Ký ức mùa thu năm ấy...

Nguyên Khánh 02/09/2017 09:05

Tôi gặp ông Lê Đức Vân- Trưởng ban Liên lạc Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu vào những ngày mùa thu Tháng Tám. Trong căn nhà nhỏ ở phố Hồng Mai (Hà Nội), ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tuổi trẻ sục sôi của những cựu Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa...


Ông Lê Đức Vân.

Tự hào là đoàn viên thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu

Quá khứ như một thước phim quay chậm trở về trong ký ức của người chiến sĩ cách mạng năm nào. Ông Vân chia sẻ: Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi bởi tôi được cống hiến sức trẻ cho cách mạnh, cho dân tộc.

Quả đúng như vậy, nhớ lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong những ngày Tổng khởi nghĩa, mỗi người dân Việt Nam không khỏi tự hào. Là nhân chứng lịch sử, người được tận mắt chứng kiến thời khắc bước ngoặt của dân tộc đã là hạnh phúc, huống hồ những đóng góp của mình đã góp phần làm nên thắng lợi quả là không có gì đáng để tự hào hơn...

Không giấu được niềm vui trong ánh mắt ông Vân cho biết, năm 1945 ông vừa mới 17 tuổi, là học sinh trường Bưởi. “Lúc ấy, lực lượng chiếm đóng của Nhật, Pháp rất lớn, mật thám dày đặc ngày đêm lùng sục, bắt bớ mọi lực lượng, tổ chức hoạt động của ta. Chúng dùng mọi thủ đoạn chui vào tổ chức của ta để phá hoại. Nhiệm vụ lúc đó là phải khẩn trương, tìm cách vận động để đông đảo người dân Thủ đô hiểu các hoạt động cách mạng, căm ghét quân thù, sẵn sàng đứng lên đi theo cách mạng.

Trước sự tàn độc của kẻ địch, những người trẻ tuổi có lý tưởng như ông Đức Vân đã không chịu nằm im. Tháng 8/1944, trước yêu cầu cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại số 46 Bát Đàn (Hà Nội), Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập, gồm khoảng 60 đoàn viên, là học sinh các trường Bưởi, Đồng Khánh, Gia Long, Thăng Long, Văn Lang... Nhiệm vụ chính của Đoàn thanh niên là tổ chức những cuộc diễn thuyết tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp... để nhân dân hiểu. Đây là nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm, nhưng lớp thanh niên ngày ấy, không có việc khó nào mà các ông chối từ- ông Vân kể.

Lúc mới được thành lập, Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu gồm 3 liên đội, nhiệm vụ chủ yếu là in và rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, ápphích; tổ chức và bảo vệ thắng lợi các cuộc mít tinh ở Mễ Trì ngày 20/4/1945, ở chợ Canh ngày 24/4/1945; phá kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) tháng 4/1945; phá cuộc míttinh do Đại Việt tổ chức trong vườn Bách Thảo ngày 17/6/1945; diễn thuyết tại các rạp hát Tố Như, Quảng Lạc, Hiệp Thành; hai lần dán ápphích khổ lớn ủng hộ Việt Minh lên sườn tàu điện tuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy và Bờ Hồ - Hà Đông; trừng trị những tên tay sai đắc lực của quân Nhật...

Những hoạt động của Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu có tiếng vang rộng lớn trong quần chúng đã góp phần không nhỏ đưa khí thế cách mạng ở Hà Nội ngày càng dâng cao trong những ngày tiền khởi nghĩa.

Thời khắc lịch sử

Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng những thời khắc lịch sử ông đã được tận mắt chứng kiến ông không thể quên được. Nhớ lại những ngày này năm xưa ông Vân kể: Buổi chiều 17/8/1945, tại Nhà hát lớn, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Khi chúng mới chỉ kịp tuyên bố khai mạc thì người của Việt Minh xông lên cướp micro. Ông Vân nhớ, hai người phụ nữ là Kiều Trang (Từ Trang Anh, thành viên của đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu) và Nguyễn Khoa Diệu Hồng (thành viên của Đảng Dân chủ) lên sân khấu thông báo với mọi người rằng Nhật đã đầu hàng, rồi hô hào đồng bào ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền, đòi độc lập. Từ trên tầng hai Nhà hát lớn, lá cờ đỏ sao vàng được buông xuống. Ngay sau đó, một thành viên trong đội danh dự đã lấy từ trong người ra lá cờ đỏ sao vàng to, có cán, quay đầu hô “tiến lên”.

Sau đó cả đoàn người nhằm hướng Tràng Tiền tiến lên. Đoàn đi đến đâu, người dân từ hai bên đường ra gia nhập đến đó. Vừa đi mọi người vừa hô “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập”. Đoàn người cứ thế đi cho đến 19 - 20h mới tan. “Số người tham gia diễu hành lúc đó phải lên tới 10 nghìn người. Cuộc mít tinh của địch đã nhanh chóng biến thành biểu tình, tuần hành của ta ngoài dự kiến. Chúng tôi thấy rằng đây là đỉnh điểm của sự quật khởi, lãnh đạo mặt trận Việt Minh phải nắm lấy thời cơ đề phòng tinh thần hừng hực của người dân lắng xuống”, ông Vân nói và cho hay, khi vừa tham gia đoàn diễu hành về đến nhà thì nhận được lệnh đi họp gấp.

Cuộc họp diễn ra lúc 21h, tại nhà một gia đình là căn cứ cách mạng ở thôn Dịnh Vọng. Đây là hội nghị của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng mở rộng. Có 9 người tham gia trong đó có ông Nguyễn Quyết (Bí thư Thành ủy), ông Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy (cán bộ Xứ ủy). Cuộc họp nhanh chóng quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8.

Sáng sớm 19/8, lực lượng cách mạng ngoại thành tổ chức mít tinh, nhân dân làng Cót tuyên bố lật đổ chính quyền. Sau đó, đoàn diễu hành kéo đến các làng như Quan Nhân, Chính Kinh, tuyên bố xóa chính quyền cũ, khẳng định Nhật ủng hộ đồng minh. Trước khí thế đó, bọn tay sai sợ hãi, vội vàng nộp con dấu, sổ sách cho chính quyền cách mạng. Cũng trong buổi sáng, mũi hai tổ chức mít tinh ở làng Mọc, Quan Nhân sau đó sang làng Cự Lộc rồi về Chính Kinh tụ họp. Mỗi lần di chuyển, lực lượng tham gia lên tới hàng chục nghìn người vừa đi vừa hô hào. Cả đoàn đi ra đường Láng, Thái Hà rồi đổ ra Ngã Tư Sở. Tại đây, phường hát cô đầu (hát ả đào), binh lính địch, lính bảo an cũng giao súng cho lực lượng ta và tham gia diễu hành. Lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành đã làm chủ được tình thế nên tiến lên chiếm Đại lý Hoả Long, bắt được tuần phủ Đặng Vũ Niết. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng ngoại thành hoàn toàn thắng lợi.

Ở trong nội thành sáng 19/8 cũng tổ chức mít tinh và chia thành hai mũi chiếm Trại Bảo an binh, phủ Khâm Sai. Tại Trại Bảo an binh, do không mở được cửa vào, lực lượng ta bao vây quanh trại. Bên ngoài, 4 xe tăng Nhật chĩa súng vào ta. Trong tình thế nguy cấp đó, ông Lê Trọng Nghĩa được cử đi thương thuyết với Nhật. Với tài đàm phán và thuyết phục khéo léo, ông đã khiến quân Nhật rút lui, lực lượng của ta chiếm Bảo an binh, chiếm vũ khí và phân phát cho tự vệ, đồng thời bầu Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời ngoại thành để làm nhiệm vụ thu hồi sổ sách, giấy tờ của chính quyền cũ. “Cuộc cách mạng đã thắng lợi, Thủ đô được giải phóng nhưng chúng ta không hề phải đổ máu. Chiến thắng này không phải trong ngày một, ngày hai chúng ta làm được mà phải chuẩn bị từ vài năm trước”, ông Vân phân tích.

Ngày 2/9/1945, hàng chục nghìn người dân đã tập trung tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. “Tiếng hô xin thề, xin thề của nhân dân ta và câu hỏi chân tình “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không” của Bác Hồ tôi không bao giờ quên được. Đó là những ngày tháng gian khổ, hào hùng nhưng cũng hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”- ông Vân nói.

Hồn nước và vận nước

Nói về những đóng góp của người chiến sỹ cách mạng Lê Đức Vân không thể không nhắc tới những ngày ông làm tờ báo Hồn Nước, tờ báo riêng của thanh niên thành Hoàng Diệu.

Ông Vân cho biết, ông được đồng chí Lê Quang Đạo giao cho nhiệm vụ phụ trách một tờ báo của nam nữ thanh niên thành Hoàng Diệu lấy tên là Hồn Nước để thực hiện chủ trương: “Mỗi thành phố lớn phải có một ban thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên” của Thường vụ Trung ương Đảng. Tham gia làm báo Hồn Nước gồm 5 người, trong đó Lê Đức Vân phụ trách phần nội dung, tổ chức in ấn và phát hành, các đồng chí Lều Văn Hoán (tức Mai Luân), Nguyễn Kim Chi (tức Chi Hiền), Nguyễn Văn Cung (tức Trần Thư) và Nguyễn Hải Hùng là cán bộ in báo.

Ban đầu Hồn Nước ra mỗi số 2 trang, in khoảng 1 - 2 trăm tờ, có các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu...

Ông Vân nhớ lại: “Các bài xã luận có tính định hướng do các anh Lê Quang Đạo, Vũ Oanh, Nguyễn Khang... viết. Tin tức thời sự thì tôi trực tiếp viết hoặc dẫn lại nguồn tin từ các tờ báo khác như Cờ giải phóng, Cứu quốc...”. Việc in ấn tờ Hồn Nước tốn rất nhiều thời gian và công sức vì dụng cụ hết sức thô sơ; chỉ với mấy tập giấy nhỏ, mấy hộp mực, vài con lăn đựng trong một cái bị cói trong khi kỹ thuật in lại vô cùng lạc hậu. Khó nhất là phải viết chữ ngược và căn chỉnh làm sao để in đúng vào vị trí của tờ báo.

Đặc biệt, trong suốt thời gian in báo, mọi người phải tuyệt đối giữ bí mật. Nhiều hôm, giữa ban ngày mà các đồng chí Cung và Chi Hiền phải ngồi trong buồng, thắp đèn dầu lên để viết, để in. Ăn uống lại kham khổ. Có thời gian, cả tháng trời, mọi người chỉ ăn toàn cá khô với tương ớt, người gầy gò, xanh như tàu lá. Dẫu hoạt động trong vòng bí mật như vậy nhưng Hồn Nước đã cho ra đời nhiều bài báo, truyền đơn, những cuốn sách cách mạng khổ nhỏ.

Nguy hiểm nhất vẫn là công đoạn phát hành tờ báo và truyền đơn. Theo đó, những người thực hiện nhiệm vụ này thường đi theo nhóm, mỗi nhóm 3 người và được phân công công việc cụ thể: Một người cảnh giới, một người phết hồ làm bằng bột gạo nếp vào tường, người còn lại chỉ việc áp truyền đơn, Báo Hồn Nước lên đó. Báo Hồn Nước cùng với truyền đơn của Việt Minh khi đó được dán tại những nơi đông người qua lại như cổng chùa Láng, các đình làng Quan Nhân, Chính Kính, đình làng Hạ Yên Quyết và Thượng Đình...

Buổi chiều 17/8/1945, tại Nhà hát lớn, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Khi chúng mới chỉ kịp tuyên bố khai mạc thì người của Việt Minh xông lên cướp micro. Ông Vân nhớ: Hai người phụ nữ là Kiều Trang (Từ Trang Anh, thành viên của đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu) và Nguyễn Khoa Diệu Hồng (thành viên của Đảng Dân chủ) lên sân khấu thông báo với mọi người rằng Nhật đã đầu hàng, rồi hô hào đồng bào ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền, đòi độc lập. Từ trên tầng hai Nhà hát lớn, lá cờ đỏ sao vàng được buông xuống. Ngay sau đó, một thành viên trong đội danh dự đã lấy từ trong người ra lá cờ đỏ sao vàng to, có cán, quay đầu hô “Tiến lên!”.

Đoàn người nhằm hướng Tràng Tiền. Đoàn đi đến đâu, người dân từ hai bên đường ra gia nhập đến đó. Vừa đi mọi người vừa hô “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức mùa thu năm ấy...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO