Loạn xuất xứ trái cây nhập ngoại

Minh Phương 17/02/2017 08:45

Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại hoa quả ngoại nhập. Đây là lý do khiến thời gian gần đây, các cửa hàng, đại lý hoa quả nhập ngoại mọc lên như nấm. Không chỉ đa dạng về chủng loại, các loại hoa quả ngoại nhập còn rất phong phú về giá cả khiến cho người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Táo nhập khẩu trong siêu thị còn rẻ hơn ngoài thị trường.

Đáp ứng nhu cầu thích ăn hoa quả ngoại nhập của người tiêu dùng, thị trường ngày càng cung ứng nhiều loại hoa quả nhập ngoại với nhãn mác ghi xuất xứ từ đủ các thị trường trên thế giới. Nào là táo Pháp, nho Mỹ, cherry Úc, kiwi Newzeland… Từ việc tìm hiểu và nắm bắt được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều hệ thống cửa hàng hoa quả sạch “mọc lên” liên tục trong những năm gần đây như Klever fruits, Thủy Anh fruits, Fruits and Greens…

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, hầu hết họ mua hàng với tâm lý “tin người bán” cho nên, cứ thấy cửa hàng đề hoa quả nhập khẩu là mua, không cần biết giá cả có chuẩn hay không.

Chị Nguyễn Kim Hoa (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) cho biết: “Tôi hay mua các loại trái cây tại một cửa hàng gần nhà, họ nói là hàng nhập từ Mỹ và Newzeland và có nhãn mác nhập ngoại hẳn hoi. Người bán nói thế nào thì mình biết vậy chứ cũng không có một cơ sở gì để nhận biết đó là trái cây Mỹ thật hay hàng nhái” - chị Hoa chia sẻ.

Cũng giống như chị Hoa, bà Trần Minh Thi (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) cũng là một “tín đồ” của các loại trái cây nhập. Theo chia sẻ của bà Thi, bà thường mua các loại trái cây nhập ở các thương hiệu như Klever fruits, vì theo bà, đây là một trong những hệ thống cửa hàng đã xuất hiện khá lâu ở Việt Nam nên có thể tin tưởng được.

Có thể thấy, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng lo sợ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, các thương nhân đã nhanh chóng xây dựng “chữ tín” bằng cách gắn cho các sản phẩm của mình cái mác “hoa quả ngoại nhập”. Tuy nhiên, điều đáng nói là, không phải cửa hàng nào cũng là hoa quả nhập ngoại “xịn”. Nhiều loại nho, táo mặc dù được giới thiệu là nho Mỹ, táo Mỹ song lại không hề có tem nhãn, mác in mã vạch…

Có khi cùng một loại táo màu đỏ nhưng ở cửa hàng này giới thiệu là táo Mỹ, sang cửa hàng khác lại đã được chủ cửa hàng nói là táo Pháp. Điều đó cho thấy, ngay cả người bán cũng rất lơ mơ về xuất xứ của các loại trái cây nhập.

Không chỉ loạn về xuất xứ, giá cả các loại trái cây nhập ngoại cũng được “hét giá” vô tội vạ.

Theo khảo sát của PV, tại một cửa hàng bán trái cây nhập khẩu trên đường Cầu Giấy, giá một kg táo Mỹ được chủ cửa hàng báo 230.000 đồng/kg. Thế nhưng, cũng loại táo này, tại cửa hàng Thủy Anh fruits báo giá 250.000 đồng/kg. Tương tự, giá các trái cây khác cũng không nơi nào giống nơi nào, mỗi cửa hàng lại đưa ra một giá. Kiwi xanh của Newzeland tại Thủy Anh fruits, có giá 120.000 đồng/kg trong khi đó, giá loại trái cây này ở một cửa hàng khác được niêm yết là 109.000 đồng/kg.

Điều đáng nói, giá các loại trái cây nhập ngoại ở trên thị trường một đằng thì giá ở các siêu thị lại… một nẻo. Tại hệ thống siêu thị BigC Thăng Long, giá các loại táo Mỹ được niêm yết chỉ xoay quanh mức 39.000 đồng – 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng được gắn mác “táo Mỹ”, tại các cửa hàng, shop bán trái cây nhập khẩu trên thị trường có giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba, dao động từ 120.000 đồng – 220.000 đồng/kg.

Như vậy, không chỉ vô cùng phong phú về chủng loại, trái cây nhập khẩu cũng đang loạn về giá. Người tiêu dùng chỉ còn cách đặt niềm tin vào… chủ cửa hàng. “Họ bảo nhập từ Mỹ, hay Canada thì tin là ở Mỹ, ở Canada” – chị Hà Hồng Mai, một người tiêu dùng ở Trần Khát Chân, Hà Nội chia sẻ. Có một điểm khá đặc biệt trên thị trường hiện nay, đó là tại các chợ truyền thống cũng đã mọc lên nhan nhản các ki - ốt gắn mác “trái cây nhập khẩu”. Song, giá tại các cửa hàng ngoài chợ truyền thống lại cao hơn hẳn so với giá ở siêu thị. Đơn cử, tại chợ Ngọc Lâm, táo Fuji Mỹ có giá 160.000 đồng/kg, táo Gala Mỹ 150.000 đồng/kg, táo Rose New Zealand 150.000 đồng/kg, như vậy là so với giá tại hệ thống siêu thị Big C (39.000 đồng/kg), giá các loại trái cây này đã cao lên gấp hàng chục lần.

Từ thực tế nói trên cho thấy, thị trường trái cây đang trở thành “ma trận” về giá cả và chất lượng, xuất xứ đối với người tiêu dùng. Bởi vậy, theo khuyến cáo của ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thị trường, mỗi người tiêu dùng cần là người tiêu dùng thông thái, xem xét kỹ và có sự so sánh trước khi mua bất kỳ một sản phẩm nào để tránh “tiền mất tật mang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loạn xuất xứ trái cây nhập ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO