Khơi thông nguồn lực đầu tư công – Bài 2: Chậm giải ngân vốn đầu tư công, vì sao?

T.Hằng – P.Vân 11/05/2023 07:05

Việc phân bổ vốn cũng như giải ngân vốn đầu tư công trong nhiều năm trở lại đây chưa đạt kết quả như kỳ vọng, Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị, giải pháp gửi tới các bộ, ngành, địa phương để đốc thúc công tác này, sớm đưa nguồn vốn đầu tư công đi vào cuộc sống để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các địa phương đang nỗ lực với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Hàng loạt địa phương giải ngân chậm

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/3/2023, còn 27/49 bộ, cơ quan trung ương và 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Kết quả này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 11,03% kế hoạch và đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn nhưng tại nhiều địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm kéo theo công tác giải ngân vốn đầu tư công của toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, tại 4 địa phương: Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng chính phủ giao là trên 31,4 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết của 4 địa phương là trên 41,7 nghìn tỷ đồng. Vậy nhưng, sau 4 tháng, kết quả giải ngân tại 4 địa phương này có tỷ lệ thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó tỉnh Đắk Nông đạt 12,07%, ước 4 tháng đạt 18,61%. Gia Lai đạt 4,36%, ước 4 tháng đạt 13,82%. Đồng Nai đạt 8,95%, ước 4 tháng đạt 12,57%. Bình Dương đạt 9,37%, ước 4 tháng đạt 14,64%.

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm được các địa phương đưa ra, là do những khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện.

Đồng Tháp là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, song ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chia sẻ, có rất nhiều khó khăn trong giải ngân vốn. Trong đó phải kể đến tâm lý sợ sai của một bộ phận nhà thầu, doanh nghiệp, kể cả cơ quan quản lý…

Nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công thực chất vẫn xoay quanh các “điệp khúc”: khó giải phóng mặt bằng, giá vật tư nguyên liệu tăng nhanh… Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao có tỉnh giải ngân đúng theo yêu cầu, lại có tỉnh giải ngân chậm?

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những vướng mắc hiện tại là do "chúng ta tự mình đem đá buộc chân mình”. Theo đó, vướng mắc hiện nay có 2 vấn đề nằm ở công tác chuẩn bị đầu tư và việc thực hiện đầu tư. “Ví dụ trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là khi có tiền mới được lập dự án đầu tư. Vậy khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án thì 2 năm sau mới giải ngân được" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững…

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Tài chính nêu: “Theo quy định tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các Hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. Việc này không có vấn đề gì khó khăn hết".

Tiêu chí quan trọng cho kinh tế địa phương phát triển

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều nhận định, đầu tư công chính là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Theo ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, tỉnh luôn coi đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để thúc đẩy kinh tế, đóng vai trò dẫn dắt đầu tư ngoài quốc doanh nên phải đặt ra nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả.

Còn tại Quảng Ninh, trao đổi với báo chí, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ được Quảng Ninh xác định là trọng tâm, trọng điểm, làm động lực cho phát triển các ngành kinh tế, góp phần giữ vững đà tăng trưởng năm 2023. Vì thế, các đơn vị, địa phương cần tập trung phối hợp giải quyết các vướng mắc khó khăn; thực hiện rà soát, có giải pháp đối với từng dự án cụ thể. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới; tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất tại các địa phương để đảm bảo nguồn vốn...

Ông Huy yêu cầu cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên tổ công tác trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các đơn vị nhà thầu cố tình chây ỳ.

Lãnh đạo nhiều địa phương cũng kiến nghị, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cần giải quyết những vướng mắc về giá nguyên vật liệu, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng...

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương về các giải pháp liên quan đến lập kế hoạch, phân bổ vốn, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng và giá nguyên vật liệu…

Trong công văn gửi các địa phương chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính về tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trong đó, cần rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân (nhất là các dự án đến nay có số giải ngân bằng 0) để phân bổ đủ kế hoạch vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 còn thiếu vốn; khẩn trương phân bổ chi tiết hết số vốn kế hoạch năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các dự án để không ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn.

Đốc thúc việc giải ngân

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương cũng như bộ ngành đang lên kế hoạch thực hiện rất sát sao. Trong tháng 1/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%). Tính đến hết tháng 1/2023, Bộ GTVT đã giải ngân được 1.700 tỷ đồng (chiếm 1,81% kế hoạch vốn).

Theo Bộ GTVT, để giải ngân hết số vốn này trong năm 2023, trung bình mỗi tháng, Bộ phải giải ngân được 8.000 tỷ đồng. Do đó, Bộ đã dồn lực cho công tác này ngay từ đầu năm đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phải đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để có được kết quả tốt nhất.

Tại Ninh Bình - một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước trong năm 2022, UBND tỉnh cho biết, vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đối với các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác gồm 13 người do Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, tiến độ giải ngân các nguồn vốn năm 2023 của các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Hà Nội - địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn, cũng thể hiện quyết tâm giải ngân hết số vốn được giao khi kết thúc năm 2023 với những giải pháp quyết liệt. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án...

TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công. Vì quy mô vốn ngân sách nhà nước năm nay có quy mô lớn nhất, nhiều dự án quan trọng đã cơ bản hoàn thành khâu thủ tục và được phân bổ vốn, hiện chỉ còn tập trung vào khâu thực hiện nên có thể hy vọng tốc độ giải ngân sẽ tích cực hơn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông nguồn lực đầu tư công – Bài 2: Chậm giải ngân vốn đầu tư công, vì sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO