Họa sĩ Đỗ Phấn: Cảnh báo của người làm nghề có sức nặng

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 24/10/2021 10:00

Theo họa sĩ Đỗ Phấn, các họa sĩ đương đại thì có nhiều cách để bảo vệ mình hơn. Nhưng cũng không thể tự bảo vệ mình đến mức tuyệt đối.

Họa sĩ Đỗ Phấn.

PV:Thưa ông, vì sao những năm gần đây rộ nên nạn tranh giả ngang nhiên ký tên các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam?

Họa sĩ Đỗ Phấn: Chẳng nói thì ai cũng biết. Quản lí nhà nước của ta quá yếu. Ở ta có ít nhất 2 cơ quan có nhiệm vụ quan sát việc này. Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VHTTDL).

Tranh giả giờ không chỉ công khai, gây nhức nhối giới mỹ thuật Việt Nam mà còn ngang nhiên trên các sàn đầu giá quốc tế? Điều này phản ánh câu chuyện gì thưa ông?

- Nó nói lên nhiều điều nhưng chỉ có một điều quan trọng nhất. Đó là chúng ta đang dần đánh mất chủ quyền của mình trong lĩnh vực bản quyền. Chỉ có một chàng J.F.Hubert làm chuyên gia cho mấy nhà đấu giá danh tiếng mà ta cũng không trị nổi. Đơn giản chỉ cần có một thông báo cho các sàn đấu giá quốc tế về những “thành tích” sản xuất tranh giả của anh ấy thôi cũng không làm nổi. Thậm chí cấm cửa anh ấy vào Việt Nam tổ chức sản xuất thôi cũng không làm được. Lỗ hổng trong quản lí nhà nước như vậy là quá lớn. Sự thiếu trách nhiệm này có thể gọi tên cả một cơ quan. Thậm chí gọi đích danh lãnh đạo các cơ quan ấy cũng không khó.

Theo quan sát của ông, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã khi nào lên tiếng chính thức phản đối các sàn đấu giá tranh giả ký tên họa sĩ Việt Nam chưa?

- Chưa bao giờ thấy. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại. Cả 2 cơ quan này đều không có chế tài trong tay. Họ có lên tiếng thì cũng như cá nhân tôi từng lên tiếng nhiều lần mà thôi.

Chuyện đưa các tác phẩm kém chất lượng nghệ thuật nhưng “đánh tráo” là tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy thế hệ Kháng chiến, Đông Dương ảnh hưởng như thế nào tới mỹ thuật Việt Nam và cái nhìn của quốc tế với mỹ thuật Việt Nam, thưa ông?

- Tôi không đánh giá cao các bậc thầy Đông Dương hay Kháng chiến đến mức cực đoan. Tuy nhiên cũng phải công bằng mà nói rằng thành công của họ là những bước mở đầu cho cả một nền hội họa của đất nước. Không có họ thì đất nước chúng ta hiện giờ vẫn còn phải chơi tranh dân gian hoặc tranh Bờ Hồ. Và chẳng biết bao giờ mới tiếp cận được với hội họa hàn lâm thế giới. Việc các tác phẩm của họ bị làm giả trà trộn vào thị trường là một câu chuyện hết sức nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình họ mà còn ảnh hưởng lớn đến cả một nền nghệ thuật của chúng ta. Chúng ta đang mang một tiếng xấu khó bề gột rửa là nơi sản sinh ra những tác phẩm giả tạo. Và đương nhiên là mang cả tiếng xấu sở hữu nâng niu nó. Không chỉ có thế, các giá trị to lớn của tác phẩm những thế hệ ấy đang phải chịu một đánh giá thiếu công bằng. Như trường hợp của họa sĩ Bùi Xuân Phái chẳng hạn. Tranh của cụ đột nhiên mất giá trên thị trường cũng chính bởi sự giả mạo này.

Theo ông, các họa sĩ đương đại Việt Nam cần và nên làm gì trước vấn nạn này?

- Việc đầu tiên là phải lên tiếng. Cảnh báo của những người làm nghề tôi tin là có sức nặng. Thế nhưng chuyện này cũng khó. Việc lên tiếng của chúng tôi cũng chỉ dựa vào cảm tính và sự thẩm thấu cá nhân mà thôi. Không có bất cứ một phương tiện nào trợ giúp. Nhiều khi có người mang một bức tranh giả đến hỏi tôi thì tôi cũng chỉ dám nói những nghi vấn của mình mà không dám kết luận chắc chắn. Tuy nhiên bức tranh đó đẹp xấu thế nào thì mình có thể nhận xét chính xác.

Vậy còn từ phía gia đình của các họa sĩ, có cần phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn khi thấy một sàn đấu giá đưa ra một bức tranh giả, ký tên người thân của mình?

- Theo chỗ tôi được biết thì gia đình các họa sĩ cũng chưa bao giờ có động thái quyết liệt nào về vấn đề này. Đơn giản như một cái đơn khởi kiện một ai đó buôn bán đồ giả là tác phẩm nghệ thuật cũng chưa bao giờ có. Điều đó nói lên một việc là ngay cả những người thân của họa sĩ cũng có một cái gì đó chưa chắc chắn lắm với nhận định của mình. Họa sĩ qua đời chưa thấy ai liệt kê nổi một danh sách tranh của mình đã từng được bán ở đâu, cho ai? Gia đình của họ lại càng không thể nắm vững. Câu chuyện pháp lí đòi hỏi những bằng chứng chính xác.

Các họa sĩ đương đại thì có nhiều cách để bảo vệ mình hơn. Nhưng cũng không thể tự bảo vệ mình đến mức tuyệt đối. Nghĩa là chính họ cũng đang bị làm giả dù còn đang sống sờ sờ. Tất cả hiện cũng chỉ đang nương nhờ vào dư luận mà thôi. Cho nên tôi vẫn cứ trông đợi vào sự lên tiếng của chính họ. Dù có thể không hoàn toàn chính xác thì cũng là một cảnh báo quan trọng.

Trân trọng cảm ơn họa sĩ Đỗ Phấn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Đỗ Phấn: Cảnh báo của người làm nghề có sức nặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO