Hỗ trợ thời hậu Covid

Thanh Giang 10/04/2021 14:14

Giới chuyên gia cho rằng, sau dịch bệnh cần cân nhắc có các chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho hay, dịch Covid-19 tạo nên cú sốc cả về nguồn cung lẫn tổng cầu, hàng loạt thị trường rung lắc. Quy mô doanh nghiệp (DN) càng lớn thì chịu tác động xấu càng cao.

Điều này có thể lý giải, các DN có quy mô lớn thường là những DN hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế rộng rãi so với DN quy mô nhỏ. Vì vậy, DN lớn phải chịu tác động lan tỏa nhiều khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, một số ngành kinh tế có số DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, như hàng không, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống. Tiếp đến là các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô.

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ; giãn/hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ…Gói cho vay mới, tổng hạn mức khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1% - 2,5%/năm. Gói tài khóa (giãn thuế, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí) với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng. Gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho khoảng hơn 20 triệu lao động và đối tượng yếu thế…

Đó là điều rất cần thiết, tuy nhiên cộng đồng DN cho rằng rất quan trọng là cần tiếp tục tiếp tục hoàn thiện các hiệp định thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để minh bạch hơn nữa và tạo thuận lợi cho DN.

Tại hội thảo Công bố và lấy ý kiến “Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19”, ngày 8/4, giới chuyên gia cho rằng, thời gian qua Việt Nam thực hiện mục tiêu kép. Sau dịch bệnh cần cân nhắc có các chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hỗ trợ nên tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế thông qua chuỗi giá trị, ngành nguồn cung nội địa… Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo điều kiện cho DN, hộ gia đình tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Vì rằng, việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ đảm bảo cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế, mà còn đảm bảo việc làm cho người lao động và an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ thời hậu Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO