Làn gió mới từ mô hình dân - quân

Lan Hương – Hoàng Ánh 11/10/2017 09:05

Trong 3 năm trở lại đây, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ giảm nghèo và phát triển sản xuất, huyện Mường Lát - Thanh Hóa đã không còn xin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân vào mùa giáp hạt. Từ một trong 62 huyện nghèo nhất của Việt Nam, Mường Lát đã vươn lên, đoàn kết, phát huy nội lực, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, nhiều hộ dân trong bản đã xây được nhà kiên cố, mua ti vi, sắm xe máy.

Các đồng chí quân y đơn vị khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân.

Những khuyến lâm “mặc áo lính”

Với mục đích hướng dẫn dân tự lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững. Ngay từ những ngày đầu, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 5 (KT-QP 5), huyện Mường Lát đã nghiên cứu và xây dựng lên những mô hình thoát nghèo với trọng tâm là vườn – ao – chuồng. Mỗi đội sản xuất sẽ thực hiện một mô mình điểm ngay tại đơn vị của mình. Sau đó mời bà con, dân bản tới trực tiếp chứng kiến quy trình làm việc, chăm sóc cây trồng và vật nuôi sao cho hiệu quả nhất.

Những vườn tăng gia còn là nơi cung cấp cho bà con những con giống, cây giống chất lượng. Sau khi áp dụng, nhiều gia đình tại đây đã vươn lên thoát nghèo, có mức thu nhập khá lên tới 50 đến 70 triệu đồng.

Bên cạnh mô hình sản xuất thoát nghèo, Đoàn kinh tế quốc phòng 5 còn chỉ đạo các đội sản xuất, các phòng chỉ huy, tham mưu một năm phải giúp đỡ được một đến hai hộ thoát nghèo trên địa bàn. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng giúp quân đội gần dân, nắm dân và hiểu dân hơn.

Đáng ghi nhận từ năm 2009-2015, Đoàn KT-QP5 đã khảo sát, tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” trên địa bàn 5 xã, với tổng trị giá hơn 14,2 tỷ đồng. Trong đó, đoàn đã xây dựng 9 mô hình trình diễn trồng ngô lai, 6 mô hình trình diễn trồng lúa lai, với tổng diện tích hơn 97 ha; 1 mô hình nuôi lợn rừng lai thương phẩm, 2 mô hình nuôi vịt đẻ trứng, 2 mô hình trồng nấm sò lạnh, với 80 hộ dân tham gia; hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất...

Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” đã góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc ở 5 xã. Trong 2.835 hộ dân ở 5 xã tham gia các mô hình sản xuất, đã có 340 hộ dân có thu nhập khá và hàng trăm hộ dân có khả năng thoát được nghèo. Đồng thời, đoàn phối hợp với các ngành trong tỉnh triển khai cho nhân dân trồng mới 2.170 ha rừng sản xuất; bảo vệ 13.000 ha rừng tự nhiên, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Được sự hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm “mặc áo lính” bà con trong bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm có kiểm soát, trồng rừng kinh tế và hạn chế đốt nương làm rẫy. Đặc biệt, 10 năm qua dân bản Piềng Tặt biết trồng lúa 2 vụ có sử dụng phân bón. Nhờ vậy, năng suất lúa của bản được nâng lên hơn 43 tạ/ha.

Thượng tá Hoàng Văn Sơn- phó chính ủy đoàn KT – QP 5, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết: Phần lớn hộ nghèo thì ở những nơi khó khăn. Đi lại, thời tiết, khí hậu ở Mường Lát này hết sức khắc nghiệt. Vượt qua cái khó khăn gian khổ đó nhất là bất đồng về ngôn ngữ, chủ yếu là đồng bào Mông.

Mường Lát có 46% là dân tộc Mông chúng tôi phải tiếp tục thực hiện cái 4 chung: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, và cùng nói tiếng đồng bào để chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ứng dụng kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt và nếp sống văn hóa – vệ sinh để đồng bào từng bước giảm bớt cái tệ nạn, các hủ tục lạc hậu, cùng với cán bộ, nhân viên của đoàn phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn”.

Ấm tình quân dân

Xác định giảm nghèo bền vững là không chỉ đảm bảo đồng bào đủ cái ăn, Đoàn KT-QP 5 còn thực hiện các hoạt động xóa mù chữ, khám chữa bệnh và cấp pháp thuốc miễn phí cho bà con. Bên cạnh đó Đoàn còn tăng cường, huy động các nguồn ngân sách xã hội xây dựng cơ sở vật chất, đường làng, nhà văn hóa thôn bản. Đảm bảo cuộc sống tinh thần giúp bà con yên tâm sản xuất.

Không giấu được niềm vui, ông Lương Văn Đào- người dân bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát - Thanh Hóa cho biết: Đoàn kinh tế quốc phòng không chỉ giúp bà con chúng tôi tăng gia sản xuất, có cuộc sống no ấm mà còn xây Nhà văn hóa. Nhà văn hóa được bàn giao giúp người dân có chỗ để sinh hoạt, tập trung làm những việc của bản. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với bản. Bên cạnh đó còn làm đường liên thôn, liên hộ giúp bà con đi lại đễ dàng và sạch sẽ hơn rất nhiều.

Trong 3 năm trở lại đây Mường Lát đã không còn xin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân vào mùa giáp hạt. Chất lượng đời sống của nhân dân từng bước nâng cao, nhiều hộ dân trong bản đã xây được nhà kiên cố, mua ti vi, sắm xe máy.

Đánh giá về sự hỗ trợ của các chiến sĩ Đoàn KT-QP, ông Ngô Trường Thi- vụ trưởng, chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo khẳng định: Nếu không có sự hỗ trợ của các chiến sĩ đoàn kinh tế quốc phòng thì những cái nguồn lực hỗ trợ của Đảng và Nhà nước sẽ rất khó đến được với đồng bào. Bởi vì là không chỉ về vấn đề nguồn lực mà vấn đề là nó phải được hỗ trợ trực tiếp, hướng dẫn trực tiếp theo kiểu cầm tay, chỉ việc. nguwoif thực, việc thực. Còn nếu chúng ta chỉ chuyển giao KH – KT, hỗ trợ cây trồng vật nuôi không thì chưa chắc đã có hiệu quả”.

Mường Lát là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, kinh tế còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số, hệ thống giao thông không thuận lợi do địa hình bị chia cắt, trình độ dân trí còn hạn chế với nhiều tập tục lạc hậu khiến cho cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện càng thêm nghèo khó. Vì vậy, khi những “làn gió” từ Nghị quyết 30a cùng những mô hình hỗ trợ sản phát triển sản xuất như thế này sẽ mở ra một con đường sáng giúp người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làn gió mới từ mô hình dân - quân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO