Doanh nghiệp nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU: Tìm cơ hội trong thách thức

Minh Phương 02/10/2019 08:00

Chiếc thẻ vàng IUU từ Ủy ban châu Âu (EC) đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU liên tục sụt giảm. Theo các chuyên gia trong ngành, mặc dù rất khó nhưng các doanh nghiệp ngành thủy sản cần quyết tâm giành lại thẻ xanh, vì đây là tiền đề để phát triển nghề cá bền vững.

Doanh nghiệp nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU: Tìm cơ hội trong thách thức

Doanh nghiệp gặp khó vì thẻ vàng

Sau khi bị Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng thẻ vàng với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản cho hay, từ cuối năm 2017 đến nay, lượng hàng hóa thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU đã giảm nặng nề. Thậm chí có những DN đã dừng hẳn việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, đơn cử như Công ty TNHH Phillips Seafoods (Nha Trang). Nếu như thời điểm trước 2017, EU là thị trường chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty này thì nay, việc đưa hàng sang EU hầu như đã dừng hẳn.

Theo phản ảnh của các DN xuất khẩu thủy sản, trong vòng hai năm qua, kể từ thời điểm bị “lĩnh án” thẻ vàng IUU, hầu hết DN xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đều vướng phải thủ tục thông quan, kéo theo gia tăng chi phí lô hàng. Đơn cử, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifishco) có đến 80% lô hàng xuất khẩu vào EU bị tạm dừng thông quan và chờ kiểm tra nguồn gốc khai thác. Theo bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Bidifishco, trước đây, EU chiếm khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu của Bidifishco với kim ngạch trung bình 40 triệu USD/năm, nhưng từ khi bị “thẻ vàng”, tỷ trọng này chỉ còn 40% và giá trị cao nhất chỉ được 30 triệu USD/năm.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, từ thời điểm tháng 10 năm 2017 (thời điểm bị EU áp thẻ vàng IUU) đến nay, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm 6,5% trong năm 2018 (còn gần 390 triệu USD) và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019, với 251 triệu USD. Đáng chú ý, từ đứng thứ 2 trong top thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, EU đã tụt xuống vị trí thứ 5. Vasep nêu lên một thực tế: 100% container hải sản xuất khẩu từ nước bị “thẻ vàng” sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian có thể kéo dài 3 - 4 tuần/container, phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Rủi ro nhất là tỷ lệ các container hàng bị từ chối, trả lại rất lớn, gây tổn thất nặng nề cho DN xuất khẩu. Không những bị tổn thất về tài chính, uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khi xuất sang các thị trường khác.

Nỗ lực hướng đến phát triển bền vững

Thời gian qua, nhằm khắc phục thẻ vàng, nhà quản lý cũng như cộng đồng DN đã hết sức nỗ lực thực hiện những động thái nhằm hướng tới phát triển nghề cá có trách nhiệm. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, với mục tiêu không bị EU “phạt thẻ đỏ”, lấy lại thẻ xanh và hướng đến phát triển bền vững ngành thủy, hải sản, hàng loạt văn bản pháp luật đã được ban hành trong hai năm qua. Những văn bản này đều có sự tham khảo từ EC.

Đáng chú ý, Ủy ban Hải sản VASEP và các DN chế biến, xuất khẩu hải sản đã ra mắt ban điều hành IUU, tuyên bố cam kết chống khai thác IUU của 62 DN và thông qua kế hoạch hành động của chương trình, như treo biển cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá hợp pháp, ra sách trắng về nỗ lực chống khai thác IUU tại Việt Nam, ra mắt bản đồ chuỗi cung ứng cá ngừ và hải sản Việt Nam trong cam kết chống khai thác IUU…

Tất cả những nỗ lực này cho thấy quyết tâm giành lại thẻ xanh của cộng đồng DN ngành thủy sản là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là làm sao tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân để họ thay đổi nhận thức, chuyển đổi tư duy từ đánh bắt thủy hải sản tự phát sang khai thác một cách có trách nhiệm.

Nói như bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chúng ta cần hiểu rằng, việc gỡ bỏ thẻ vàng, giành lại thẻ xanh là việc không thể vội vàng, thay vào đó, cần phải từng bước chứng minh cho phía thị trường châu Âu thấy sự nỗ lực của chúng ta bằng những hành động cụ thể. Trong đó phải kể đến việc quyết tâm xử lý những trường hợp tàu cá khai thác trái phép, bên cạnh đó là phải giám sát được hành trình của tàu cá.

Về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng, phát triển nghề cá bền vững cần tính đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cho cảng cá, tính đến phương án nuôi trồng trên biển…

Thẻ vàng IUU mà EC đưa ra đã tác động mạnh đến hoạt động của các DN ngành thủy sản nước nhà. Song trong thách thức lại tạo nên cơ hội mới, cơ hội để các DN thủy sản tận dụng tái cơ cấu, thực hiện khai thác đánh bắt hải sản có trách nhiệm, hướng tới phát triển nghề cá nước nhà một cách bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh.

Từ thời điểm tháng 10 năm 2017 (thời điểm bị EU áp thẻ vàng IUU) đến nay, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm 6,5% trong năm 2018 (còn gần 390 triệu USD) và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019, với 251 triệu USD. Đáng chú ý, từ đứng thứ 2 trong top thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, EU đã tụt xuống vị trí thứ 5

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU: Tìm cơ hội trong thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO