Hòa Bình quyết tâm xóa “điểm nóng” về tảo hôn

Hoàng Minh 01/12/2022 17:19

Với những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) - một “điểm nóng” của tình trạng tảo hôn đã và đang có những chuyển biến tích cực.

Theo tổng hợp của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, trong giai đoạn 2015 – 2020, trên địa bàn huyện Tân Lạc có 2.161 cặp kết hôn, trong đó có 123 cặp tảo hôn (vợ hoặc chồng tảo hôn). Riêng năm 2019, toàn huyện có 350 cặp kết hôn, có 4 cặp tảo hôn. Qua số liệu có thể thấy, số cặp tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm mạnh qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra, tập trung ở các xã vùng cao, vùng sâu của huyện. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Lạc có 5 trường hợp tảo hôn, xảy ra ở các xã: Ngổ Luông (2 trường hợp), Gia Mô (2 trường hợp), Quyết Chiến (1 trường hợp).

Tảo hôn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của cả nam, nữ và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh, trẻ sơ sinh đẻ ra thiếu cân hoặc dị dạng, dị tật. Cùng với đó, những cặp tảo hôn dễ xảy ra mâu thuẫn, tan vỡ hôn nhân do chưa có nhận thức đầy đủ. Cơ hội học hành, công việc cũng giảm sút dẫn đến hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ngoài ra, tảo hôn cũng dẫn tới chất lượng dân số thấp, đời sống dân sinh ảnh hưởng nghiêm trọng, mức sinh hoạt, thu nhập thấp. Mặc dù đã được chính quyền các cấp, ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhưng trên địa bàn huyện Tân Lạc tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, huyện Tân Lạc đã tổ chức một số hoạt động truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, cung cấp thông tin qua phát tờ rơi, tài liệu, pa nô, áp phích để tuyên truyền. Tổ chức tư vấn, thực hiện 2 mô hình can thiệp tại địa bàn 2 xã. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã chú trọng tổ chức các buổi truyền thanh tuyên truyền đến các thôn, xóm trên địa bàn. Mặc dù số trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm mạnh so với trước nhưng nguy cơ xảy ra vẫn cao. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những hệ lụy của việc kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, trường học để lồng ghép tuyên truyền. Đặc biệt, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa Bình quyết tâm xóa “điểm nóng” về tảo hôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO