Khi đã coi là hàng hóa, mục tiêu giáo dục sẽ ảnh hưởng

Huyền Trang (thực hiện) 21/12/2017 17:30

Trường học là thực thể đặc biệt, nơi thể hiện tập trung và sâu đậm tính chất “công” và triết lý nhân văn gần như là lý tưởng. Nếu trường học không phải là biểu tượng của nhân văn và chính nghĩa xã hội, xã hội sẽ còn lại gì và sẽ đi về đâu?

Khi đã coi là hàng hóa, mục tiêu giáo dục sẽ ảnh hưởng

Thầy Nguyễn Quốc Vương.

PV: Theo anh điều khác biệt lớn nhất của thế hệ học trò ngày nay đến trường với thế hệ anh ngày xưa đi học là gì? Có phải là sự chọn lựa môi trường học hay không?

Thầy Nguyễn Quốc Vương: Có rất nhiều sự khác biệt nhưng có lẽ khác biệt nhất là môi trường bao quanh đã thay đổi hoàn toàn. Thế hệ chúng tôi khi học tiểu học là sống trong các đại gia đình nhiều thế hệ. Xã hội địa phương (làng xã) vẫn còn và duy trì các đặc tính của nó khá đậm đặc. Chúng tôi có đồng cỏ để thả trâu, có chuồn chuồn, đom đóm để bắt, có sông để tắm, có muỗm để nướng… Bây giờ học sinh khó có thể có được điều này. Các em phần lớn sống trong các “gia đình hạt nhân” chỉ có bố mẹ. Mối liên hệ giữa gia đình các em với hàng xóm, xã hội địa phương không còn nữa vì thế môi trường giáo dục thu hẹp lại ở gia đình và nhà trường mà thôi. Thế hệ chúng tôi cũng là thế hệ không có nhiều lựa chọn ở nhiều phương diện: chúng tôi không có nhiều thậm chí không có sách để đọc, không có internet, không có máy tính, không có xe đạp để đi (tôi vào cấp 3 mới được sở hữu một chiếc xe đạp), không có quà sinh nhật… Còn bây giờ học sinh lại có quá nhiều lựa chọn. Mỗi cái có cái hay và dở riêng. Khi không có lựa chọn, người ta không có cơ hội để có được lựa chọn tốt nhất nhưng người ta lại dễ chú tâm và tập trung năng lượng vào những việc thiết yếu. Trái lại khi có quá nhiều lựa chọn thì người ta lại bị phân tán và giảm sự tập trung. Có lẽ thế hệ của chúng tôi là thế hệ hồn nhiên nhưng đói khát còn thế hệ học sinh hiện nay thì năng động nhưng lại dễ rơi vào cảnh hoang mang.

Ngày nay, báo chí và kể cả những người làm trong ngành giáo dục nhắc nhiều về tính cạnh tranh giữa các nhà trường, gọi học trò là “sản phẩm”, coi giáo dục là “hàng hóa”, với mức học phí cao thì được học ở trường với chất lượng cao hơn... Theo anh như thế mối quan hệ của thầy và trò có bị ảnh hưởng không?

- Tất nhiên là có. Tôi đi làm bằng xe buýt hàng ngày. Tôi cũng là người ăn mặc thoải mái nên nhiều người không nghĩ tôi là giáo viên vì thế trên xe tôi có thể nghe được rất nhiều câu chuyện một cách khách quan của học sinh, phụ huynh, người dân về ngành giáo dục, về trường lớp về thầy cô. Có những câu chuyện nó trần trụi quá tôi không dám kể ra đây. Xu hướng coi trường học là doanh nghiệp và học sinh là khách hàng không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều nước khác. Ví dụ như ở Nhật, nơi tôi từng học cũng có xu hướng này. Tuy nhiên, ở Nhật người ta đã cảnh báo về những rủi ro hệ lụy của xu hướng tư duy tuyệt đối hóa điều đó. Trường học là thực thể đặc biệt, nơi thể hiện tập trung và sâu đậm tính chất “công” và triết lý nhân văn gần như là lý tưởng. Nếu trường học không phải là biểu tượng của nhân văn và chính nghĩa xã hội, xã hội sẽ còn lại gì và sẽ đi về đâu?

Nếu coi học sinh là hàng hóa thì khi nào hàng hóa đó trở thành hàng hóa thành phẩm khi sản phẩm giáo viên tạo ra là con người-sinh vật có tính xã hội cao và vô cùng phức tạp? Giáo viên có phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình ngay cả khi học sinh đã trở thành người trưởng thành-người có nhân cách, tư tưởng được tạo ra nhờ một phần ảnh hưởng của giáo dục trường học hay không? Hay khi nhận lương, làm cho học sinh đỗ tốt nghiệp hay đỗ vào đại học là “hợp đồng” chấm dứt?

Như vậy việc dạy đạo đức cho học sinh hôm nay phải hiểu và nên làm theo cách nào?

Khi tôi học ở Nhật tôi đã choáng váng khi thấy người Nhật đặt ra các câu hỏi “Đạo đức có dạy được không? Phải chăng giáo viên dạy đạo đức là người có đạo đức cao hơn, toàn vẹn hơn các học sinh?”. Nếu như vậy thử hỏi có bao nhiêu phần trăm người lớn dám và đủ tự tin giảng về đạo đức cho thế hệ trẻ?

Ở một khía cạnh khác đạo đức bị biến thành thứ tuyệt đối. Đó là khi nhà trường đánh giá hạnh kiểm của học trò dựa trên việc tuân thủ nội quy. Đạo đức (hạnh kiểm) tốt xấu không thể được đoán định một cách giản đơn như vậy. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh phải dựa trên việc làm cho học sinh có kinh nghiệm xã hội và sự hiểu biết phong phú. Sự giáo huấn từ phía trên sẽ không có tác dụng khi nhận thức xã hội và kinh nghiệm xã hội của học sinh không được mở rộng, làm sâu sắc và đặc biệt trong bối cảnh học sinh nhìn thấy những hiện tượng trái ngược với những lời giáo huấn tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày.

Đạo làm thầy và đạo làm trò ngày xưa và ngày nay có gì khác nhau không? Và đạo ấy nên được thể hiện như thế nào cho đúng?

- Thời đại khác nhau đương nhiên mối quan hệ thầy trò cũng sẽ có sự khác nhau mang đặc trưng của thời đại. Trước kia tính dân chủ trong mối quan hệ này thấp. Người thầy hiện diện như một thực thể nắm quyền lực và quyền uy tuyệt đối. Tuy nhiên giờ đây thầy-trò phải là mối quan hệ tương kính, tôn trọng lẫn nhau. Trò kính trọng thầy nhưng thầy cũng phải tôn trọng trò, coi trò như một cá nhân có cá tính, cảm xúc… Sự kính trọng của học trò dành cho thầy muốn bền vững phải dựa vào quyền uy của người thầy chứ không phải là quyền lực. Người thầy hiện nay đang bị thử thách bởi điều đó. Đạo thầy trò theo tôi hiểu là sự tương kính lẫn nhau dựa trên sự tôn trọng, cảm thông và chia sẻ con đường tiếp cận chân lý và có thể là cả triết lý sống. Một người thầy có trí tuệ, có phẩm cách sẽ vẫn có ảnh hưởng lớn đến nhân sinh quan, thế giới quan của học trò cho dù giờ đây người thầy không còn giữ địa vị độc tôn về tri thức nữa. Trò có thể học từ internet, từ bạn bè, từ cuộc sống, từ sách vở…. Nhưng vai trò tổ chức, hướng dẫn, gợi cảm hứng của người thầy vẫn rất lớn.

Đối với riêng tôi, một người hay đãng trí không mấy khi nhớ được các học trò khi các em đã ra trường thì một lời chào của các em khi vô tình gặp cũng đủ thể hiện “đạo thầy trò”. Với tôi, hạnh phúc nhất đối với người thầy dạy môn xã hội là thấy ở đâu đó học sinh mình từng dạy say mê lao động, sáng tạo, hoạt động xã hội để cải tạo xã hội, cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng sao cho nó ngày một tốt đẹp hơn. Người học trò tốt đối với tôi là người học trò có cho mình lý tưởng riêng và tận tâm thực hiện lý tưởng ấy.

Trân trọng cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi đã coi là hàng hóa, mục tiêu giáo dục sẽ ảnh hưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO