Kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và không dừng ở lời nói

Tuấn Việt 25/06/2017 15:00

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác đầu tư và phát triển”, diễn ra ngày 25/6, tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo Thủ tướng, TP Hà Nội là cơ hội vô tận cho các nhà đầu tư, là nơi gieo mầm những ước mơ khởi nghiệp kinh doanh, những hoài bão xây dựng sự nghiệp có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới quốc gia. Đồng hành với chính sách thu hút, Chính phủ và không chỉ TP Hà Nội sẽ luôn kiến tạo một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và thực sự hành động chứ không dừng ở lời nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trài qua 1.000 năm, Thủ đô Hà Nội là nơi đất lành chim đậu, với nhiều di sản thiêng liêng, sức mạnh văn hóa, tri thức độc đáo, là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng.

Những điều kiện và nguôn lực đó, không chỉ thay đổi Hà Nội ngày một tốt hơn, hiện đại hơn, mà còn phát huy, lan tỏa ra nhiều tỉnh thành lân cận và cả nước. Đưa Hà Nội thành động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang chịu nhiều áp lực từ sự phát triển. Đó là quy hoạch đô thị, là hệ thống giao thông, cầu đường trường trạm, là các vấn đề về môi trường bền vững, nhà ở, nước sạch, điện…

Chính vì vậy, để Hà Nội kỳ vọng trở thành một thủ đô hiện đại văn minh lịch sự, bản sắc hơn nữa, ngay từ lúc này, TP Hà Nội cần thêm nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển của thủ đô trong những năm tới.

Chính phủ kiến tạo không thể và không dừng lại ở lời nói. Bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén kịp thời, sâu sát với các chính sách từ Chính phủ và Trung ương, thu hút các nhà đầu tư trong một môi trường minh bạch và công bằng.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, TP Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh với mức 8,2% năm 2016, thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán. Khách du lịch quốc tế tăng 19,9%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so với năm 2015).

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, Hà Nội thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh thành. Chỉ số Cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh thành. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.

Theo kết quả điều tra, năm 2016 là năm các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh khá hiệu quả, 67% doanh nghiệp kinh doanh có lãi; 47% doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 296 nghìn tỷ đồng, gấp 4,43 lần so với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố trong 2 năm 2016-2017 và gấp hơn 2 lần giai đoạn 2016-2020. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thực hiện khâu đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cũng cần phải thẳng thắn nhìn vào những thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt, đó là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

Do vậy, ngay từ lúc này Hà Nội cần phải di dời nhanh một số cơ sở nhà nước ra khỏi trung tâm nhằm giảm áp lực quá tải về hạ tầng. Tạo không gian phát triển thương mại và dịch vụ, tạo cơ hội phát triển các đô thị vệ tinh mở rộng không gian thành phố. Sử dụng hiệu quả quỹ đất ở các khu vực vùng ven còn chưa phát triển, đòng thời nghiên cứu các giải pháp đồng bộ chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là các chính sách về quản lý dân cư và phương tiện giao thông cá nhân.

“Hà Nội là thành phố đặc thù, phát triển đô thị, song có tới 4,5 triệu trên gần 7 triệu người là nông dân ở các vùng ven thành phố. Nếu chỉ tập trung phát triển, đầu tư vùng lõi mà không có những chính sách đầu tư vùng nông thôn là sai lầm chiến lược khi trên 60% đã đạt chuẩn nông thôn mới, 96% đã thành công dồn điền đổi thửa.

Đồng hành với đầu tư vào vùng đô thị nội thành, các nhà đầu tư cần tập trung vào các dự án nông dân nông thôn, vì đây là ưu thế đặc biệt tiềm năng khi 90% nhu cầu thiết yếu của Hà Nội đến từ vùng nông thôn thành phố”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra rất nhiều kiến tạo để giúp TP Hà Nội phát triển phồn vinh bền vững. Đó là một thành phố áp dụng công nghệ thông minh, giải pháp giao thông công cộng, tăng cường hồ điều hòa, khu cây xanh, tách thương mại, kinh doanh ra khu vực công sở, quy hoạch tổng thể đô thị với cầu đường trường trạm…

Cũng tại Hội nghị, với sự tham dự của hơn 600 doanh nghiệp trong và ngoài nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã công bố danh mục 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11 dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, 1 dự án lĩnh vực môi trường, 5 dự án lĩnh vực hạ tầng giáo dục. Và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng gồm 23 dự án công viên, cây xanh, 2 dự án môi trường (xử lý rác thải, nước thải), 4 dự án bãi đỗ xe, 2 dự án y tế (xây dựng bệnh viện), 17 dự án giáo dục (xây dựng trường), 35 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp – làng nghề…

Bí thư TP Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư thuộc 48 dự án với tổng mức đầu tư trên 74,3 nghìn tỷ đồng. Trao 15 bản nghi nhớ hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Công bố các chương trình an sinh xã hội….

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và không dừng ở lời nói

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO