Người tiêu dùng chịu thiệt

Thanh Giang 11/09/2015 13:35

Giá điện tăng vì nhiều lý do khách quan, xăng dầu chậm bắt nhịp giảm giá so với thị trường tế giới, khi xăng dầu trong nước chịu giảm giá thì cước vận tải và hàng hóa tiêu dùng vẫn tiếp tục “neo” cao. Thực tế ấy khiến dư luận đặt vấn đề về sự điều tiết thị trường hàng hóa, dịch vụ phải vận hành đúng theo cơ chế thị trường, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên, nhất là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Người tiêu dùng chưa được hưởng lợi vì còn độc quyền và “chỉ đạo” giá. Ảnh:S. Xanh.

Những ngày qua dư luận bức xúc vì xăng dầu liên tục giảm giá còn cước vận tải cứ “giậm chân tại chỗ”. Thực tế cũng đã cho thấy ở thời điểm giá xăng thị trường thế giới biến động tăng, thì lập tức các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dầu trong nước tăng theo chóng mặt nhằm tránh lỗ. Điệp khúc này liên tục diễn ra trong thời gian dài. Điều đáng nói là khi giá xăng bên ngoài giảm, việc giảm giá mặt hàng thiết yếu này lại rất chậm chạp và thiếu tương xứng, người tiêu dùng không thể can thiệp theo quy luật cung cầu, vì giá xăng bao nhiêu cũng phải sử dụng.

Thị trường trong trường hợp này không tự điều tiết giá đúng làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Hơn thế, người tiêu dùng còn bị thiệt hại kép khi giá cả các mặt hàng, dịch vụ liên quan trên thị trường cứ vin vào lý do “giá xăng dầu lên xuống thất thường” để đứng giá cao.

Xăng dầu là yếu tố cấu thành cơ bản của giá cước vận tải nhưng DN vận tải không giảm giá kịp thời, đồng nghĩa với việc DN không thực hiện đúng quy luật cơ chế thị trường vừa không thực hiện đúng quy định của Luật Giá. Thực tế sử dụng dịch vụ vận tải hiện nay cho thấy lập luận “nếu thấy giá cước cao thì đừng sử dụng” trở thành sự thách đố đối với nhiều hành khách yếu thế, đành phải chấp nhận.

Cơ chế thị trường cho phép các DN cạnh tranh về giá. Giá có lên, có xuống khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Hơn nữa, Luật Giá cũng đã khẳng định, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào việc định giá của DN. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhưng đồng thời, công tác quản lý nhà nước cũng có thể áp dụng các biện pháp điều tiết cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cũng như lợi ích của cả nước.

Như vậy, pháp luật quy định và tạo điều kiện tốt nhất để DN tự điều chỉnh giá cả các mặt hàng theo thực tế của giá cả thị trường. Song, điều đó không phải là DN muốn làm gì cũng được, hoặc cố tình tách rời sự điều tiết của Nhà nước.

Đối với giá cước vận tải, Nhà nước không điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính mà chỉ điều tiết bằng cơ chế. Bên cạnh đó, luôn tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của DN. Nếu DN tự giác vận hành theo cơ chế, nguyên tắc thì Nhà nước cũng không cần phải nhắc nhở hoặc kiểm tra, kiểm soát và không cần can thiệp. Còn đối với DN không tuân thủ, Nhà nước phải can thiệp theo quy định của pháp luật để bình ổn thị trường.

Gần đây Bộ Tài chính đã gửi công văn tới Bộ Giao thông-Vận tải và UBND các tỉnh thành để yêu cầu các DN vận tải thực hiện việc kê khai lại giá cước cho phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn tăng cường kiểm tra thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải. Bộ Giao thông - Vận tải cũng thành lập các đoàn kiểm tra đối với công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải.

Một trong những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là “nói không” với những biểu hiện độc quyền và phải bảo đảm sự minh bạch. Các mặt hàng như xăng dầu, điện, nước… là những thứ thiết yếu buộc người tiêu dùng không thể không sử dụng nên các nhà phân phối rất dễ vướng vào tâm lý độc quyền, khi thoải mái lên giá.

Thực tế cho thấy những DN kinh doanh các mặt hàng này rất “nhạy” khi xuất hiện các yếu tố tác động đẩy giá lên cao, nhưng lại tỏ ra “thụ động” ở chiều ngược lại khi chậm giảm giá, thường không phản ứng bằng cách im hơi lặng tiếng. Kết quả là DN được lợi, người tiêu dùng bị “móc túi”.

Theo Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông qua cuộc khảo sát cho thấy, 90% người dân không được hưởng lợi đáng kể trong điều hành từ điện, xăng dầu, sữa. Cụ thể, thống kê chỉ rõ xăng dầu là loại mặt hàng có sự can thiệp của Nhà nước mà tỷ lệ người trả lời không hưởng lợi là cao nhất (66%), sữa (60%), gas (59%), điện (58%). Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), những con số trên cho thấy mặt hàng dù có sự can thiệp của Nhà nước nhưng tỷ lệ người dân được hưởng lợi còn thấp. Đó là điều rất đáng suy nghĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tiêu dùng chịu thiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO