HLV Mai Đức Chung:  Đừng đứng núi này trông núi nọ

Thanh Hà (thực hiện) 07/03/2022 05:59

Tuyển nữ Việt Nam giành quyền tham dự World Cup với hành trình đầy chông gai thực sự là câu chuyện truyền cảm hứng. Từ cái nguy rất lớn gần như bỏ cuộc đã biến thành cơ và rồi vượt qua khó khăn, họ đã vào World Cup. Chiến công đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành tấm vé dự World Cup là một dấu ấn rất lớn trong sự nghiệp cầm quân của HLV Mai Đức Chung.

Trò chuyện với Tinh hoa Việt sau buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bóng đá nữ: Phía sau hào quang” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức sáng 22/2, HLV Mai Đức Chung vẫn đau đáu nỗi trăn trở để đưa bóng đá nữ nước nhà có sự phát triển bền vững, đời sống các học trò của ông sẽ được ổn định sau khi giải nghệ và đặc biệt là mong ước họ có được gia đình thật sự ấm êm, hạnh phúc.

Sự điềm đạm, bình thản đón nhận mọi thử thách cùng khát khao được làm việc và tận hiến hết khả năng cho trách nhiệm mình được giao phó như vốn có tiếp tục được HLV Mai Đức Chung thể hiện. Vẫn phong thái điềm đạm, nhỏ nhẹ, khiêm nhường cùng với cách nói chuyện chậm rãi nhưng khúc chiết và bằng sự chân thành mộc mạc của ông cho dù vừa đạt được đỉnh vinh quang khiến ai cũng thêm phần thiện cảm với ông Chung “xe ca”.

HLV Mai Đức Chung.

PV:Thưa HLV Mai Đức Chung, ông bắt đầu sự nghiệp cầu thủ của mình như thế nào?

HLV Mai Đức Chung: Xuất phát điểm của tôi không giống với nhiều người. Họ đi đá bóng xong rồi mới học, còn tôi, đi học xong mới tìm đến bóng đá. Năm 1965, lúc đấy tôi 16 tuổi, tuyển sinh tại Hà Nội và trúng tuyển, học hệ văn hóa thể dục thể thao tại Từ Sơn (Bắc Ninh).

Đến năm 1967, theo chỉ thị của Trung ương thì trường bị giải tán. Một số vận động viên chuyển qua trường huấn luyện khác, còn tôi thì xin đi học dự bị đại học, đến năm 1971 thì ra trường. Đáng lẽ tôi được phân công giảng dạy cho học sinh cấp 3 tại Sở Giáo dục Hà Nội nhưng nhờ ông Bùi Nghẽn sang trường xin, tôi đã về đội Xí nghiệp Xe ca thi đấu.

Nhờ có bóng đá nữ Việt Nam mới có ông Chung “gái” thành công và danh tiếng ngày hôm nay. Nhận được bao nhiêu thành quả ngọt ngào như vậy, tôi vui và hạnh phúc lắm.

Đến năm 1975 thì Xí nghiệp Xe ca giải tán, đội không đủ khả năng duy trì, tôi được tổng cục đường sắt nhận về. Tôi đi đá bóng nhưng là ăn lương tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao. Lương khởi điểm là 45 đồng, sau đó vài năm thì được tăng lên là 64 đồng, bấy giờ số tiền đó cũng là rất lớn, 10 đồng cũng là to rồi. Gia đình tôi đông anh em, bố mẹ thì làm công nhân nên khoản thu nhập ấy cũng giúp tôi hỗ trợ được gia đình rất nhiều. Còn đi đá bóng hầu như không có lương, có thì chỉ được hỗ trợ một vài đồng thôi.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông trong đời cầu thủ có phải là chuyến đi vào TP HCM để đá giao hữu với các đội bóng miền Nam năm 1976, một năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất? Ký ức và cảm xúc của ông về bàn thắng của mình mỗi khi được nhắc đến trong trận đấu đầu tiên giữa 2 miền Nam - Bắc?

- Đó là kỷ niệm đặc biệt nhất khi làm cầu thủ. Hồi đấy, tôi thi đấu cho Tổng cục Đường sắt, chúng tôi vô địch giải công nhân nên được Tổng Công đoàn lao động Việt Nam cử vào Nam thi đấu. Trong ký ức tôi trận đấu đó thiêng liêng lắm, tôi hồi hộp đến mức khó ăn khó ngủ lắm, sướng hơn đi nước ngoài. Đời cầu thủ không phải ai cũng được thi đấu những trận như thế.

Trận đấu đó với Cảng Sài Gòn, đá từ 5h chiều nhưng từ 11h, 12h trưa thì đã đông nghịt người, đến khoảng 16h thì khán giả đã tràn xuống cả đường pitse, gây ra cảnh tượng cao trào. Tôi may mắn khi là người ghi bàn thắng đầu tiên trong trận cầu lịch sử này. Đến bây giờ nó vẫn như là kỷ niệm khiến tôi tự hào nhất trong quãng đời cầu thủ của mình. Mục đích của chuyến đi là để phục vụ bà con, chúng tôi không quan trọng thắng thua, chỉ muốn trình diễn một lối bóng đá đẹp cho nhân dân thôi. Đấy là trận đấu mà khán giả miền Nam rất háo hức được tận mắt chứng kiến những cầu thủ đến từ miền Bắc bằng xương bằng thịt thi đấu.

Thậm chí, người dân miền Nam còn sờ chân tay, người chúng tôi và vô cùng ngạc nhiên khi những chàng trai Bắc Kỳ lại cao to, đẹp trai đến thế. Đó là trận đấu mà tôi đã ghi bàn mở tỉ số trong hiệp 1, anh Lê Thuỵ Hải là người ghi bàn trong hiệp 2 ấn định chiến thắng 2-0 cho đội Tổng cục Đường sắt Việt Nam.

Mặc dù là trận đấu diễn ra không đặt nặng tính ăn thua, thế nhưng bàn thắng đó đã mang lại nhiều ý nghĩa. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ chơi bằng sự cống hiến. Sau này khi được nghe kể và nhắc đến trận đấu như một niềm tự hào, chúng tôi mới càng thấm giá trị của trận cầu sum họp Bắc – Nam. Chúng tôi vào Nam không chỉ đá một hay hai trận ở TP HCM mà còn đi Tây Ninh, Cần Thơ Đồng Tháp. Vào Nam, chúng tôi đi đâu cũng được người dân tiếp đón nồng nhiệt.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt tặng hoa HLV Mai Đức Chung và các vị khách mời tham gia tọa đàm “Bóng đá nữ: Phía sau hào quang” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức sáng 22/2. Ảnh: Quang Vinh.

Cả trong sự nghiệp cầu thủ lẫn khi đã trở thành một nhà cầm quân, ông chưa bao giờ từ chối nhiệm vụ mình được giao phó. Và trong sự nghiệp của ông Chung “xe ca”, không thể không nhắc đến việc ông gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam. Cơ duyên nào đã đưa ông trở thành HLV dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam?

- Tại SEA Games năm 1997, Việt Nam lúc đó chỉ có 3 đội bóng nữ là TP HCM, Quảng Ninh và Hà Nội đá giao hữu với nhau, nhen nhóm từ Hoa học trò. Sau đó, Liên đoàn tập hợp lại và đang băn khoăn không biết ai sẽ làm HLV đội. Bác Lê Thế Thọ lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chọn tôi vì tính cách hiền lành, có chuyên môn. Lúc tôi nhận được cuộc gọi của bác thông báo rằng tôi sẽ làm HLV trưởng bóng đá nữ để tham dự SEA Games. Khi nghe lời đề nghị đó thì tôi cũng hơi bối rối và hững hờ vì từ trước đến nay toàn làm về bóng đá nam. Tôi tự nhủ trong đầu hay là mình thử sức, thử liều xem sao, thử xem cái mới nó thế nào, mình làm được không. Sau đó tôi quyết định làm, do cái máu nghề nghiệp nó ăn sâu vào rồi. SEA Games năm 1997, chúng ta kết thúc ở vị trí thứ 3, đó là một kết quả không tồi vì là lần đầu Việt Nam mình tham dự.

Trong chuỗi thành công 4 lần vô địch SEA Games của ông khi dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam thì năm nào để lại ấn tượng khó quên nhất?

- Đó là vào năm 2003, VFF mời tôi về làm SEA Game 2003 diễn ra tại nước ta. Tôi còn nhớ khi bước vào đầu giải đấu, khán giả không quan tâm đến bóng đá nữ nhiều. Vé được phân phát đến các trường học cấp 3 để lôi kéo học sinh tới sân làm khán giả chứ không bán được bao nhiêu. Vậy mà khi trận chung kết tới, khán giả ùa tới sân rất đông, còn xô đẩy hàng rào vào sân và giá vé lúc đấy bên ngoài được đẩy lên rất cao. Đó là một cảm giác rất đặc biệt vì lần đầu SEA Games được tổ chức ở ta.

Vậy còn tham vọng dự World Cup cho bóng đá nữ của Việt Nam có từ bao giờ, thưa ông?

- Cách đây 5-7 năm, FIFA đã có điều chỉnh các đội nữ tham dự bóng đá nữ thế giới. Lúc đấy chúng tôi cũng bàn bạc và quyết tâm. Vì đã làm việc với bóng đá nữ từ năm 1997, cho nên tôi hiểu tham vọng này hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, Việt Nam có rất nhiều thế và lực cho bóng đá nữ. Tuy nhiên, phải làm những gì để đạt được mong ước mới quan trọng.

Thực sự chúng ta nhìn lại những năm trước, tại Jogdan, chúng ta thua vòng loại. Đến lần này chúng ta có 20 vận động viên mắc Covid-19, 2 bác sĩ đi cùng cũng bị. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng quyết tâm cao, chúng tôi cũng đã có lộ trình và cố gắng từ trước và chúng ta cũng gặp may mắn rất nhiều.

Cảm xúc của ông đến lúc này như thế nào sau khi đội tuyển bóng đá nữ giành quyền tham dự vòng Chung kết World Cup?

- Đến bây giờ, tôi mỗi khi xem lại video khoảnh khắc trọng tài thổi còi kết thúc trận tâm trạng vẫn còn xúc động, quá tự hào về các cầu thủ bóng đá nữ. Có lúc chúng tôi nghĩ phải từ giã cuộc chơi vì vận động viên mắc Covid-19 quá nhiều, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải duy trì luyện tập. Công lao này không phải của riêng ai mà của cả tập thể, chúng tôi đã giành được tấm vé vào World Cup này. Nhờ có bóng đá nữ Việt Nam mới có ông Chung “gái” thành công và danh tiếng ngày hôm nay. Nhận được bao nhiêu thành quả ngọt ngào như vậy, tôi vui và hạnh phúc lắm.

Ông có thể nói thêm về giai đoạn khó khăn trên hành trình tiến tới World Cup?

- Chúng tôi đã từng tính chấp nhận thua Hàn Quốc và Nhật Bản để giữ lợi thế với Myanmar. Tuy nhiên BTC cho biết không thể thua liền 2 trận. Do đó đội đã phải nỗ lực hết sức để thi đấu. Hai trận mỗi trận thua 0-3, chúng ta có lợi hơn Myanma. Đá với Myanma, chúng ta đá hòa 2-2 chúng ta đi tiếp, Myanma bị loại. Chúng ta đã cố gắng và có kết quả.

Ông ứng xử với các cầu thủ nữ như nào để họ luôn tâm phục, khẩu phục và yêu quý mình đến vậy?

- Trong cuộc đời huấn luyện của tôi, đối với bóng đá nữ hết sức khó khăn và phức tạp so với nam giới. Cầu thủ nữ luôn có phần ghen tỵ với nhau, đôi khi còn nhiều hơn bóng đá nam. Đơn cử như tôi mà ưu ái một cầu thủ nào, có thể các cầu thủ khác sẽ không thích. Do đó, tôi luôn đối xử với các cầu thủ rất công bằng. Cần trao đổi, nói chuyện với ai, tôi sẽ nói luôn ở trên sân cho tất cả cùng thấy. Có những bạn mắc khuyết điểm, tôi đứng ở sân phê bình nhẹ nhàng, sau buổi tập luyện gọi bạn ấy ra nhắc nhở, không dùng quyền của HLV mạt sát VĐV. Mình làm công khai minh bạch, không giấu giếm.

Tôi luôn cố gắng đối xử với cả đội ai cũng như nhau. Đó là bài học tôi có được khi từng làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl. Từng buổi tập luyện tôi cũng học hỏi chuyên gia để đúc kết áp dụng cho công việc của mình, tôi cũng chăm lo từng tí như con như cháu tôi.

Đội tuyển nữ Việt Nam đến với World Cup sẽ cần bổ sung những điều gì, thưa ông?

- Để đạt được thành tích đã có rồi để giữ được thành quả càng khó hơn. Chúng tôi tạm thời quên đi, trước mắt chúng tôi củng cố lực lượng, duy trì. Trên bàn cờ, chỉ có tốt với tượng với tướng thì khó chống đỡ mà phải có quân. Trước mắt chúng tôi tổ chức lại lực lượng, chúng tôi đang đi tìm lực lượng vận động viên Việt kiều về tập luyện, kiểm tra, rà soát. Cái khó khăn trước mắt là phải giải quyết là nhập tịch.

Ngoài ra, chúng tôi bổ sung lực lượng trẻ của Hà Nội và Quảng Ninh. Có chế độ ăn hồi phục tốt để thi đấu. Trong năm nay chúng tôi sẽ tham dự 3 giải lớn vào tháng 5, tháng 7 và tháng 9. Đó là tiền đề để sang năm chúng tôi tham dự World Cup.

Những "cô gái kim cương" của bóng đá Việt Nam.

Đã từng là cầu thủ, là HLV CLB, ông có thể chia sẻ khi được mời đóng thế làm HLV trưởng tuyển Việt Nam khi HLV Hữu Thắng từ chức?

- Cái khoảnh khắc đó tôi nhớ cách đây 5 năm, năm 2017. Sau thất bại ở SEA Games năm 2017, HLV Hữu Thắng từ chức. Tuy nhiên lúc ấy VFF vẫn chưa tìm được HLV mới, mà lại vướng 2 trận đấu với Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019. Gọi khắp làng bóng đá nội chẳng ai dám nhận ghế, thứ nhất là vì sợ thất bại, thứ hai là vì tự ái. Ai lại đi cầm tạm 2 trận rồi phải đi như vậy?

Năm đó tôi vừa vô địch SEA Games với tuyển nữ, vừa chân ướt chân ráo về thì Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Lê Hùng Dũng gọi điện cho tôi, ngay sau đó anh Trần Quốc Tuấn cũng gọi điện nói đội tuyển nam không có HLV, mời anh làm HLV nốt cho 2 trận. Nói thật lúc ấy tôi cũng mệt và phải đắn đo suy nghĩ. Nhiều thứ làm tâm trạng tôi phải suy nghĩ. Bóng đá có thua có thắng không sao cả, mình cứ làm, tôi suy nghĩ vậy.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Tôi là đảng viên, luôn nhận những trách nhiệm mà Đảng giao phó, lúc quốc gia cần thì mình lên đường thôi, dù có khó khăn nữa thì cũng có sá gì. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng, tôi cũng chấp nhận. Cả đời tôi sống thế rồi. Đây là một vinh dự bởi không phải ai cũng được mời làm HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Phải là trường hợp đặc biệt mới được mời. Phải nói thẳng như thế. Là một người Đảng viên không thể không nhận nhiệm vụ này được. Mình phải làm vì bóng đá Việt Nam, vì trách nhiệm của mình.

Khi làm HLV trưởng tuyển Việt Nam, ông đã chịu nhiều áp lực từ một số lãnh đạo VFF khi gọi cầu thủ đã từng phạm sai lầm trước đó như Phí Minh Long, Mạc Hồng Quân và Anh Đức vậy ông có thể chia sẻ về quyết định này của mình?

- Trước khi nhận lời làm HLV trưởng tuyển Việt Nam tôi cũng đã phải mất thời gian để suy nghĩ mình làm sẽ được gì và mất gì? Tôi xem video, thấy cũng hơi sợ. Tôi phải cầm quân nếu không đưa được đội tuyển vào vòng trong thì mình cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi thấy mình được lợi nhiều hơn. Đây là vinh dự bản thân dù làm thì có được, có mất, có thể thành công, cũng có thể không thành công.

Thế nhưng mình dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại. Với nhiệt huyết của mình, với sự bỏ công sức của mình cho dù trong bóng đá có thắng, có thua và cả may mắn nữa nên tôi nghĩ kể cả nếu không thành công thì mọi người cũng sẽ thông cảm cho mình, không trách cứ gì mình. Tại sân Mỹ Đình mình thắng 5-0. HLV Park Hang Seo đã xuống bắt tay cảm ơn tôi. Thành công của tôi là tôi đã mời được Anh Đức về đá và ghi được bàn thắng quyết định vào AFF Cup 2008 sau này. Đó vẫn là niềm đam mê của tôi với bóng đá.

Gần đây ông đã nhận được lời đề nghị huấn luyện từ một đội nữ ở Bồ Đào Nha. Trước đó, ông cũng được các đội V-League chào mời với mức lương hàng trăm triệu mỗi tháng nhưng đều đã từ chối tất cả vì các học trò của mình có đúng không?

- Tôi luôn tâm niệm mình phải làm hết khả năng, đừng đứng núi này trông núi nọ. Tiền rất quý, nhưng tình cảm là thứ không thể mua được. Tôi xác định như thế. Các cầu thủ gọi tôi bằng bác. Tôi là người lớn tuổi nhất đội, có khi lớn hơn tuổi bố, tuổi mẹ của các em và các em rất tôn trọng tôi. Có bóng đá nữ mới có tên tuổi của HLV Mai Đức Chung. Tôi phải vì mọi người trước khi mọi người vì mình.

Ở V-League, có những CLB mời tôi, nhưng tôi không đi. Đồng lương có thể nhiều hơn so với huấn luyện đội nữ, nhưng tình cảm, đam mê nghề nghiệp của tôi đã có sẵn trong người rồi. Tôi không thể đi đâu được nữa, cứ gắn bó với đội nữ. Mức lương hoặc tiền bạc của nhà hảo tâm thì rất nhiều, nhưng phải đọng lại điều gì đó. Có khi nhiều chưa chắc đã tốt.

Ở V-League, tôi từng dẫn dắt Bình Dương, Thanh Hóa, Navibank Sài Gòn... Đãi ngộ cao đấy, nhưng thua 1, 2 trận có khi bị sa thải. Áp lực lớn, mà công việc không bền lâu. Tôi yêu quý các em các cháu, tôi không thể đi dù bên đó mức lương cao hơn. Nhiều khi lương cao chưa hẳn đã tốt. Lương cao nhưng chưa hẳn bền lâu. Tất nhiên áp lực dẫn dắt đội tuyển nữ cũng lớn, nhưng vì tình cảm mình dành trọn cho các em, các cháu rồi nên tôi muốn dành trọn cuộc đời cho các em, các cháu.

Ông là người luôn là người lên tiếng với sự trăn trở cùng niềm mong mỏi các nữ cầu thủ có được nguồn thu nhập ổn định giúp họ theo đuổi đam mê của mình và cả sau khi đã từ giã nghiệp quần đùi áo số khắc nghiệt. Vậy ông có mong ước gì cho các học trò sau khi họ giải nghệ?

- Tôi không có ước mơ gì ngoài việc các cầu thủ nữ có được công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định và mong muốn hơn nữa của tôi là các cháu có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm sau khi giải nghệ. Đi theo nghiệp đá bóng các cháu khổ lắm, phải hy sinh đủ thứ nhưng sau khi từ giã sự nghiệp, nhiều cháu không có được cuộc sống hạnh phúc, kinh tế ổn định.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ở V-League, có những CLB mời tôi, nhưng tôi không đi. Đồng lương có thể nhiều hơn so với huấn luyện đội nữ, nhưng tình cảm, đam mê nghề nghiệp của tôi đã có sẵn trong người rồi. Tôi không thể đi đâu được nữa, cứ gắn bó với đội nữ. Mức lương hoặc tiền bạc của nhà hảo tâm thì rất nhiều, nhưng phải đọng lại điều gì đó. Có khi nhiều chưa chắc đã tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    HLV Mai Đức Chung:  Đừng đứng núi này trông núi nọ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO