Dù chưa nhận được thông báo vi phạm, hoạt động xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường nhưng thanh long Việt Nam đang bị cơ quan chức năng tại Anh đề xuất tăng tần suất kiểm tra từ mức 20% lên 50%. Từ câu chuyện này, giới chuyên gia nông nghiệp cảnh báo cần tăng cường kiểm soát chặt chất lượng nông sản nhằm nâng cao uy tín đảm bảo xuất khẩu bền vững là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Nông sản vẫn bị trả về
Với trái thanh long đang gặp khó ở thị trường Anh, có ý kiến giải thích phía đối tác dựng các hàng rào kỹ thuật bảo vệ hàng nội khối để tiêu thụ hàng trong khối của họ. Tuy vậy, sự việc cũng phần nào tác động đến tâm lý thị trường. Bởi vậy, cũng cần nhìn lại thực trạng nông dân bón phân và phun thuốc trừ sâu vượt mức cho phép dẫn tới việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều loại nông sản bị trả về, thậm chí cấm xuất khẩu.
Mới đây, tại tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn chứng: Có khoảng 200 container sầu riêng bị phía Trung Quốc trả lại. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho Bộ NNPTNT về tình trạng vi phạm việc thực hiện mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thông báo, nếu vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cấm vĩnh viễn luôn chứ không phải đóng cửa tạm thời để khắc phục.
Như ngày 7/4 vừa qua, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ra thông báo sẽ ngừng bán và thu hồi sản phẩm ớt của Việt Nam sau khi kiểm tra và phát hiện ớt Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Hàn Quốc đạt 3,79 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.
Trước đó, một số đơn hàng xuất khẩu thanh long của nước ta sang Thái Lan bị trả lại do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này. Campuchia cũng trả lại lô hồ tiêu do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Định hướng công tác chất lượng, chế biến gắn với phát triển thị trường nông lâm sản, thủy sản" ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin: Giám sát chất lượng nông sản 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy 8.164 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, phát hiện 183 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 2,24% (cùng kỳ năm 2022 là 3,6%; năm 2021 là 5,37%)…
Đề cập về công tác kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu, ông Phong cũng cho hay các cơ quan chức năng của Bộ chủ quản đã thực hiện thẩm tra, kiểm tra, chứng nhận trung bình 100.000 lô/1.400.000 tấn hàng thủy sản xuất khẩu đi các thị trường (tăng 1,5% so với trung bình năm giai đoạn 2017-2019); đã lấy mẫu kiểm nghiệm trung bình 31.000 lô/năm, phát hiện khoảng 0,5% số lô không đạt yêu cầu về chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Theo ông Phong, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến nâng cao chất lượng cho phát triển thị trường nông lâm thủy sản như: Tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế chưa cao. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, thiếu sáng tạo, đổi mới.
Những dẫn chứng cho thấy tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan của một bộ phận nông dân nước ta vẫn còn diễn ra. Hậu quả không chỉ khiến xuất khẩu nông sản gặp khó, uy tín hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới bị suy giảm mà nhiều hệ luỵ khác đang đe dọa như một nền nông nghiệp thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Gỡ rào cản thế nào?
Liên quan đến dư lượng hóa chất trong nông sản, theo thông tin từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), mới đây Ủy ban châu Âu (EU) đã đưa ra quy định mới về mức dư lượng tối đa (MRL) về dư lượng hóa chất có trong thực phẩm. Quy định có hiệu lực từ ngày 26/9/2023 và áp dụng trên các sản phẩm nông sản như: rau, củ quả tươi và đông lạnh, nhóm các loại hạt như: hạt điều, cà phê… Đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường này.
Như vậy, rào cản xuất khẩu xuất hiện ngày càng nhiều. TS Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết: Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu có quy định cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đồng thời áp dụng quá trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nông sản nhập khẩu không có virus gây bệnh. Như mặt hàng gạo, dù gạo Việt đã được xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, nhưng vẫn chưa xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc do chất lượng gạo chưa ổn định, trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao, quy trình sản xuất và chế biến phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đạt chứng nhận quốc tế. “Nông sản Việt Nam đang có nguy cơ chịu thuế cao vì sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản. Nông sản Việt sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước, gồm những yêu cầu khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”- TS Trần Thị Thu Huyền khuyến nghị.
Góp tiếng nói từ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Duy Thuận- Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đề xuất: Nông dân phải đăng ký mã số vùng trồng để có thể tổ chức sản xuất lớn và truy xuất được nguồn gốc nông sản. Vẫn có tình trạng nông dân sử dụng các chất cấm hoặc không tuân thủ quy trình phun xịt hóa chất dẫn đến dư lượng hóa chất cao hơn quy định mà không có đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi đưa ra thị trường. Cần truy xuất được nguồn gốc nông sản khi có sự cố xảy ra.
Trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và thứ hai khu vực Đông Nam Á. Giá trị xuất khẩu nông – lâm - thủy sản đạt 53,22 tỷ USD trong năm 2022 (11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD). Tới nay, Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Với những lợi ích như ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường sẽ đầu tư vào ngành nông nghiệp nước ta. Không ít doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp nội địa. Nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam kiến nghị, phải nâng cao chất lượng sản phẩm, để nông lâm thủy sản nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. “Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thanh tra, điều tra xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng như sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm sản, thủy sản và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, định hướng tới của ngành nông nghiệp là sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Nâng mức kiểm tra sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu
Chừng nào thị trường Anh cấm Việt Nam xuất khẩu thanh long thì mới vi phạm, nhưng họ không cấm mà chỉ nâng mức kiểm tra với lý do có dư lượng thuốc trừ sâu tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe người tiêu dùng. Tôi cho rằng, đây là cách thức mà phần lớn các nước có FTA dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước. Theo tôi, con số xuất khẩu sang thị trường Anh khoảng gần 200 tấn (năm 2022) là khá khiêm tốn so với sản lượng thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Việc này cũng có thể tác động theo hiệu ứng domino đến các thị trường xuất khẩu khác.
Chúng tôi đang phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam làm công văn xin đề nghị họ giữ nguyên tần suất kiểm tra 20% và nếu được thì giảm xuống nữa, vì nếu đưa lên tỷ lệ kiểm tra 50% thì chắc chắn không doanh nghiệp nào xuất khẩu được. Thị phần của thị trường Anh không lớn đối với ngành rau quả nói chung và thanh long nói riêng. Tuy nhiên, việc nước này dự kiến nâng tần suất kiểm tra thanh long gây tác động tâm lý lên thị trường. Nếu tần suất kiểm tra nâng lên 50%, coi như Việt Nam mất thị trường Anh bởi thanh long sau khi kiểm tra phải bỏ đi, chưa kể thời gian kiểm tra khiến sản phẩm xuống phẩm chất. Điều này đẩy giá thành thanh long tại Anh lên rất cao, hàng Việt rất khó cạnh tranh.
Cái khó của thanh long Việt Nam tại châu Âu nói chung và Anh nói riêng là Tây Ban Nha cũng trồng được loại cây này nên sẽ có những rào cản được dựng lên, gây khó khăn cho sản phẩm nhập khẩu.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT): Rà soát, loại bỏ các hoạt chất độc hại
Không thể chối bỏ vai trò của thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực nhưng nếu không sử dụng đúng cách, lạm dụng nó thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Mọi giải pháp mà Cục, các địa phương, doanh nghiệp... đều hướng đến loại bỏ hoạt chất độc hại, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Cục tiếp tục đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà khoa học… để có giải pháp tổng thể trong phát huy vai trò của thuốc bảo vệ thực vật cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ, tác hại của nó để nâng cao giá trị nông sản, hướng tới phát triển bền vững.
Thời gian tới, Cục sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký, sản xuất, buôn bán, sử dụng, kiểm soát dư lượng trong nông sản, thu gom và xử lý bao bì sau sử dụng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, loại bỏ các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái để loại bỏ khỏi danh mục theo quy định. Khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các biện pháp truy xuất nhanh nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật lưu thông qua hệ thống QR code, công nghệ 4.0 như: bẫy đèn, viễn thám, dự tính dự báo, máy bay không người lái… trong sản xuất nông nghiệp.