Lao đao vì chi phí sản xuất tăng cao

THANH GIANG 20/05/2022 13:30

Xăng dầu tăng giá liên tục khiến chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất cũng tăng theo. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng để không đứt gãy chuỗi cung ứng, chờ giải pháp hữu hiệu từ phía nhà quản lý.

Trước áp lực của giá xăng dầu, nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng theo.

Bà Lê thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động sản xuất trở lại sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số DN trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao. Đơn cử, khu công nghệ cao đạt 100%, ngoài khu công nghiệp đạt trên 90%. Nhiều DN sản xuất đã đi vào ổn định sản xuất, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ,… kích cầu tiêu dùng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh có cải thiện nhiều so với thời điểm dịch bệnh, song hiện nay không ít DN “khóc ròng” vì các mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá theo xăng dầu.

“Tôi đang đàm phán với một đơn vị cung cấp nguyên liệu vì họ muốn tăng giá thêm 40%, bản thân đơn vị này cũng gặp khó nên đây là việc chẳng đặng đừng. Nhiều nhà cung cấp hiện nay cũng không dám ký hợp đồng với khách hàng vì sợ giá tăng cao, ký lâu dài chắc chắn ôm lỗ”, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê nông sản Meet More than thở.

Theo ông Luận, DN đang rất lo lắng về tình hình kinh doanh của công ty trong thời gian tới. Bởi vì, các mặt hàng nguyên liệu, cước vận tải, giá xăng dầu tăng giá cao và chưa có dấu hiệu dừng. Vị này nói thêm: “Chi phí tăng liên tục như vậy nên mọi kế hoạch đơn vị hoạch định từ đầu năm 2022 gần như phải thay đổi toàn bộ. Hiện, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng để không đứt gãy chuỗi cung ứng”.

Mong muốn cùng người tiêu dùng vượt khó, đồng thời hạn chế thua lỗ do những đơn hàng cung ứng thị trường nội địa đã được chốt giá từ trước Tết, nhiều DN đau đầu tính chuyện cắt giảm chi phí. DN chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân người tiêu dùng. Mặt khác, tiếp tục đàm phán với nhà cung cấp để không tăng giá đồng loạt.

Ngoài việc điều chỉnh, khắc phục khó khăn trong phạm vi cho phép của DN, lãnh đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng bày tỏ mong muốn nhà nước nên điều tiết lại giá xăng dầu. Cụ thể là cắt giảm một số phí về bảo vệ môi trường, đường bộ, rủi ro để ổn định sản xuất trong năm nay.

Dựa vào tình hình thực tế, các chuyên gia kinh dự báo, sức ép lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài trong năm 2022 vì giá năng lượng, lương thực - thực phẩm tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách giảm thuế, phí,... hết hiệu lực nên giá cả tăng trở lại.

Để kìm cương giá xăng dầu, Chính phủ cần giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Hiện có 4 sắc thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu nhưng Việt Nam mới chỉ giảm 50% thuế suất thuế bảo vệ môi trường. TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước có chính sách bình ổn xăng dầu, nhưng những chính sách đó đến nay vẫn chưa đủ mạnh và chưa kịp thời.

“Chính phủ có thể tăng thêm thuế thuốc lá, thuế rượu bia… để giảm giá xăng dầu trong thời gian ngắn hạn. Đây là những giải pháp để nhà nước có thể giảm giá xăng dầu nhưng cũng không làm giảm nguồn thu ngân sách” - ông Hiển nêu quan điểm.

Song song với mong muốn giảm tác động mạnh của xăng dầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng DN đang cần sự chia sẻ về vốn đầu tư. Theo các DN, ngân hàng có thể hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để DN tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Hiện nay, gần như rất ít DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đáp ứng đủ điều kiện để có thể tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng, Chính phủ…

Liên quan đến nguồn vốn, lãi suất đầu tư kinh doanh, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Việc này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong đó, lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng không quá 4%/năm và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số ngành áp dụng tối đa 4,5%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao đao vì chi phí sản xuất tăng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO