16.200 là số lượng doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh trong hai tháng đầu năm 2020, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ một con số đó thôi đã cho thấy thực tế khó khăn của cộng đồng DN trong mùa dịch Covid-19. Trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thì việc phải hy sinh quyền lợi kinh tế trước mắt là điều phải chấp nhận. Những ngày qua, cộng đồng DN đã cùng cả nước chịu đựng khó khăn, với tinh thần tất cả vì sức khỏe của nhân dân, sự bình yên của đất nước.
Nhiều nhà hàng ăn tạm nghỉ kinh doanh để cùng chống Covid-19.
Doanh nghiệp khó khăn
Câu chuyện của ông Nguyễn Đ.T., chủ một chuỗi nhà hàng tại Sa Pa, Lào Cai chia sẻ khi ông cùng toàn bộ đội ngũ nhân viên “chống chọi” với bão dịch Covid-19 cho đến những ngày cuối trước khi buộc phải tuyên bố ngừng hoạt động cả chuỗi nhà hàng thực sự khiến người nghe cảm thấy tiếc nuối.
Là chủ chuỗi nhà hàng ăn uống đã hoạt động hơn 14 năm tại Sa Pa, Lào Cai, đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Đ.T. buộc phải tuyên bố tạm ngừng hoạt động vì một chuỗi ngày dài (hơn hai tháng trời) vắng khách. Trên trang Facebook cá nhân của mình, vị chủ nhà hàng chia sẻ: “4 khách duy nhất còn lại chia đều cho hai nhà hàng ngay trưa nay. Đây là minh chứng đẹp đẽ nhất cho sự cam kết sát cánh cùng anh em đến giây phút cuối cùng của trận chiến với virus cúm Corona, tới tận sát giờ Sa Pa chính thức phải phong tỏa. Và bây giờ thì tôi đã thật nhẹ lòng để chính thức cho đóng cửa cả hai nhà hàng mà không còn gì bối rối với anh em. Tạm thời khép lại chu kỳ 14 năm vật vã, từ thai nghén, hình thành đến nuôi dưỡng hai đứa con tinh thần đầy gian nan, thử thách cho đến khi chúng trưởng thành như ngày hôm nay”.
Tâm sự với PV, vị chủ chuỗi nhà hàng chia sẻ, DN khi đã bước vào cuộc chơi trên thương trường, sẽ chấp nhận mọi rủi ro, nhưng ông hoàn toàn tin tưởng rằng, trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù không hình hài này, loài người nhất định sẽ giành chiến thắng.
14 năm hoạt động ổn định và phát triển, nhưng chỉ vì một “kẻ thù không hình hài”, con virus SARS-CoV-2 đã quật ngã một DN như vậy. Song, trường hợp của vị chủ nhà hàng Sa Pa không phải là duy nhất, mà chỉ là một trong số hàng chục ngàn DN buộc phải tạm ngưng đóng cửa sau hai tháng chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Đóng cửa tạm ngừng kinh doanh cũng là chống dịch.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 2 tháng đầu năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16.200 DN, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400 DN; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 DN, trong đó, gần 90% là DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, cả nước có 473 DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Các DN từ DN nhỏ, siêu nhỏ, đến các DN lớn đều đang lao đao vì dịch bệnh.
Trao đổi về những khó khăn của DN thời dịch Covid -19, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử và Dịch vụ kỹ thuật FPT Digital Retail cho biết, mặc dù là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, nhưng những tác động của dịch bệnh đối với doanh thu của DN cũng khá rõ ràng. Dịch bệnh khiến cho người tiêu dùng tìm đến các kênh bán hàng online nhiều hơn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ, doanh thu của toàn Công ty chỉ đạt khoảng 85% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo khả năng tiếp tục giảm khi tình hình dịch bệnh diễn biến theo hướng xấu đi. “Số ca nhiễm bệnh tăng lên nên tổng sức mua giảm do niềm tin người tiêu dùng giảm. Tỷ lệ đơn hàng thành công lũy kế từ đầu năm trên kênh online giảm 2%”- ông Bảo cho hay.
Trong bối cảnh khó khăn, giới chuyên gia kinh tế nhận định, sự suy giảm của nền kinh tế là không thể tránh khỏi. Vấn đề mà DN mong muốn lúc này là Chính phủ, nhà quản lý cần tăng thêm hỗ trợ qua việc giảm thuế, phí, tăng chi tiêu của Chính phủ. Bởi khi giảm thuế, phí, DN sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính; Tăng chi tiêu sẽ tạo kích cầu mua sắm tiêu dùng.
Nhà quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 được đưa ra hồi đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn, với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng; giao Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Song song với đó, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020, trước hết là các vùng, quốc gia không có dịch; Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp...
Giới chuyên gia nhận định, Chỉ thị 11 được coi là chiếc “phao cứu sinh” hỗ trợ cộng đồng DN trong bối cảnh hiện nay. Và ngay lập tức, thực thi chủ trương của Chính phủ, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc nhằm giải tỏa phần nào những khó khăn cho cộng đồng DN.
Cụ thể, 10 ngân hàng thương mại đã cam kết đưa ra một gói tín dụng trị giá 250.000 tỷ đồng với điều kiện ưu đãi đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đơn cử, Vietinbank đang xem xét cơ cấu lại gần 20.000 tỷ tiền nợ và miễn giảm hơn 26.800 tỷ lãi vay cho các khách hàng. Ngân hàng này cũng dự tính dành 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để cho vay ngắn hạn với lãi suất 5% bằng VNĐ và 2,8% bằng USD. Ngoài ra, đến hết 30/6, tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới DN, ngân hàng sẽ giảm trừ lãi suất 1,25-3%/năm so với sàn lãi cho vay thông thường (trong thời gian tối đa 6 tháng).
Ngân hàng BIDV cũng thông báo triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp và gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng ACB tung ra gói tín dụng 25.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho khoảng 30.000 tỷ đồng dư nợ vay. Trong khi đó, Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các DN vay với lãi suất từ 6,99%... đều trong gói hỗ trợ kể trên...
Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số giải pháp cho những doanh nghiệp đang chịu thiệt hại như miễn thuế, phí và gia hạn thời hạn thanh toán thuế và tiền thuê đất. Tổng giá trị gói kích thích tài khóa này ước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng (khoảng 0,5% GDP). Ông Phạm Đình Thi-Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đối với DN nhỏ và vừa, việc giãn giảm thuế sẽ có tác dụng “cởi trói” cho nhiều DN hiện nay. Theo ông Thi, có tới 93% số DN thực tế đang kinh doanh kê khai nộp thuế, nên theo quy định, cứ DN nhỏ và siêu nhỏ là được gia hạn nộp thu, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, mức độ tác động ít hay nhiều.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong “bão dịch Covid -19”, Bộ Công thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, nhất các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi và lĩnh vực quản lý.
Một trong những khó khăn hiện nay của DN là thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất khiến cho hoạt động sản xuất đình trệ. Về vấn đề này, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, để gỡ khó cho các DN, Cục sẽ tiếp tục có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để các ngành hàng dần bớt phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, cứu nguy cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Có thể thấy, với những động thái nói trên, Chính phủ,các bộ ngành đang hết sức nỗ lực cùng “đồng cam cộng khổ” với DN để có thể vượt qua thời kỳ đầy khó khăn này.
Ông Ngô Quốc Bảo- Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử và Dịch vụ kỹ thuật FPT Digital Retail cho rằng, trong bối cảnh hoạt động của các DN đang vô cùng khó khăn hiện nay, sự vào cuộc của Chính phủ, của nhà quản lý trong việc đưa ra hàng loạt những gói hỗ trợ nhằm miễn giảm lãi vay, giãn nợ… đối với DN là hết sức cần thiết, cho thấy Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh với cộng đồng DN.
Ông Bảo cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp nói trên, nhà quản lý cần xem xét miễn giảm thuế thu nhập DN trong năm nay vì dịch Covid- 19 kéo dài suốt thời gian qua và chưa có dấu hiệu chững lại đã cộng đồng DN kiệt quệ.
“Ngoài ra, để kích cầu nền kinh tế, nhà quản lý nên thông qua hệ thống ngân hàng đưa ra các gói trả góp để người tiêu dùng an tâm mua sắm”- ông Bảo đề xuất.
Cùng với sự hỗ trợ từ nhà quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi DN cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm, chương trình kích cầu để phục hồi, nhất là xây dựng chiến lược marketing với thị trường nội địa. Theo TS Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, các DN cần theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường…
Và trên thực tế, nhiều DN hiện nay cũng đang rất chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh để ứng phó với “bão dịch” Covid -19. Theo ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp hiện nay, mặc dù số DN ngừng hoạt động không phải là ít, song có rất nhiều DN đã chủ động, xây dựng các kịch bản để có thể vững vàng vượt qua được thời kỳ khó khăn này.
Ông Trường cho biết, nhiều DN đã chọn giải pháp giảm thời gian lao động chứ không sa thải nhân viên. Bên cạnh đó họ cũng giảm quy mô đầu tư để đảm bảo lợi nhuận, dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất.
Còn theo ông Phan Văn Dũng- Phó Tổng Giám đốc Vissan, ngoài việc tìm cách giữ chân người lao động, thì việc đảm bảo nguồn tài chính và đầu vào rất quan trọng. Vì thế Vissan luôn có kế hoạch dự trù chuẩn bị nguyên liệu đủ trong 1 năm và mỗi sản phẩm Vissan đều chọn hai nhà cung cấp để tránh bị phụ thuộc khi có khủng hoảng, biến cố xảy ra.
Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công thương. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, nhất các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi và lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hóa được thuận lợi; phối hợp với các địa phương, đề xuất biện pháp để phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Nhiều DN hiện nay đã chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh để ứng phó với “bão dịch” Covid -19, cho dù số DN ngừng hoạt động không phải ít. Nhiều DN đã chọn giải pháp giảm thời gian lao động chứ không sa thải nhân viên. Bên cạnh đó họ cũng giảm quy mô đầu tư để đảm bảo lợi nhuận, dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất. Ngoài việc tìm cách giữ chân người lao động, thì việc đảm bảo nguồn tài chính và đầu vào rất quan trọng. Nhiều DN đã có kế hoạch dự trù chuẩn bị nguyên liệu đủ trong 1 năm, bình tĩnh đương đầu kể cả khi biến cố xảy ra.