Hệ lụy từ làng nghề chế tác đá

Đình Minh - Tuấn Anh 25/02/2020 08:00

Trên địa bàn hai xã Minh Tân và Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) hiện đang có hơn 130 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ hoạt động. Bên cạnh những đóng góp kinh tế cho địa phương, các cơ sở sản xuất đá này đang “góp phần” không nhỏ trong việc hủy hoại môi trường.

Hệ lụy từ làng nghề chế tác đá

Xe tải chở đá không đảm bảo an toàn lưu thông trên đoạn đường CCN Minh Tân gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nguy hiểm rình rập từ các xe tải chở đá

Trên địa bàn hai xã Minh Tân và Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) hiện đang có hơn 130 cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ hoạt động. Trong đó gần 100 cơ sở tại xã Minh Tân đã được quy hoạch vào cụm công ngiệp và cụm làng nghề (CCN). 30 cơ sở còn lại tại xã Vĩnh Thịnh và một vài cơ sở tại xã Minh Tân chưa chịu di dời vào CCN, hoạt động rải rác trên tuyến QL 217.

Theo quan sát của chúng tôi, các cơ sở sản xuất lấy nguồn nguyên liệu từ khu vực mỏ ở núi đá Bền, xã Vĩnh Minh rồi chở bằng ô tô tải về các xưởng chế tác. Trong quá trình di chuyển, hàng trăm xe chở đá đã oanh tạc các tuyến đường, làm xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, sụt lún tại nhiều điểm. Nguy hiểm hơn, nhiều xe tải chở đá không có nắp thùng phía sau, đá được xếp chồng lên nhau mà không có bất kì sự che chắn nào khiến các tảng đá lộ thiên, lòi ra khỏi thùng xe. Việc này khiến những phiến đá lớn có thể rơi xuống đường, gây nguy hiểm cho người dân bất cứ lúc nào.

Một điều đáng quan tâm nữa, tình trạng khói bụi bay mù mịt mỗi lúc có xe tải chở đá từ mỏ ra. Tại điểm ngã ba vào CCN xã Vĩnh Minh, các xe tải chở đá và vật liệu thường xuyên ra vào khiến nơi đây lúc nào cũng trong tình trạng bụi trắng xóa.

Tình trạng ô nhiễm đang vượt ngưỡng

Cảm nhận rõ nhất là toàn làng nghề bụi đá bay mờ mịt, phủ lên từng mái nhà, ngọn cây, từng mét đường. Việc xử lý hệ thống nước thải chưa được các cơ sở chế tác đá ở đây quan tâm, đầu tư đúng mực. Như một quy trình tuần hoàn, sau khi cắt, xẻ, đánh bóng đá, nước thải quyện với bột đá chảy thành dòng xuống các bể chứa, chảy xuống cả cái kênh rạch lân cận. Các bể chứa ở đây thường được dùng chung giữa nhiều cơ sở, xây dựng tạm bợ. Khi bụi đá lắng xuống đầy hồ, có cơ sở cho người múc đi đổ ở nơi khác, cũng có những cơ sở cho xả thẳng ra môi trường.

Ông N.V.B, trú xã Minh Tân cho biết: “Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi đá và nước thải đã diễn ra trong nhiều năm qua. Để hạn chế bớt bụi, gia đình tôi phải phun nước xung quanh nhà 2 lần mỗi ngày. Chúng tôi phải mua máy lọc nước để lọc chứ không dùng trực tiếp nguồn nước tự nhiên được vì nước thải đã ngấm vào lòng đất xung quanh khu vực này. Còn về tiếng ồn phát ra từ các xưởng chế tác đá thì gia đình nhiều hộ dân ở đây đành phải sống chung lâu rồi”.

Ngoài ô nhiễm do bụi đá và nước thải, tình hình an toàn của người lao động cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại. Ông P.X.N (58 tuổi), trú tại xã Vĩnh Thịnh, chia sẻ: Chủ cơ sở chế tác đá, nơi ông đang làm việc không trang bị các đồ dùng bảo hộ thiết yếu như kính, khẩu trang và găng tay cho người lao động. Bên cạnh đó, tất cả công nhân tại các xưởng quanh đây cũng không được tham gia các loại hình bảo hiểm. Trước tình tình trên, nhiều hộ dân tại hai xã đã gửi kiến nghị lên chính quyền địa phương yêu cầu sớm có biện pháp quy hoạch cụm làng nghề, đưa các cơ sở chế tác nhỏ lẻ còn lại dọc QL217 vào CCN tập trung.

Chưa thể giải quyết dứt điểm

Giải đáp những vấn đề trên, ông Mai Văn Hồng- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho hay: Hiện tại, xã này có hơn 30 cơ sở chế tác đá nằm dọc QL217, tác động tiêu cực đến môi trường. Do vậy, thường kì Sở TNMT đã có những đánh giá. Trước mắt, UBND xã Vĩnh Thịnh cũng đã yêu cầu các cơ sở làm tốt công tác về môi trường. Nếu cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn thì xã sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay. “Còn về chuyện di dời, năm 2019 xã cũng đã đề nghị lên ngành chức năng cho lập quy hoạch 3,2 ha đất để đưa các cơ sở chế tác đá vào CCN để sản xuất tập trung. Nhưng do chi phí xây dựng nhà xưởng lớn, nên chủ các cơ sở kêu rất khó khăn, chính vì vậy chúng tôi gặp bế tắc trong công tác vận động di dời”- ông Hồng nói.

Hệ lụy từ làng nghề chế tác đá - 1

Bột đá được xả thẳng xuống hồ chứa nước gây ô nhiễm môi trường.

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, thì hiện tại vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được các hệ luỵ do việc khai thác, chế tác đá gây nên. Giải pháp trước mắt, chính quyền địa phương có thể làm được đó chỉ là tuyên truyền, vận động mà chưa đưa ra được những quyết sách cứng rắn. Các giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, chính quyền xã Vĩnh Thịnh hứa, sẽ trao đổi với các cơ sở?

Về tình trạng xe chở đá gây nguy hiểm, băm nát nhiều tuyến dân cư, ông Trịnh Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Về cơ bản, xã đang phải tự bỏ kinh phí bồi đắp, tu sửa các tuyến đường bị hư hỏng do xe chở đá gây ra. Ông Hùng kiên quyết: “Việc các xe chở đá quá tải, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, chúng tôi sẽ đề nghị lực lượng Công an xã và Công an huyện kiểm tra thường xuyên, có biện pháp xử lý. Chuyện các xưởng đá tại CCN gây ô nhiễm, hiện nay xã đã thành lập một tổ chuyên dụng tưới, phun sương tại các tuyến đường trong CCN và khu dân cư gần đó với mật độ tưới nước 4 lần/1 ngày”.

Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết thêm: Về chất thải rắn từ việc chế tác đá, xã đang gặp khó khăn vì chưa có diện tích để xây bãi chứa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy từ làng nghề chế tác đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO