Không tận dụng tái chế tro xỉ: Lãng phí nguồn nguyên liệu

Minh Phương (thực hiện) 04/12/2016 09:15

Không tái sử dụng mà lại thải ra một lượng lớn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường, đó là vấn đề đang gây đau đầu các nhà quản lý trước thực trạng các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất thải ra môi trường hàng chục tấn tro xỉ, tro bay mỗi năm. Làm sao để tận dụng được hàng chục tấn chất thải đó phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, lại góp phần làm sạch môi trường, tránh lãng phí đất đai, TS. Lương Đức Long – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng đã trao đổi về vấn đề này.

PV: Tại sao ở các quốc gia khác, nguyên liệu thải ra từ các nhà máy nhiệt điện được sử dụng 80 – 90%, trong khi ở nước ta mới chỉ được sử dụng khoảng 10%, còn lại là chôn lấp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Theo ông, tại sao hiện nay chúng ta chỉ sử dụng được ít như vậy ?

Ông Lương Đức Long: Tôi cho rằng, nếu so sánh việc tái sử dụng phế thải của nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất ở nước ta thời điểm hiện nay với một số nước khác trên thế giới là không ăn nhập lắm. Các nước khác đã phát triển nền công nghiệp cách đây 50 – 60 năm, các vấn đề hiện nay nước ta đang gặp phải thì các nước khác cũng đã từng gặp cách đây khá lâu. Trải qua một quá trình mày mò, nghiên cứu đến nay các nước trên thế giới đã tìm ra được giải pháp tốt hơn nước ta.

Cho nên phế thải của họ được sử dụng nhiều hơn. Thứ hai, ở nước ngoài, người dân, DN khi tái sử dụng các chất phế thải là họ đã biết rất rõ cơ chế sử dụng ra sao, tác dụng của nó thế nào và khi sử dụng, họ được lợi ích gì. Tôi lấy ví dụ ở Nhật Bản cứ sử dụng 1 tấn tro bay để tái chế sản xuất bất cứ loại vật liệu xây dựng nào cũng sẽ được nhận hơn 30USD/1 tấn. Ngoài ra khi sản xuất vật liệu tái chế sẽ được dán nhãn xanh, dễ bán hàng hơn và được Nhà nước vinh danh.

Trong khi đó ở nước ta không phải nhà sản xuất nào, doanh nghiệp nào cũng biết là phế thải có thể dùng thay thế nguyên liệu tự nhiên để tạo ra sản phẩm. Không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách dùng cho hữu ích và điều quan trọng là khi họ tái sử dụng các nguyên liệu đó, họ chưa thấy lợi gì. Cụ thể ở đây là, khi tái sử dụng tro bay, doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền ra mua;

Thứ hai, sử dụng vật liệu có nguyên liệu tái chế hiện nay chưa có cơ chế, người dân chưa ý thức được rằng hai vật liệu giống nhau nhưng vật liệu nào sử dụng nguyên liệu tái chế là doanh nghiệp đó có trách nhiệm với xã hội và có trách nhiệm với môi trường, để từ đó, cùng 1 giá thì người dân sẽ mua vật liệu có nguyên liệu tái chế. Điều thứ ba nằm ở điểm khác biệt giữa Việt Nam và thế giới. Chẳng hạn tro bay, than antraxit rất khó đốt, khi nhà máy nhiệt điện thải ra than thì tro bay vẫn còn lượng than chưa cháy lớn, dao động lúc cao lúc thấp. Việc tái chế để ra tro bay đủ tiêu chuẩn sử dụng hiện nay rất ít cơ sở làm. Đồng thời các cơ sở sản xuất đó cũng phải đi mua tro bay của nhà máy nhiệt điện, chi phí cho công nghệ tái chế cao cho nên giá bán ra cao. Mặt khác, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay đang được khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách thoải mái, chi phí rẻ. Đó là lý do DN ít sử dụng nguyên liệu tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện.

Ông đánh giá thế nào về công nghệ xử lý tro bay trong sản xuất vật liệu xây dựng không nung hiện nay của một số doanh nghiệp ở Việt Nam?

- Từ khoảng năm 2005 – 2010, quanh nhà máy nhiệt điện Phả Lại đã có 5,6 cơ sở sản xuất tro bay để làm bê tông đầm lăng cho thủy điện Sơn La, yêu cầu về tro bay thời điểm đó rất cao, theo tiêu chuẩn Mỹ. Do vậy, tất cả các cơ sở sản xuất tro bay đều xử lý để đáp ứng yêu cầu của thủy điện Sơn La. Sau khi thủy điện Sơn La xây dựng xong, các đập thủy điện lớn được xây dựng ít đi, do đó một số cơ sở sản xuất tro bay giải thể. Hiện nay chỉ còn 2 – 3 cơ sở sản xuất tro bay. Do lượng người sử dụng không nhiều, nhu cầu thấp nên ít DN đầu tư vào việc tái chế.

Ngoài ra, có những DN đầu tư vào thấy không có lợi nên họ thôi không đầu tư. Hiện nay, nước ta đã có tiêu chuẩn quy định chất lượng tro xỉ, tro bay phải đảm bảo mới được sử dụng vào các sản phẩm khác nhau, ví dụ: Với xi măng, lượng than trong tro bay phải dưới 6%, đối với tiêu chuẩn quy định ở gạch lại khác, bê tông có cốt thép khác và bê tông không có cốt thép khác. Tuy nhiên, việc kiểm soát tiêu chuẩn đó hiện nay vẫn còn buông lỏng. Đó cũng là lý do khiến việc tái chế tro xỉ không hấp dẫn được các nhà đầu tư.

Gạch không nung từ tro xỉ của Nhiệt điện Cao Ngạn được thị trường ưa chuộng.

Được biết, Chính phủ đã có chương trình phát triển thay thế vật liệu nung, song đến thời điểm này, thị trường vẫn chủ yếu tồn tại các sản phẩm vật liệu nung. Lý do vì sao, thưa ông?

- Chính phủ đã có chương trình phát triển thay thế vật liệu nung. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2015, toàn quốc phải sử dụng 25% vật liệu xây dựng (VLXD) không nung thay cho vật liệu nung. Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện VLXD, lượng VLXD không nung được sử dụng năm 2015 để thay thế vật liệu nung chỉ khoảng 18%. Mặc dù tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất VLXD không nung đã đạt 25% nhưng do không bán được hàng nên chỉ sản xuất ở mức 17 – 18%. Nguyên nhân chính là do thị hiếu, thói quen tiêu dùng, người dân vẫn thích dùng gạch đỏ. Thứ 2, việc sản xuất VLXD không nung chủ yếu theo hướng tự phát. Có nghĩa là, ngoài một số DN lớn đầu tư dây chuyền đủ tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát từ khâu nguyên vật liệu đầu vào cho đến đầu ra, còn lại, rất nhiều DN nhỏ, hộ gia đình sản xuất máy móc thiết bị không đồng bộ, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường vật liệu xây dựng không nung.

Vậy theo ông, chúng ta cần có giải pháp, cơ chế gì để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý tro xỉ từ phát thải nhà máy nhiệt điện, thưa ông?

- Tôi cho là, để thu hút được DN vào lĩnh vực này, cần phải cho họ nhìn thấy được những lợi ích khi đầu tư. Và như vậy, rất cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa, chẳng hạn chính sách giảm thuế hoặc ưu đãi đất đai. Hiện nay, cơ chế chính sách của ta có, nhưng mới ở tầm vĩ mô còn cụ thể chi tiết để cho nhà đầu tư được hưởng lợi trong đó còn khá hạn chế. Như vậy, rất khó hấp dẫn DN. Vì nhà kinh doanh nào mà không muốn có lợi nhuận cao trong kinh doanh… Đối với cơ sở phát thải cần có phí để trả cho người sử dụng, đầu tư xử lý vật liệu đó. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao chế tài để hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên nếu như nó đã có phế thải công nghiệp có thể thay thế được.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không tận dụng tái chế tro xỉ: Lãng phí nguồn nguyên liệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO