Gọn bộ máy, giảm biên chế

Lục Bình 28/03/2017 08:35

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Trong đó, dự thảo nhập Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư; nhập Sở Xây dựng với Sở Giao thông Vận tải(GTVT). Việc hợp nhất một số cơ quan được cho là có nhiệm vụ gần giống nhau không chỉ giúp thu gọn đầu mối, giảm biên chế qua đó tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ cho ngân sách mà còn giúp bộ máy vận hành hiệu quả hơn.

Bài toán sáp nhập, thu gọn đầu mối không dễ. (Tranh minh họa).

Dự thảo Nghị định nói rõ: Sau khi nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính cơ cấu tổ chức của Sở này gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn. Sở mới này có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: tài chính; ngân hàng; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; kế toán; giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương...

Với Sở Hạ tầng và phát triển đô thị (hoặc tên gọi Sở Giao thông, Xây dựng và phát triển đô thị) được hợp nhất của Sở Xây dựng với Sở GTVT cơ cấu gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (trên cơ sở tổ chức lại 12 phòng hiện có của các Sở Xây dựng, GTVT). Sở Hạ tầng và phát triển đô thị có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; chiếu sáng đô thị; cây xanh đô thị; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thi; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản;...

Rõ phương án sáp nhập, quy định rõ phần cứng, phần mềm về nhân sự cũng như chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan sau khi sáp nhập theo hướng tinh gọn hiệu quả đang được dư luận ủng hộ và kỳ vọng rằng công cuộc tinh giản biên chế chắc chắn có kết quả nhất định cùng chủ trương nhập một số cơ quan có nhiệm vụ na ná và lâu nay vẫn giẫm chân lên nhau này.

Tất nhiên, không phải đến lúc Bộ Nội vụ “phất cờ”, việc sáp nhập một số cơ quan mới được thực thi. Mới đây Hà Nội thực hiện sáp nhập một số cơ quan qua đó đã giảm tới 59 phòng ban, giảm tới 39 trưởng phòng, 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; giảm 27 Ban Quản lý dự án, 2 Quỹ, 30 cấp trưởng phòng, 69 cấp phó phòng....đã khiến dư luận nức lòng. Công cuộc sáp nhập phòng ban để gọn đầu mối sẽ không dừng lại ở con số “ít ỏi” như vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát và hợp nhất các đơn vị chức năng có nhiệm vụ chồng chéo nhau trên địa bàn chỉ với mong muốn duy nhất: Giảm đầu mối, giảm các khoản chi từ ngân sách, nhưng tăng hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước nếu rõ việc, rõ trách nhiệm. Việc rà soát, kiến nghị sáp nhập một số cơ quan trên địa bàn Hà Nội tại thời điểm đó đã cho thấy, chủ trương tinh giản biên chế không phải không thực hiện được. Đây là một trong những phương án hữu hiệu để tìm ra “địa chỉ” để tinh giản biên chế, nếu thực hiện công tâm, khách quan.

Đi sớm hơn Hà Nội một bước, Quảng Ninh với Đề án 25 “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo; tinh giản bộ máy, biên chế” với kiến nghị thí điểm sáp nhập một số đơn vị thuộc UBND cùng cấp qua đó tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ đã từng được đông đảo người dân ủng hộ. Không chỉ rà soát, qua đó thu gọn một số phòng, ban mà Quảng Ninh còn đề xuất hợp nhất; Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND – UBND... Những cơ quan được cho là có nhiều nội dung giống nhau đã tiết kiệm cho tỉnh này cả nghìn tỉ đồng cho mỗi năm kể cả sau khi đã trừ đi khoản chi phí giải quyết chế độ cán bộ, công chức dôi dư sau rà soát.

Vấn đề trùng lắp về nhiệm vụ của một số cơ quan, không phải giờ mới được đề cập đến, đó là hệ lụy của quá trình áp một mẫu số chung cho tất cả các đơn vị hành chính trên toàn quốc khiến bộ máy cứ thế phình ra. Đó là lý do khiến mới đây, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính trên địa bàn. Chẳng hạn, quận 4 diện tích 4 km2, nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân). Dân số chỉ hơn 200.000 người, chưa gấp đôi được phường này thế nhưng quận 4 vẫn phải duy trì bộ máy cấp quận và 15 bộ máy thu nhỏ cấp phường đó là điều quá vô lý. Thế nên, ngay khi TP Hồ Chí Minh đề xuất sáp nhập một số quận, phường ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dư luận.

Ủng hộ chủ trương sáp nhập 2 cơ quan làm một, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh Lê Ngọc Tuyển cho biết, ngành Giao thông và Xây dựng nhập lại với nhiệm vụ khá giống nhau sẽ giúp sở này mạnh hơn. Đặc biệt, nên nhập thành một thể thống nhất từ Trung ương đến địa phương tạo sự thông suốt trong chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, điều mà vị Giám đốc sở GTVT Bắc Ninh lo ngại chính là sau sáp nhập việc sắp xếp lại bộ máy dôi dư như thế nào? Rồi liệu bộ máy mới được tinh giản có trở nên quá tải không sau khi sáp nhập?

Nói về việc sắp xếp nhân sự, luật sư Trần Quốc Minh cho rằng, vấn đề tổ chức cán bộ chưa bao giờ dễ. Nếu sáp nhập một số đơn vị hành chính nhằm giảm nhân sự thì chắc chắn quyền lợi một số cán bộ hành chính của đơn vị sáp nhập sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, không cách nào khác chúng ta phải đánh giá, phân loại lại cán bộ. Những cán bộ có năng lực, phẩm chất, làm việc tốt, tận tụy phục vụ nhân dân thì giữ lại để bố trí những vị trí phù hợp; hoặc điều động, bố trí phù hợp tới những cơ quan đơn vị khác có nhu cầu; trường hợp cán bộ không đáp ứng được năng lực, yêu cầu thì tạo điều kiện để họ tìm công việc mới…Rõ ràng tinh giản biên chế là việc phải làm dù đụng chạm đến lợi ích của ai đó. Tránh tình trạng, gộp Sở lại đẻ ra các “siêu Sở” khiến cơ quan này cồng kềnh thêm mà công việc lại không chạy.

Tách hay nhập cơ quan điều mà dư luận quan tâm nhất không chỉ dừng ở việc cắt ai, giảm ai, số tiền tiết kiệm được từ việc sáp nhập được là bao nhiêu? Quan trọng nhất vẫn là hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Đức cho rằng: Bộ máy hành chính cần cải tổ là cần thiết, phù hợp nhưng phải xác định thật rõ cải tổ để đạt mục tiêu gì. Sự đổi mới ấy liệu có gây khó trong hoạt động của các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động mà ở đây là bộ máy hành chính ở địa phương hay không? Những thay đổi ấy liệu có thuận lợi cho dân không? Nếu không thuận lợi cho dân thì các phương án tinh gọn, hợp nhất các cơ quan phải cân nhắc kỹ lưỡng. Do đó, cần chỉ ra các khuyết điểm hiện nay của bộ máy, cân nhắc giữa thay đổi các cơ cấu, tổ chức bộ máy hay khắc phục những tồn tại để ổn định sẽ có lợi hơn để làm. Tránh trường hợp không chỉ vì một vài tồn tại có thể khắc phục nhưng lại thay đổi toàn bộ cơ cấu tổ chức bộ máy, vô hình trung sẽ gây ra sự xáo trộn không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gọn bộ máy, giảm biên chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO