Kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công: Trang sử mới của đất nước Việt Nam

Nguyễn Văn Chung 18/08/2020 08:26

Tròn 75 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2020), chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa và bài học của sự kiện lịch sử này đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, của thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định.

Nhìn lại lịch sử quá trình 15 năm đấu tranh giành chính quyền, từ khi Đảng ra đời từ đầu năm 1930 đến khi giành được chính quyền thì đó là quá trình đấu tranh vô cùng gian khổ, với rất nhiều tổn thất, hy sinh của hàng nghìn đảng viên cộng sản và quần chúng nhân dân; của quá trình tìm tòi, khảo nghiệm về đường lối chiến lược và sách lược...

Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đã đồng sức đồng lòng, muôn người như một, đoàn kết đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, cách mạng Việt Nam bước sang một trang sử mới.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (từ năm 1945 đến năm 1954); tiếp đó lại trải qua 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (từ năm 1954 đến năm 1975). Tổng thời gian là 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã lần lượt đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thu giang sơn về một mối, thống nhất đất nước.

Trong 30 năm chiến tranh đầy gian khổ, thấm đẫm máu và nước mắt, hàng triệu người con nước Việt đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hàng triệu người mang thương tật suốt đời. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khiến nhiều người kinh ngạc. Tại sao một dân tộc nhỏ, yếu, đất không rộng, người không đông như Việt Nam lại có thể chiến đấu và đánh thắng những thế lực ngoại xâm lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Thực tế đã trả lời rằng, đó là do truyền thống yêu nước, tinh thần không khuất phục trước họa ngoại xâm, là lòng tự tôn dân tộc, khát vọng độc lập, tự do đã ăn vào máu của mỗi người dân đất Việt. Nó là sức mạnh bất diệt mà không một kẻ thù nào có thể ngăn cản được. Nhưng để phát huy và nhân lên nguồn sức mạnh đó, quy tụ, phát huy nó, thì không ai khác chính là do vai trò lãnh đạo của Đảng - người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam - một đảng mà ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, đảng không có lợi ích nào khác.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, những tưởng đất nước sẽ bước vào một thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhưng một lần nữa chúng ta lại buộc phải cầm súng chiến đấu. Cuộc chiến đấu để bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc trong năm 1979 đã giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Mặc dù vậy, do âm mưu, cấm vận và sự chống phá của các thế lực thù địch; do những sai lầm về chủ trương, đường lối từ bên trong, đất nước đã rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, kéo dài, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, đặt Đảng và nhân dân ta trước những thử thách vô cùng to lớn.

Sau một quá trình trăn trở, tìm tòi, khảo nghiệm thực tế, tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986) với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đã nhìn nhận một cách nghiêm túc những sai lầm, khuyết điểm trong giai đoạn 1976-1985, Đảng ta đã dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước, do Đảng lãnh đạo.

Với đường lối này, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bị xóa bỏ, kinh tế thị trường được thừa nhận, tạo cơ sở cho việc giải phóng mọi nguồn lực xã hội, phát huy tính độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo của các chủ thể và mọi thành phần kinh tế, của mỗi người dân. Đó là một quyết định lịch sử của Đại hội VI - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới đất nước.

Để có được đường lối đổi mới tại Đại hội VI, trong Đảng đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa những quan điểm, tư tưởng mới, mong muốn đổi mới đất nước và quan điểm, tư tưởng cũ, bảo thủ, không còn phù hợp. Đây là cuộc đấu tranh nhằm đưa đất nước vượt qua được khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển đi lên. Cuối cùng, quan điểm, tư tưởng đổi mới đã thắng thế. Nói lên điều này để khẳng định rằng, không có gì là đơn giản, để hoạch định được đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, với xu thế tiến hóa của thời đại là cả một quá trình tìm tòi, trăn trở, trong đó có cả những vấp váp, sai lầm.

Gần 35 năm sau khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn trung thành và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam, lấy thực tiễn làm cơ sở để hoạch định chủ trương, đường lối chiến lược và sách lược. Mặc dù có những vấp váp và sai lầm, khuyết điểm trong một số giai đoạn, thời điểm lịch sử, nhưng Đảng ta không giờ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích; trái lại, luôn cầu thị sửa chữa, chỉnh đốn để ngày càng vững mạnh, xứng đáng lại đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên tiếp tục giành những thắng lợi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công: Trang sử mới của đất nước Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO