Giám sát đầu tư công

Hoàng Mai 25/10/2017 08:05

Hôm 23/10, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư QH khóa XIV, khi nói về mục tiêu của năm tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế để bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về lao động, việc làm, NSNN… Trong đó, thực hiện chính sách tài kh


Phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng.

“Thắt lưng buộc bụng” trong điều kiện nền kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững; trong điều kiện thiên tai đang khiến nhiều miền quê nghèo lại càng nghèo hơn; trong điều kiện chúng ta đang phấn đấu để không dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên phục vụ cho tăng trưởng. Chỉ với từng ấy lý do đã cho thấy, việc thắt chặt kỷ luật ngân sách là điều cần làm, phải làm nhất là trong bối cảnh chúng ta vẫn chưa phải là một nước giàu. Chính vì thế, trong phiên khai mạc, khi đọc báo cáo kinh tế- xã hội, Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm: “Triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công; đẩy mạnh đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công.

Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ; phấn đấu giảm bội chi NSNN; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công gắn với tinh giản biên chế; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực NSNN gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.”

Nói tóm lại, Chính phủ đã rất quyết tâm trong việc siết kỷ luật ngân sách; siết chi tiêu công trong đó không thể không nói đến siết quản lý đầu tư công. Đây không phải là một việc dễ dàng gì vì chúng ta vẫn đang trong quá trình tiệm cận với nền kinh tế thế giới, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển là điều hết sức cần thiết; trong khi nợ công của ta đã chạm ngưỡng. Vì thế, cơ cấu các khoản vay sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia luôn là đòi hỏi quan trọng, cấp thiết.

Thực ra, đầu tư công là việc không thể không làm nhưng quản sao cho bớt thất thoát lãng phí đó chính là thành công của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương. Trên cái đà quản chặt ngân sách ấy, tới đây, chắc chắn “Chính phủ sẽ, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực ngoại tệ trong xã hội. Quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT” - những điều này đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Từ ngày Luật Đầu tư công ra đời thì đã hạn chế được đầu tư dàn trải. Bây giờ chúng ta đã xử lý được hậu quả của đầu tư dàn trải như vậy là thấy rõ tác dụng của Luật Đầu tư công. Luật quy định là khi muốn đầu tư cái gì thì phải chứng minh được nguồn vốn, tiền ở đâu, không phải như ngày trước, cứ ghi kế hoạch mà không biết tiền ở đâu. Bây giờ phải biết công trình này thuộc nhóm nào, A, B hay C, tiền ở đâu, vốn trong nước, vốn ngoài nước, vốn trung hạn hay gì?

Nhưng ở một chiều khác, sáng 24-10, thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế- xã hội của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến đã lưu ý vấn đề này khi cho rằng, chi đầu tư phát triển cao đương nhiên tăng trưởng sẽ tăng nhưng quan trọng phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Đơn cử như nhiều công trình trọng điểm đang đắp chiếu, lãng phí, đầu tư không hiệu quả, công nghệ lạc hậu, tham nhũng tiêu cực đang là những “lực cản” lớn đối với nền kinh tế.

Ở góc độ của một người quản lý kinh tế, tài chính lâu năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi nói về vấn đề chi đầu tư công trong bối cảnh của năm 2017 đã thẳng thắn nhận xét: Cái thấy rõ nhất trong năm nay là phân bổ vốn đầu tư công quá chậm, chắc chắn tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Số lượng vốn còn lại theo kế hoạch khá lớn và sẽ dồn lại cuối năm.

Hay như ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nói thì, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề lớn với 12 nội dung nhưng thực hiện đang còn hạn chế, triển khai chậm.

Từ những ý kiến nhiều chiều trên đây mới thấy, siết hay quản chặt đầu tư công là điều cần thiết, nên làm và phải làm. Và hành lang pháp lý để quản đầu tư công của chúng ta giờ đã dần hoàn thiện để không trở thành “miếng mồi ngon” cho tổ chức, cá nhân dựa vào đó mà vụ lợi; mà kiếm chác. Đấy là điều rất đáng trân trọng; bởi chỉ khi từng đồng vốn đầu tư công được chắt chiu, tính toán kỹ lưỡng mới mong tiền của dân không rơi vào túi cá nhân. Vì thế, những nỗ lực của Chính phủ cần được phát huy.

Tuy nhiên, không dàn trải trong đầu tư công không có nghĩa là cứ nâng lên đặt xuống, cân nhắc quá lâu trong phân bổ nguồn vốn đầu tư công. Vì vốn cũng là tiền của dân do Nhà nước quản lý. Chậm phân bổ vốn tức là đồng vốn sẽ nằm im không có điều kiện để đầu tư cũng như sinh lời. Như thế, dường như cũng là một sự lãng phí. Thế nên, phân bổ kịp thời; quản lý chặt chẽ; giám sát thường xuyên là điều mà các bộ, ngành được giao quản lý cần thay mặt Chính phủ làm cho tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát đầu tư công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO