Kỳ họp HĐND Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Lục Bình - Thanh Giang 05/12/2017 07:45

Sáng 4/12, kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội khóa XV và kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX khai mạc. Kỳ họp cuối năm HĐND 2 thành phố lớn của đất nước đã nhìn nhận lại tình hình kinh tế-xã hội của địa phương mình, cũng như đề cập đến nhiệm vụ của năm 2018.

Những công trình hiện đại mọc lên ngày càng nhiều ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân (Hà Nội) (Ảnh: Quang Vinh).

Thủ đô Hà Nội: Xem xét kỹ lưỡng các chính sách liên quan trực tiếp đến người dân

Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2017, với chủ đề “Năm kỷ cương hành chính”, Hà Nội đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu và có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá (7,3%). Thu ngân sách vượt kế hoạch (đạt gần 208 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2016).

Thu hút đầu tư tăng cao (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt gần 3,4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư xã hội trên 308 nghìn tỷ đồng, tăng 11%), giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng cao so kế hoạch (tăng 8%).

Du lịch phát triển mạnh (khách quốc tế đạt 4,95 triệu người, tăng 23%). An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,71%...

Đạt được những kết quả tích cực như vậy nhưng theo Bí thư Hoàng Trung Hải vẫn phải thẳng thắn, cầu thị, không né tránh yếu kém, khuyết điểm.

Theo đó, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu; Tiến độ đầu tư và tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của TP còn chậm; Vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, vẫn còn tái diễn; Vấn đề môi trường vẫn đang diễn biến cấp bách và nghiêm trọng.

“Tình hình đơn thư, khiếu nại tố cáo còn nhiều, cá biệt có những vụ việc kéo dài, phức tạp, trở thành điểm nóng”- ông Hoàng Trung Hải nói.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị HĐND TP xem xét kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách lớn, liên quan trực tiếp tới người dân, đời sống dân sinh như việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn; kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Trong quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lựa chọn chủ đề năm 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Trong 2 năm qua, Hà Nội đã làm tốt việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Trên nền kết quả đó, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12; thực hiện Kết luận 22 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011-2020.

“Thành phố phải khẩn trương xây dựng Đề án Thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018”- Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý.

Song song với đó, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo môi trường ổn định, bình yên cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Hà Nội cần tiếp tục siết chặt kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong quản lý đô thị.

Hà Nội cần tăng cường công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị, thượng tôn pháp luật. Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự công cộng, đảm bảo lòng đường, hè phố thông thoáng, sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện hợp lý; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường.

Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tổ chức thực hiện tốt pháp luật, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đề cao trách nhiệm, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Hà Nội cần thực hiện rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; cắt giảm triệt để những chi phí không hợp lý cho chính quyền và người dân.

Xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ hiệu quả của mỗi tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

TP Hồ Chí Minh: Cần những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ để tạo đột phá

Báo cáo của UBND tại phiên khai mạc HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế thành phố (GRDP) tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 8,25% (cùng kỳ tăng 8,05%), trong đó khu vực dịch vụ tăng 8,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%, nông nghiệp tăng 6,3%.

Theo ông Lê Thanh Liêm- phó chủ tịch thường trực UBND TP cho biết, cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh; 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và thế mạnh của thành phố chiếm tỷ trọng khá cao 52,8% trong tổng GRDP. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 365.700 tỷ đồng, tăng 18%. Về mục tiêu năm 2018, TPHCM sẽ thực hiện 20 chỉ tiêu chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường và cải cách hành chính.

Tập trung vào 7 chương trình đột phá…UBND cũng trình HĐND xem xét, thông qua việc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội năm 2018.

Phấn đấu nâng cao chỉ số xếp hạng năm 2018 về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) như sau: PAPI vào nhóm 16 địa phương dẫn đầu cả nước; PCI vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước; PAR-index vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- chủ tịch HĐND TP HCM cho biết, năm 2017 kinh tế tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu đề ra, môi trường kinh doanh được cải thiện, công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Điển hình, cải cách hành chính của thành phố chưa đồng bộ, bộ máy còn cồng kềnh.

Các vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông, bạo hành trẻ em, giải quyết khiếu nại của người dân còn chậm, gây bức xúc xã hội.

“Thời gian tới đòi hỏi chính quyền thành phố phải có những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mới tạo được sự đột phá”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được và hạn chế trong năm 2017, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, năm 2018 là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm của thành phố và là năm đầu tiên triển khai Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Về triển khai Nghị quyết 54, phải thực hiện thật tốt trong năm 2018, tập trung vào vấn đề phân cấp, góp phần tăng thu trên cơ sở các giải pháp phù hợp, có thu nhập tăng thêm cho cán bộ.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, tinh thần chung trong nhiệm vụ sắp tới là triển khai quyết liệt, sáng tạo, lắng nghe ý kiến của nhân dân; phấn đấu phát triển nhanh và bền vững hơn; làm rõ và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cấp, trong đó gắn với đánh giá hiệu quả công tác; phát huy vai trò giám sát của HĐND và Mặt trận.

HĐND cần phối hợp chặt chẽ với UBND để chuẩn bị những quyết định liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố.

Dự kiến, tại kỳ họp này, UBND TP sẽ trình Tờ trình về hỗ trợ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ không chuyên trách phường - xã, thị trấn; Tờ trình thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất và các dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa (ở 9 quận huyện với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hơn 1.460 ha); Tờ trình điều chỉnh lệ phí cấp giấy phép xây dựng (tăng 1,5 lần); Tờ trình tăng lệ phí tham quan bảo tàng trên địa bàn; tờ trình điều chỉnh tăng mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP HCM; Tờ trình về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi (dự kiến từ nay đến năm 2020 có 1.062 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi và kinh phí hỗ trợ lên đến hơn 380 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp HĐND Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO