Gian lận thương mại gia tăng

Minh Phương 17/12/2019 08:00

Càng về cuối năm, các hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ càng gia tăng. Thực trạng này đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống dân sinh, làm xáo trộn môi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng chú ý, nhiều đối tượng đã lợi dụng các sàn thương mại điện tử để đưa vào hàng giả, hàng nhái. Hiện, đây được coi là “miếng bánh ngon” để không ít đối tượng lợi dụng làm ăn bất chính.

Gian lận thương mại gia tăng

Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh.

Nhiều lĩnh vực bị gian lận

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thời gian qua, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, tấn công và bắt giữ hàng loạt những điểm nóng về hàng giả, hàng lậu lớn. Đơn cử, đã phát hiện và xử lý vi phạm tại 2 trung tâm thương mại bán hàng giả ở Móng Cái (Quảng Ninh); các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm) và tại TP Hồ Chí Minh (chợ Bến Thành); kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa)…

Vẫn theo Tổng cục QLTT, “sờ đến” lĩnh vực nào cũng xuất hiện tình trạng làm giả, làm nhái. Trong đó, nổi cộm là các lĩnh vực: Hóa mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng…

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên, đại diện Tổng cục QLTT vẫn thừa nhận, những kết quả đó còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn nội tại của công tác chống hàng giả. Công tác này đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, lực lượng QLTT chưa xây dựng được hệ thống cơ sở báo tin dày dặn và chuyên nghiệp.

Đáng chú ý, internet phát triển, bùng nổ kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, hiện tượng hàng giả hàng nhái cũng xâm lấn vào loại hình kinh tế này và hoạt động có phần phức tạp hơn. Thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, với gần 40 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, và đây cũng là “miếng bánh ngon” để các đối tượng tận dụng làm ăn bất chính.

Khẳng định sự tinh vi của các hành vi gian lận thương mại ngày càng có xu hướng khó lường hơn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương), ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, đã và đang xuất hiện vô vàn các loại hình kinh doanh lừa đảo trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đáng chú ý hiện nay xuất hiện thủ đoạn, nhiều người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả. Tinh vi hơn, theo ông Tuấn là việc lừa đảo mua xe máy, trúng thưởng trên mạng xã hội. Các đối tượng đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo. Ngoài việc lừa đảo trúng thưởng, một hình thức lừa đảo mới hiện nay là tuyển cộng tác viên bán hàng. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, qua quá trình kiểm tra, đây đều là các tài khoản Facebook giả và các mặt hàng đều không có thật.

Loại doanh nghiệp gian dối

Càng cận Tết, vấn nạn hàng giả hàng nhái càng gia tăng. Giới chuyên gia đặc biệt cảnh báo tình trạng mua bán vé máy bay giá rẻ. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp cho khách hàng một mã code sau khi đặt vé. Tuy nhiên, đó chỉ là mã code giữ chỗ. Sau khi thanh toán thì mã đó mới trở thành vé máy bay. Thế nhưng, các đối tượng lừa đảo sau khi nhận tiền từ khách hàng sẽ không thanh toán với nơi cung cấp dịch vụ. Do đó, nếu hết thời gian giữ chỗ, mã code kia sẽ không còn giá trị. Đó còn chưa kể, nhiều vị khách hàng đã đặt mua vé 2 chiều, nhưng chỉ một chiều có hiệu lực, còn chiều về thì không được kích hoạt. “Thương mại điện tử giúp kích cầu tiêu dùng, thế nhưng đó cũng là “thiên đường” cho các hành vi lừa đảo”- ông Tuấn cảnh báo.

Có thể thấy, gian lận thương mại đã trở thành một “thói xấu” trong hoạt động kinh doanh của một số đối tượng. Theo đó, nhiều DN khi thấy cái lợi trước mắt sẽ sẵn sàng đánh đổi uy tín danh dự, sẵn sàng làm giả, làm nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực trạng này sẽ là rào cản lớn khi chúng ta hội nhập sâu rộng

Nhận định về vấn nạn này, ông Phan Ngân Sơn- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cho rằng, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam vẫn có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi… Vì lợi nhuận, các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả, bất chấp những hậu quả pháp lý.

Ông Sơn cho biết, Báo cáo đặc biệt 301 của Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) nêu rõ, năm 2019 Việt Nam vẫn nằm trong Danh sách theo dõi (watching list) về tình trạng bảo hộ quyền SHTT. Thực thi quyền SHTT tiếp tục là một vấn đề đối với Việt Nam. Không chỉ tại môi trường kinh doanh truyền thống, tình trạng vi phạm bản quyền và bán hàng giả mạo quyền SHTT trên môi trường số còn phổ biến, và diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

“Mặc dù các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy lui tình trạng xâm phạm, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, một phần là do thiếu tài nguyên và chuyên môn SHTT. Việt Nam vẫn tiếp tục dựa nhiều về các hành động thực thi hành chính”- ông Sơn cho biết và nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc thực thi quyền SHTT là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng DN. Bởi, các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đòi hỏi các chủ thể liên quan sẽ phải chấp hành những quy định khắt khe và nghiêm ngặt về SHTT. Bởi vậy, nếu các DN trong nước không lưu tâm tới việc bảo đảm an toàn thông tin trong kinh doanh thì rất có khả năng sẽ bị truy tố ngay chính sân nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian lận thương mại gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO