Dự phiên họp định kỳ của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, không để tình trạng bị động, bất ngờ xảy ra đối với điều hành chính sách tiền tệ. Quyết không để mất đà tăng trưởng. Theo đó, Nhà nước sẵn sàng can thiệp những lĩnh vực cần thiết để bảo đảm đất nước phát triển ổn định.

Phác thảo bức tranh kinh tế

GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng trưởng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tốt nhất trong nửa đầu năm, kể từ năm 2011 đến nay. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2018 đạt mức 6,79%, tuy tốc độ tăng trưởng không còn cao như quý I, nhưng đây là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong 10 năm qua.

Cụ thể, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức cao nhất trong 7 năm với mức tăng 3,93%. Nông nghiệp tiếp tục có sự phục hồi khá rõ nét. Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực ở mức 6,9% trong hai quý đầu năm, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tiếp tục là ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ, với mức tăng 8,21%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng nửa đầu năm 2018 có mức tăng trưởng tích cực 9,07%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Điểm những thành tích như vậy cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm nay có nhiều khởi sắc. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thách thức đầu tiên phải kể đến là, quý II/2018 chúng ta chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, tăng tới 75,7% (31.668 so với 18.039 doanh nghiệp). Tính chung nửa năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 34,7%.

Cũng giống với quý I, quy mô việc làm tạo mới trong quý II tiếp tục suy giảm, so với cùng kỳ năm trước. Số việc làm tạo mới giảm đi trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng tích cực, điều này khiến giới chuyên gia tiếp tục đặt dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế của chúng ta. Đặc biệt, nối tiếp xu hướng trong quý I, lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II/2018.

Thách thức lạm phát

Có lẽ, cũng đã nhìn trước một năm sẽ có nhiều biến động của nền kinh tế mà Chính phủ đã sớm giao cho các Bộ, ngành tìm ra hướng đi thích hợp nhất cho tăng trưởng và có những giải pháp phù hợp cho nền kinh tế. Đặc biệt, mục tiêu kiềm chế lạm phát được Chính phủ đặt lên hàng đầu.

Theo đó, lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng 3 lên 4,67% vào tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017.

“Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%”- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ đã nhấn mạnh điều này, nhất là khi diễn biến kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều dấu hiệu sẽ tác động tới giá cả thị trường.

Đó là giá dầu tăng cao, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng và nguy cơ lan rộng sang nhiều quốc gia khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD, xu hướng tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong nước, từ giá dịch vụ y tế, giáo dục, đến giá điện, xăng dầu…

Về lạm phát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà những tháng gần đây, khi nói tới các thách thức của nền kinh tế trong năm 2018, các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh mối quan ngại về nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra trong năm nay. Bởi vì liên tục những tháng đầu năm 2018 chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh, khiến lạm phát theo đó mà cũng tăng lên.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Với tình hình như hiện nay, lạm phát tháng này chỉ tăng 0,2% và lạm phát bình quân cả năm nay hoàn toàn có thể dưới 4% vì chỉ số giá tiêu dùng mấy tháng vừa qua tăng, chủ yếu là do giá lợn hơi tăng cao. Hơn nữa, Thủ tướng đã quyết định không tăng giá điện trong năm nay. Trong khi đó, giá nhiều dịch vụ y tế đã giảm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên của Hội đồng theo dõi sát cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại lớn và tác động của cuộc chiến này đến Việt Nam cũng như tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất đồng USD và tình hình nợ công đang ở mức nguy cơ cao của Italy.

Về kiềm chế lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam sẽ tác động lớn tới lạm phát của nền kinh tế. Do vậy, cần điều hành một cách linh hoạt, thận trọng, đặc biệt phải đến được đúng khu vực sản xuất - kinh doanh, thay vì đi vào các lĩnh vực như bất động sản, dễ tạo bong bóng, từ đó gây hệ lụy lớn đến nền kinh tế.

Để đạt được những chỉ tiêu về kinh tế đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều hành kinh tế cần những quyết sách mới, đặc biệt là không để bất ngờ xảy ra đối với nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ và thông thoáng nhằm tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục coi trọng mọi thành phần kinh tế, kể cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề lúc này là giải pháp kết hợp được giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước.

Giữ vững đà tăng trưởng - 1

TS Phạm Thế Anh.

Theo dõi sát sao, quyết kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng

Theo TS Phạm Thế Anh, ĐH Kinh tế quốc dân, nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của sự điều hành hết sức linh hoạt từ Chính phủ, vì vậy nhiều quyết sách quan trọng được ban hành, đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và xã hội. Chẳng hạn, với chi tiêu công, kể cả đầu tư công, được kiểm soát tương đối tốt, giảm đi so với tỉ trọng của các khu vực khác trong nền kinh tế. Đó là tín hiệu tốt.

Tuy nhiên vẫn còn những quan ngại cho kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2018 đó là lạm phát. Dù lạm phát đã được chú trọng kiểm soát tốt trong mấy năm vừa qua, nhưng hiện nay đây là khó khăn lớn nhất. Lạm phát có nguy cơ gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do các nước trên thế giới bắt đầu thắt chặt lại chính sách tiền tệ sau vài năm nới lỏng vì họ thấy kinh tế của họ đã bắt đầu hồi phục rồi.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu bắt đầu tăng trở lại, giá dầu thô trước đây chỉ có 40-50 USD/thùng, bây giờ lên 70-80 USD/thùng và có thể tăng hơn nữa. Điều này làm cho mặt bằng giá cả trong nước hiện nay tăng lên. Trong khi đó, giá thực phẩm trong nước có sự gia tăng khá mạnh và nếu như thời tiết những tháng cuối năm không thuận lợi cũng ảnh hưởng tới giá thực phẩm, tác động đến lạm phát.

“Một điểm nữa là vấn đề tỉ giá, dù tỉ giá VND so với USD tương đối là ổn định, từ đầu năm đến nay mất giá chỉ 1-2% thôi. Tuy nhiên, đồng USD đang lên giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, có những đồng tiền lên tới mười mấy phần trăm. Trong khi đó, mình neo đồng USD có nghĩa là đồng tiền Việt đang mạnh lên rất nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ để kiềm chế lạm phát, chặn đà tăng giá để ổn định kinh tế vĩ mô”- theo TS Phạm Thế Anh.

Giữ vững đà tăng trưởng - 2

TS Nguyễn Đức Thành

Thu hẹp cái bóng quá lớn của khu vực nhà nước

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng để hỗ trợ sự phát triển, Chính phủ năm vừa qua đã làm rất nhiều, tuy nhiên, cần thêm những chính sách tạo “cú hích” cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Bởi, một nước muốn phát triển phải “nâng tầm” khu vực kinh tế tư nhân là điều không phải bàn, nhưng để làm sao cho khu vực này phát triển mạnh cũng không dễ dàng.

Muốn làm điều này, trước hết, cần một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng. Bảo vệ quyền sở hữu và những thành quả của doanh nghiệp, doanh nhân, khi có tranh chấp thì giải quyết với thủ tục nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Thứ hai, kinh tế tư nhân đang quá nhỏ bé. Minh chứng rõ ràng nhất, trong suốt 10 năm qua, đóng góp của khu vực này không thể vượt mức 10% vào GDP của nền kinh tế. Trong khi đó, tại các nước phát triển, mức đóng góp của khu vực này phải ít nhất là 80%.

“Thứ ba, thu hẹp cái bóng quá lớn của khu vực Nhà nước, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Hiện khu vực này đang như những cây đại thụ, hứng hết nắng của kinh tế tư nhân”- TS Nguyễn Đức Thành nêu vấn đề và kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ vững đà tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO