EVFTA được ký kết: Thời cơ và thách thức

Minh Phương 29/06/2019 07:40

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào ngày 30/6 tới đây được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu. Giới chuyên gia nhận định, một trong những ngành được đánh giá sẽ tận dụng nhiều lợi thế nhất từ hiệp định này chính là ngành dệt may. Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ thì cũng là thách thức.

EVFTA được ký kết: Thời cơ và thách thức

Ngành dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, cùng đó là những thách thức phải vượt qua khi vào EU.

Kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 40 tỷ USD

Chia sẻ với báo giới về những lợi ích khi EVFTA được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Dù EU chưa phải là đối tác thương mại lớn nhất (với kim ngạch là 42 tỉ USD) nhưng với mức độ tăng trưởng cao (17% năm 2018) và tính tương tác, bổ sung rộng, lớn nên dư địa cho hợp tác, xuất khẩu là rất lớn. Theo Bộ trưởng Công thương, toàn bộ sản phẩm xuất khẩu chính được hưởng ưu đãi thuế, thuận lợi hóa thương mại.

“Đây đều là ngành mũi nhọn của ta trước hết là nông sản như: gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi từ năm đầu. Tiếp đó dệt may, da giày, đồ gỗ, tin học và ngành mới như ôtô, hóa dầu sẽ được nhiều ưu đãi các năm tới”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Tính toán sơ bộ cho thấy, đến năm 2020, nếu thực hiện Hiệp định, tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu sẽ đạt mức 20%, đến năm 2030 có thể tăng trưởng 80%.

Nhận định về những cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi EVFTA được thực thi, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, một trong những ngành được hưởng nhiều lợi thế nhất chính là ngành dệt may. Theo dự báo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nếu hoàn tất ký kết EVFTA và đưa vào thực thi ngay trong năm 2019 này, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ vượt mức 40 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với năm 2018. Còn trong trường hợp EVFTA chưa có hiệu lực, mức tăng trưởng của dệt may cũng sẽ lên ở con số 2,5 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, chỉ sau Mỹ và luôn có tăng trưởng tương đối cao (từ 7 - 10% hàng năm). “Khi gia nhập EVFTA thì hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế, do vậy với thị trường này chắc chắn chúng ta sẽ có sự tăng trưởng”- nhìn nhận của lãnh đạo Tập đoàn Dệt may.

Cơ hội lớn, thách thức cũng không nhỏ

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ càng tạo đà cho ngành dệt may phát triển. Khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0 thì “tốc độ tăng trưởng ở thị trưởng này có thể lên tới 7-8%/năm”.

Song, các chuyên gia ngành may mặc cũng lưu ý, để có thể được giảm thuế theo quy định tại Hiệp định, các sản phẩm dệt may xuất khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ. Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏa mãn 2 điều kiện sau: Thứ nhất là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; thứ hai là việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi.

Thêm vào đó, nguyên liệu (vải) mà các doanh nghiệp dệt may Việt sử dụng đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan vốn chưa có hiệp định FTA với EU. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với ngành may mặc nước nhà. Trước những rào cản này, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, các DN dệt may cần tăng cường khai thác nguồn vải từ EU và Hàn Quốc, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi để tăng cường xuất khẩu vào EU.

Trước đó, nói về những cơ hội cũng như thách thức của các DN dệt may khi tiếp cận thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập đã từng nhấn mạnh: để có thể nắm bắt được những cơ hội từ EVFTA không hề đơn giản. Theo bà Trang, những tiêu chuẩn về sản xuất, cách thức đóng gói, ghi nhãn mác... sẽ là hàng rào kỹ thuật đối với ngành.

Đặc biệt, các DN sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. “Hiện nay, nguyên liệu dệt may của Việt Nam hầu hết không có nguồn gốc từ các nước thành viên EU nên khó tận dụng được những ưu đãi thuế quan”- bà Trang nêu quan điểm và cho hay, chúng ta có thể vượt qua hàng rào thuế quan, nhưng đối với hàng rào kỹ thuật thì các DN cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng vào chu đáo để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường EU - thị trường vốn nổi tiếng là thị trường khó tính.

Giới chuyên gia cũng cho rằng,thách thức lớn nhất của ngành dệt may trong thời gian tới là phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, thách thức này cũng chính là động lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EVFTA được ký kết: Thời cơ và thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO