Ứng xử nơi công cộng

Hương Lê 06/02/2017 10:00

Hướng tới một Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần kiến tạo những tiêu chuẩn, giá trị, phương tiện nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ và hành vi ứng xử chưa phù hợp tại địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố, mới đây Sở Văn hóa &Thể thao Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Qui tắc ứng xử nơi công cộng. Dự thảo có 3 chương, 14 điều, trong đó qui tắc ứng xử nơi công cộng tập trung tại Chương II - Qui tắc ứng xử chung và Chương III - Qui tắc ứng xử tại một số nơi công cộng cụ t

Khác với Bộ qui tắc ứng xử của cán bộ, công chức Hà Nội, bộ qui tắc này định hướng văn hóa ứng xử của người dân nơi công cộng bằng những quy định “nên làm” và “không nên làm”. Như thế, từ “không nên” đã được thay cho từ “cấm” mà lâu nay vẫn thấy ở những tấm biển hiệu. Nhân bàn về văn hóa ứng xử, những tấm biển hiệu ấy có thể là chuyện bình thường với nhiều người trong chúng ta, nhưng lại gây tò mò với những người nước ngoài tới Hà Nội hoặc nhiều thành phố khác tại Việt Nam.

Có nhà văn đã phân tích rằng những biển hiệu ấy gián tiếp cho người ta biết một phần về văn hóa của con người đang sống ở nơi chốn đó. Chẳng hạn biển “Cấm vượt đèn đỏ”, “Cấm vứt rác ở đây”, “Xin đừng dẫm lên cỏ” “Xin đừng ngắt hoa”, “Cấm câu cá!” .... là nhằm hạn chế và khuyến cáo người dân không nên tiếp tục những hành vi đã trở thành thói quen. Điều lấy làm tiếc là những biển hiệu ấy lại được đặt ở những đô thị được coi là văn minh, như Hà Nội chẳng hạn!

Dự thảo qui tắc ứng xử công cộng của Hà Nội nêu rõ các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn phải tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em; Đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái.

Những việc người dân không nên làm ở nơi công cộng cũng được nêu rõ là: Không nói to, gây ồn ào, mất trật tự; Không kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; Không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; Không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; Không xả rác thải, chất thải trái nơi quy định.

Đặc biệt, Dự thảo cũng đưa ra khuyến cáo người dân không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm. Trường hợp vi phạm qui tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng...

Sở Văn hóa &Thể thao Hà Nội cho biết, mục đích của việc xây dựng Qui tắc trên nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh. Bộ qui tắc cũng hướng tới việc giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến và của đất nước.

Được biết, Bộ qui tắc này đã được khởi động từ nhiều năm trước, nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia văn hóa, các nhà nghiên cứu và của cộng đồng. Theo tinh thần Dự thảo Bộ qui tắc ứng xử nơi công cộng mà Sở Văn hóa &Thể thao Hà Nội đang lấy ý kiến, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức công đoàn các cấp của Thành phố có trách nhiệm tổ chức, vận động, kiểm tra, giám sát đoàn viên, hội viên thực hiện tốt Bộ qui tắc ứng xử nơi công cộng.

Theo đại diện Sở Văn hóa &Thể thao Hà Nội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến hợp lý để hoàn chỉnh Bộ qui tắc và sẽ sớm ban hành. Hiện Bộ qui tắc này đang nhận được nhiều luồng ý kiến. Có những ý kiến đồng tình, và cũng có những ý kiến còn băn khoăn.

Đơn cử như việc “bêu tên” các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Rằng việc phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng là một vấn đề nhạy cảm, cần phải thận trọng, bởi vì nó liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác...

Việc xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch bắt đầu từ những ứng xử của người dân chốn công cộng, âu cũng là câu chuyện, là vấn đề lối sống của thị dân và văn hóa đô thị hôm nay.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu, lối sống thị dân sẽ quyết định “thương hiệu” của đô thị, nhìn từ góc độ văn hóa. Theo đó, điều cần lưu ý là quan hệ của thị dân làm sao vừa giữ được tính truyền thống trong sự quan tâm giúp đỡ nhau, đồng thời cũng cần giữ “khoảng cách” nhất định để tôn trọng cá nhân và không gian riêng của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng nhỏ hơn.

Bên cạnh sự điều hành của chính quyền đô thị với những qui tắc, luật lệ phù hợp sinh hoạt và vận hành của đô thị, các tổ chức cộng đồng xã hội cần được tạo điều kiện để phát huy trách nhiệm của mình với sự phát triển của đô thị. Ứng xử văn minh nơi công cộng cũng là điều kiện quan trọng để đô thị phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử nơi công cộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO