Lễ hội Cầu ngư

BẮC PHONG (tổng hợp) 05/11/2015 16:26

Lễ hội Cầu ngư là lễ hội của cư dân ven biển từ Quảng Bình trở vào. Đó là lễ hội cầu mong cho những chuyến đi biển bình an, đánh bắt được nhiều hải sản. Tại một số địa phương, lễ hội cầu ngư còn được gọi là Lễ hội nghinh Ông- rước cá voi.

Lễ nghinh Ông ở Bình Định

Lễ hội Cầu ngư là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Người ta thờ cá voi là do tin rằng loài cá này rất thiêng, là cứu tinh của người đánh cá và làm nghề trên biển. Nhiều nơi, ngư dân còn gọi cá voi là Nam hải Tướng quân, vào ngày lễ bà con hương khói nghi ngút để rước (nghinh) Ông. Có nơi, người ta còn tổ chức những đội thuyền rồng để rước Nam hải Tướng quân (thủy tướng). Còn trên bờ là những đội múa lân, múa sư tử, múa rồng vùa tạo không khí vừa là để đón Ông về lăng.

Tương tự như những lễ hội khác, Lễ hội Cầu ngư gồm hai phần: lễ và hội. Tuy nhiên ranh giới của lễ và hội cũng nhòa đi, trong sự thành kính, tin tưởng là sự nao nức.

Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Lễ hội cá Ông không biết có từ bao giờ, nhưng được người dân trong vùng gìn giữ cho tới tận ngày nay. Người ta tin rằng, thở cá voi sẽ mang lại hưng thịnh cho cộng đồng. Lễ hội được diễn ra trong hai ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Người ta trang hoàng bàn thờ rất lộng lẫy nhưng cũng rất trang nghiêm. Hầu như nhà ngư dân nào cũng có bàn thờ Ông. Người ta làm những con thuyền nhỏ, kết hoa và chăng đèn.

Sau lễ ở nhà, sáng sớm hôm sau bà con làm lễ rước trên biển. Các vị bô lão lên thuyền ra khơi mong Ông chứng kiến lòng thành, phù hộ. Trong ngày này, ngư dân không ra khơi. Riêng với Đà Nẵng, Lễ hội cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam. Những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... bao giờ cũng tổ chức lễ hội to nhất. Bà con chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Chính hội được tổ chức trên biển, còn phần rước ở trên bờ. Có khi người ta còn rước từ làng này sang làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các vạn chài. Trong lễ hội, cùng với hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò), mô tả tinh thần dũng cảm vượt qua sóng to gió cả của những người đi biển.

Đám rước trong lễ hội nghinh Ông ở Cần Giờ (TP.HCM)

Ở Cà Mau xa xôi, nghinh Ông cũng là lễ hội dân gian lớn nhất. Lễ hội bày tỏ lòng biết ơn với loài cá voi chuyên giúp ngư dân không may gặp nạ trên biển. Lễ hội được tổ chức trong ba ngày: 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hằng năm tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Kiệu bao giờ cũng có 8 học trò khiêng cùng nhiều người theo hầu. Học trò lễ là nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Lư hương được trang trí rất công phu, rước lên tàu, dẫn đầu đoàn diễu hành ở vùng cửa biển. Sau khi cách bờ chừng 2 hải lý, đoàn rước dừng lại để chủ lễ đọc lời nguyện cầu, gọi là lễ “xin keo” để rước Ông về.

Đối với ngư dân Bình Định, lễ hội nghinh Ông to nhất thuộc về xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định), tuy rằng nó có ở cả các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước. Ở đây, người dân còn xây mồ cho cá voi, gọi là lăng Nam hải, thời Thần ngư. Trong lăng Nam hải, bộ xương cá voi được bà con gìn giữ rất chu đáo.

Hành lễ trong lễ hội nghinh Ông ở Đà Nẵng

Trong lăng Nam Hải làng Hưng Lương xã đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) vẫn còn 6 sắc phong của triều Nguyễn: Minh Mạng thất niên cửu nguyệt nhất thập nhất nhật, Thiệu trị tam niên bát nguyệt nhất thập tam nhật, Thiệu trị tam niên cửu nguyệt nhị thập nhất nhật, Tự Đức tam niên nhất thập nhất nguyệt bát nhật, Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt nhất nhật, Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật. Cùng với hai liễn phong: Ngọc Tôn Thần và Võ Cao Môn. Lễ hội cầu ngư ở lăng Nam Hải xã đảo Nhơn Lý diễn ra vào ngày 10 tháng 5 âm lịch hằng năm. Người ta cử ra cả một ban khánh tiết nên lễ hội bao giờ cũng diễn ra rất quy mô, quy củ.

Trong lễ nghinh Ông, ngoài việc thờ cúng tế lễ cá voi, bà con còn tổ chức tế cô hồn tại sân lăng Nam hải với các lễ vật tồm: cháo hoa, gạo, muối, trầu cau, rượu cùng hương đăng, đồ vàng mã. Lễ tế cô hồn dành cho tất cả những người bất hạnh không may chết đường chết chợ, không có người thân bên cạnh trước khi chết; đồng thời cũng là để cúng tế những người chết trên biển, thân xác tan vào đại dương.

Những tiết mục văn nghệ trong lễ hội Cầu ngư Ninh Thuận

Cuối cùng, không thể không nói đến Lễ hội nghinh Ông ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Lý Sơn nổi tiếng với hành, tỏi; với tục khao lề thế lính Hoàng Sa; với những ngôi mộ gió… đồng thời cũng nổi tiếng với lễ hội nghinh Ông. Ở đây, bà con có tục thờ cá Ông- loài cá voi lưng xám mà theo ngư dân Lý Sơn chính là thần Nam Hải. Theo lệ ngư dân nào phát hiện được cá voi mắc cạn (tục gọi là “ông lụy”) thì phải chôn cất và để tang để tang cha mẹ mình. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển.

Còn với cộng đồng, người dân có câu: “Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ”, bà con cho rằng cá Ông lụy (chết) và trôi dạt vào làng nào, làng đó sẽ ấm no, tai qua nạn khỏi…

Hành lễ trong lễ hội Cầu ngư ở Tuy Hòa (Phú Yên)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội Cầu ngư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO