Người tiêu dùng vẫn tự bỏ rơi quyền lợi

Minh Phương 29/01/2016 08:25

Mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã đi vào thực tiễn hơn 5 năm trở lại đây, song, số người tiêu dùng quan tâm tìm hiểu và tự đứng lên bảo vệ mình khi quyền lợi bị xâm phạm vẫn là con số rất hãn hữu. Trong cả năm 2015, Tổng đài tư vấn thuộc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chỉ nhận được khoảng 1.600 vụ việc khiếu nại từ người tiêu dùng. Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn còn khá thờ ơ với việc tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Dù đã có Luật nhưng vẫn khó bảo vệ người tiêu dùng.

Số vụ vi phạm vẫn lớn

Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời được 5 năm. Không thể phủ nhận, Luật ra đời đã mang lại những lợi ích lớn cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng chủ động hơn trong việc tự lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình. Theo nhận định của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), kể từ khi Bộ Công thương xây dựng ra mắt tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số điện thoại miễn phí trên toàn quốc 18006838, số vụ khiếu kiện tăng lên trông thấy.

Cụ thể nếu như trong giai đoạn 2011- 2013, con số vụ việc khiếu nại do người tiêu dùng gửi tới Bộ Công thương trung bình khoảng 300 vụ/năm. Đến năm 2014, số vụ khiếu nại là 1.007 vụ việc và năm 2015 ghi nhận 1.689 vụ việc. Trong đó, số vụ việc được tiếp nhận và giải quyết tại các Sở Công thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong năm 2015 là 503 vụ.

Mặc dù số đơn khiếu kiện tăng lên đáng kể, song trên thực tế, số vụ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái vẫn có xu hướng gia tăng.

Trong năm 2015, số vụ việc vi phạm bị bắt giữ và xử lý lên tới gần 190.000 vụ (tăng 6,47 % so với năm 2014). Con số này cho thấy, nguy cơ người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi vẫn rất lớn. Dù vậy, số đơn kiến nghị khiếu nại mà người tiêu dùng chủ động gửi lên cơ quan chức năng lại là con số rất thấp như công bố của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, chỉ là xấp xỉ 2.000 cuộc gọi phản ảnh tình trạng người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi. Chính lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng thừa nhận, số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng hàng năm được giải quyết là quá nhỏ so với thực tế.

Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm đến 8 quyền của mình được thụ hưởng có quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Thậm chí, không ít người tiêu dùng khi được hỏi còn ngơ ngác không biết 8 quyền lợi đó là gì.

Người tiêu dùng cần chủ động hơn

Theo cơ quan quản lý thị trường TP Hà Nội, trong các sự vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái được cơ quan chức năng phát hiện, chiếm phần lớn là các sự vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả… Đó là những sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng, do đó bản thân người tiêu dùng nếu không chủ động đứng lên bảo vệ mình thì cũng rất khó cho cơ quan chức năng trong việc điều tra và xử lý các đối tượng vi phạm.

Nhận định về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan chức năng TP Hà Nội thời gian qua, ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết, trong năm 2015, cơ quan quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phối hợp với cơ quan các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ việc vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đáng chú ý, hồi trung tuần tháng 12/2015, cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan đã bắt giữ một đối tượng buôn bán tân dược và thực phẩm chức năng đã hết hạn sử dụng chuẩn bị tuồn ra thị trường với số lượng 25.585 đơn vị sản phẩm thuốc 12.192 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng.

“Đây là vụ việc rất nghiêm trọng bởi, với số lượng thuốc và thực phẩm chức năng như vậy nếu tuồn ra thị trường chót lọt là rất nguy hiểm cho người sử dụng” – ông Đức nhận định và chia sẻ: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Song, về phía người tiêu dùng và cả các DN làm ăn chân chính cũng cần chủ động hơn trong việc đứng ra tố cáo các sự vụ mà họ gặp phải để cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý”.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho biết, trong năm 2016 này, cơ quan quản lý thị trường cũng sẽ chủ động phối hợp với các DN làm ăn chân chính cùng vào cuộc để xác minh xử lý các sự vụ có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chứ đợi có sự phản ảnh từ DN, người tiêu dùng mới vào cuộc.

Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu 8 quyền lợi của mình được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng để có thể tự bảo vệ bản thân khi quyền lợi bị xâm phạm, tránh những hậu quả đáng tiếc vì không có kiến thức về luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tiêu dùng vẫn tự bỏ rơi quyền lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO