Bước vào thời kỳ chuyển đổi số: Doanh nghiệp không có sự lựa chọn

An Bình 15/12/2019 08:00

Xã hội đang bước vào thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời kỳ của nền kinh tế số. Ở đó, mọi lĩnh vực đều được “số hóa”, song dường như các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa thể thích nghi. Bằng chứng là, số DN chuyển đổi số thành công không nhiều, trong khi số thất bại thì áp đảo.

Bước vào thời kỳ chuyển đổi số: Doanh nghiệp không có sự lựa chọn

Quá trình chuyển đổi số đặt ra yêu cầu đối với các DN về sự đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhưng yếu tố quan trọng hơn là nhân lực để vận hành được bộ máy số đó.

Số ít DN chuyển đổi số thành công

80% - đó là tỷ lệ được giới chuyên gia thống kê về số DN thực thi quá trình chuyển đổi số không thành công hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa, mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có số lượng lớn các lập trình viên giỏi, song quá trình chuyển đổi số của DN Việt lại không được như kỳ vọng. Theo Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC Lương Tuấn Thành, các lập trình viên giỏi không phải là nhân tố chính để tạo ra sự thay đổi trong mục tiêu chuyển đổi số, mà quá trình này cần hơn cả chính là tầng lớp trí thức mới. Đó là lớp trí thức có tư duy hoạt động mới, tự động hóa mà DN gọi chung là “văn hóa số”.

Không phủ nhận, nền kinh tế đang chứng kiến sự thâm nhập của những “hiện tượng số hóa” như Uber, Grab, Crowdfunding tạo nên một luồng gió cạnh tranh khá mạnh mẽ trong thời gian qua, song cũng chưa đủ để tạo ra cả một hiệu ứng để cộng đồng DN thực sự trỗi dậy. Điều này được chứng minh ở con số 80% DN chuyển đổi số thất bại.

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số phải tiến hành như thế nào cho phù hợp với khả năng về tài chính, trình độ nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, nền tảng… đặc biệt phù hợp với phần lớn các DN nhỏ và vừa hiện nay, đó là bài toán cần tìm ra lời giải. Theo ông Lương Tuấn Thành, chuyển đổi số là một thách thức rất lớn cho mỗi DN, bởi mỗi DN đều đang theo đuổi công việc hiện tại, trong khi chuyển đổi số lại bao gồm nhiều hình thức hoàn toàn mới. Khi đó, DN sẽ phải đầu tư đào tạo nguồn lực mới mà chính xác là làm thay đổi nhận thức mới cho những con người đang hoạt động trong một lĩnh vực cũ.

Quá trình chuyển đổi số đặt ra yêu cầu đối với các DN về sự đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhưng yếu tố quan trọng hơn là nhân lực để vận hành được bộ máy số đó. Điều này đang là điểm nghẽn của các DN Việt. Phương thức hoạt động kinh doanh kiểu truyền thống vẫn đang chi phối phần lớn các DN hiện nay. Đa phần các DN thuộc lĩnh vực truyền thống đều có cách nhìn về chuyển đổi số rất đơn giản và hầu hết không biết phải làm gì.

Nhấn mạnh đến yếu tố con người có tính chất quyết định được sự thành bại trong quá trình chuyển đổi số của cộng đồng DN, Phó Chủ tịch Công ty CP VinaGame (VNG) Vũ Minh Trí cho rằng: Ở mỗi bộ máy hoạt động tại các DN, bản thân mỗi thành viên trong đó đều phải nắm rõ công việc, chức năng của mình, tìm hiểu được các cơ hội bên ngoài để khi ráp những yếu tố này lại với nhau, mỗi cá nhân đều có thể trả lời được câu hỏi: DN muốn chuyển đổi số cần phải có hành động như thế nào? Câu chuyện chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào con người. Nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều DN tiến hành chuyển đổi số trong thời gian qua, nhưng hầu như họ đều thất bại. Ở đâu đó có thấy những thành công với những cái tên như Uber, Grab… nhưng thực tế số thành công đó là rất nhỏ so với con số 700 ngàn DN hiện nay. Ngược lại số thất bại chiếm con số áp đảo khi ở tỷ lệ 80%.

Phân tích nguyên nhân của sự thất bại, vị chuyên gia cho rằng, DN chuyển đổi số thất bại vì hai lý do chính: Thứ nhất do lãnh đạo DN còn lưỡng lự trong chuyển đổi số, khi họ đang cảm giác quá an toàn với ý nghĩ mô hình kinh doanh của họ hiện nay không cần thiết phải chuyển đổi số .Thứ hai là suy nghĩ muốn chuyển đổi mọi thứ qua số nhưng không biết làm gì với đống số đó, trong khi vẫn phải trả tiền cho nó. Bởi vậy, DN muốn chuyển đổi số thì điều quan trọng là mô hình kinh doanh số phải rõ ràng, bởi chỉ khi DN có mô hình kinh doanh số mới đề ra được chiến lược kinh doanh. Khi có hiệu quả kinh doanh tốt, lại lấy hiệu quả kinh doanh để trả tiền cho quá trình chuyển đổi số đó, như thế DN mới thực sự bền vững. “Và tất cả những yếu tố kể trên đều liên quan đến yếu tố con người” - ông Trí nhấn mạnh.

Không có sự lựa chọn

Giới chuyên gia nhận định, quá trình chuyển đổi số sẽ không bỏ qua một DN nào, nếu muốn tồn tại, DN không còn cách nào khác là phải nắm bắt và thích ứng. Không có DN nào có thể khẳng định: “Thích thì chuyển đổi, số hóa, không thích thì thôi”, vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không cho phép DN nào đứng yên, giữ tư duy và lối kinh doanh truyền thống.

Các DN chỉ có thể lựa chọn việc thực hiện chuyển đổi số ngay bây giờ và sẽ thực hiện như thế nào, chứ không phải là lựa chọn làm hay không. Thời đại kinh tế số không cho phép DN lựa chọn, vì nếu lưỡng lự là DN tự nguyện rời cuộc chơi. Dù vậy, con số 80% DN chuyển đổi số thất bại thực sự là một con số đáng suy ngẫm, cho thấy sức ì của các DN Việt hiện nay rất lớn. Theo Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình, DN truyền thống chính là đối tượng chính của chuyển đổi số, tuy nhiên hiện nay, cách nhìn của đa phần các DN loại này rất đơn giản và hầu hết không hiểu chuyển đổi số là làm gì, lãnh đạo DN vẫn rất mông lung. Thực tế, quá trình chuyển đổi số không phải bây giờ mới khởi động, mà đã diễn ra từ lâu, từ một thập niên trước và thực sự bùng nổ trong vòng 2 năm trở lại đây. Thế nhưng, nếu nhìn vào bức tranh kinh tế, con số DN thực thi số hóa không phải là nhiều. Phần lớn các DN nhỏ và vừa vẫn hoạt động theo phương thức cũ, dây truyền sản xuất cũ, với những thao tác, công việc của những nhân lực cũ. Điều này cần phải thay đổi. “Hiện nay chuyển đổi số là tất cả thông tin, cơ sở dữ liệu thông qua các phần mềm và dữ liệu mang tính quyết định chiến lược cao hơn cho các chủ DN. DN vẫn thường bị “hù dọa” là: “chuyển đổi số hay là chết?”. Chắc chắn DN sẽ chết vì hiện nay, theo phân tích có khoảng 20 loại hình DN cũng như các ngành nghề có thể bị quá trình chuyển đổi số tiêu diệt. Các ngành bị tác động lớn từ vận tải cho đến y khoa hay lĩnh vực bán lẻ… đều nhìn thấy bóng dáng của DN công nghệ thông tin đang dần chiến thắng các DN truyền thống” - Chủ tịch Tập đoàn NextTech nhấn mạnh.

Tại một hội nghị liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã nhấn mạnh về sự cần thiết của quá trình này. Ông cho biết: Chính phủ Việt Nam muốn tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, phát triển mạnh kinh tế số hiện đại, hiệu suất cao. Đây là cơ hội để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, để có thể đạt được những mục tiêu nói trên phụ thuộc rất nhiều vào sự thành bại của cộng đồng DN trong quá trình thực thi việc chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước vào thời kỳ chuyển đổi số: Doanh nghiệp không có sự lựa chọn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO