Xuất khẩu rau củ quả lên ngôi

Nhật Minh 13/12/2016 08:35

Lần đầu tiên, xuất khẩu rau củ quả đứng ngôi đầu trong nhóm ngành hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam khi đạt mức kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm, vượt xa kim ngạch xuất khẩu gạo- một trong những ngành xuất khẩu chủ lực truyền thống. Với những gì đã và đang diễn ra, thời gian tới, ngành hàng này sẽ còn tiếp tục bứt phá, dự báo tăng được sản lượng xuất khẩu lên gấp 3,4 lần so với hiện nay.

Rau củ quả của Việt Nam đã vươn xa được tới hơn 40 thị trường
các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Lần đầu tiên vượt xa xuất khẩu gạo

Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, với những lợi thế về khí hậu nhiệt đới phân chia hai miền Bắc - Nam rõ rệt, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có được nhiều loại cây ăn quả vô cùng đa dạng, phong phú. Hẳn ai cũng biết đến những thương hiệu của các loại đặc sản vùng miền ở Việt Nam như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Năm Roi và hàng loạt các loại trái cây ngon nổi tiếng trải dài trên khắp dải đất hình chữ S. Tiếp nối thành công từ việc trái vải thiều Bắc Giang đã đặt chân được sang thị trường khó tính như Australia. Trái vú sữa Việt Nam cũng đã chính thức được Mỹ cấp giấy phép nhập khẩu kể từ quí IV/2016 này.

Chưa dừng lại ở đó, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa thì dự kiến xoài sẽ tiếp tục “vượt đại dương” vươn xa tới thị trường Mỹ. Không chỉ với Mỹ nhiều thị trường khó tính khác như New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… các loại trái cây Việt cũng đã nhắm đến và được dự báo trong thời gian tới sẽ tăng sản lượng xuất khẩu lên gấp nhiều lần.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, các sản phẩm rau củ quả của Việt Nam đã vươn xa được tới hơn 40 thị trường các nước trên thế giới. Theo đó, các sản phẩm trái cây như vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn, vú sữa… của nông dân Việt Nam đã đặt chân đến những thị trường lớn thậm chí rất khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Newzeland, Hàn Quốc… Dự kiến cả năm nay, xuất khẩu rau củ quả sẽ đạt mức khá cao khoảng 2,5-2,6 tỷ USD, đây là mức xuất khẩu lần đầu tiên ngành này đạt được và đã bỏ xa các lĩnh vực xuất khẩu được coi là mũi nhọn khác của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu…Thậm chí trong khi nhiều ngành nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục tăng trưởng âm như gạo giảm 14,1%, cao su giảm 3,7%, thì việc vượt lên mức kim ngạch cao kỷ lục của ngành rau củ quả được coi là một bứt phá ấn tượng của năm nay.

Những con số ấn tượng nói trên cho thấy sự nỗ lực của các nhà sản xuất, DN xuất khẩu, nhà quản lý trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nhà nông với DN tiêu thụ, phân phối, giữa nội địa và mạng lưới ở nước ngoài.

Vải cũng là mặt hàng xuất khẩu giá trị.

Đừng đi vào “vết xe đổ”

Theo đánh giá của TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có hai lợi thế rất lớn về nông nghiệp đó là nền văn minh lúa nước và lợi thế về trái cây. Do khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới nên rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả. Chính bởi vậy, nơi đâu, địa phương nào cũng có những loại cây trồng rất đặc biệt.

Đánh giá về con số kim ngạch xuất khẩu của trái cây, rau củ quả của Việt Nam trong năm 2016, TS Lê Đức Thịnh cho rằng tiềm năng xuất khẩu trái cây, rau củ của chúng ta còn lớn hơn rất nhiều lần chứ không chỉ ở mức 2,1 tỷ USD như hiện nay. “Cần nhớ rằng, cả nước hiện có 700 ngàn ha cây ăn quả và tiến tới sẽ lên đến cả triệu ha, diện tích này cao gấp hơn hai lần Thái Lan (Thái Lan chưa đến 300 ngàn ha- PV). Như vậy nếu tập trung phát triển lĩnh vực cây ăn quả, chắc chắn tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều có thể lên tới 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu”- TS Lê Đức Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, để tránh “vết xe đổ” như các lĩnh vực xuất khẩu gạo, cá tra, cá ba sa hay những loại nông lâm thủy sản khác, là chúng ta quá tập trung chạy theo sản lượng mà quên đi chất lượng, TS Thịnh cho rằng, đối với ngành rau củ quả hiện nay, các DN xuất khẩu, nhà sản xuất cần phải đi từ chất lượng đi lên.

Theo ông Thịnh, đã có thời kỳ cao điểm, xuất khẩu gạo của chúng ta đạt sản lượng đến 8 triệu tấn, nhưng vì mải chạy theo sản lượng, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã không để lại được dấu ấn trên thị trường thế giới. Hệ quả là, gạo xuất khẩu càng ngày càng sụt giảm và chỉ được thế giới biết đến với sản phẩm gạo trắng chất lượng thấp. “Cả con cá tra, cá ba sa cũng vậy. Việc quá tham về số lượng, và xuất khẩu bằng mọi giá của các DN xuất khẩu đã khiến cho thế giới nhìn nghĩ rằng, hàng hóa của Việt Nam chỉ toàn chất lượng thấp. Đây là bài học rất thấm thía mà các DN cần phải rút kinh nghiệm đối với ngành xuất khẩu trái cây, rau củ quả hiện nay”- TS Thịnh lưu ý.

Theo khuyến cáo của vị chuyên gia này, với những bước khởi đầu như hiện nay, ngành rau quả xuất khẩu cần thận trọng, cần những bước đi chậm mà chắc, đừng quá nôn nóng mải mê chạy theo sản lượng để rồi lại rơi vào “vết xe đổ” như gạo, thủy sản…

Và để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục bứt phá trong thời gian tới, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, việc quan tâm đầu tiên chính là lựa chọn giống tốt, tiếp theo đó là quy hoạch vùng và đầu tư công nghệ chế biến sâu, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể vượt qua được các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây Việt. Mà muốn như vậy, cần phải có những chính sách đồng bộ từ phía nhà quản lý để có thể liên kết DN với bà con nông dân, với nhà sản xuất để tạo một chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo các quy trình sạch. Bản thân một mình DN hay người nông dân là không thể làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu rau củ quả lên ngôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO