Liên kết vùng

Nam Việt 23/02/2017 08:45

Càng ngày, việc liên kết nhằm phát huy thế mạnh riêng, tạo ra sức mạnh chung, nâng cao sức cạnh tranh càng bộc lộ rõ ràng hơn. Câu chuyện “riêng lẻ khỏe ăn” đã lui vào dĩ vãng, thay vào đó là sức mạnh của sự liên kết. Với việc liên kết vùng, muốn có được cần phải có tư duy mới, mạnh mẽ, quên đi chuyện thắng-thua của riêng, không thể cứ “ếch ngồi đáy giếng” mà phải có cách nhìn rộng dài, thông thoáng.

Thiếu sự liên kết “phân vai”, nhiều địa phương cùng tăng sản lượng cá tra, dẫn đến rớt giá.

Trong quá trình xây dựng, phát triển, từ những thành công và hạn chế, nhiều địa phương đã nhận ra rằng muốn phát triển mạnh mẽ, bền vững thì phải liên kết với những địa phương lân cận. Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động không phải là một đoạn đường ngắn.

Trong hai ngày 20 và 21/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Bạc Liêu, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn. Chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Bạc Liêu phải vượt qua, như: xuất phát điểm thấp, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, kết cấu hạ tầng yếu kém, xa trung tâm; nhu cầu đầu tư phát triển lớn nhưng khả năng cân đối ngân sách còn hạn hẹp; thu nhập bình quân đầu người thấp...

Tổng Bí thư lưu ý Bạc Liêu phải chú trọng hơn nữa việc hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện, phù hợp tiềm năng thế mạnh của tỉnh; trong đó có việc phát triển mạnh điện gió, tạo nguồn năng lượng sạch cho địa phương, cả vùng và đất nước. Liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Cũng ngày 20/2, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 - 20/2/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Thanh Hóa cần quan tâm thu hút các dự án đầu tư có tính kết nối liên vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường liên kết hợp tác phát triển với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Bắc Trung bộ, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh, thành phố và của toàn vùng.

Trước đó 1 ngày, ngày 19/2, tại TP Vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nghệ An. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, tầm nhìn 2025 của Nghệ An là phải trở thành tỉnh khá giả ở Bắc Trung bộ, cùng với Hà Tĩnh và Thanh Hóa tạo nên một cực tăng trưởng mới nổi về công nghiệp của cả nước.

Như vậy, trong cùng một thời điểm, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước khi làm việc với các địa phương đều đã đề cập, nhắc nhở tới việc liên kết vùng; cói đó là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài. Đó là những chỉ đạo xác đáng không chỉ với Bạc Liêu, Thanh Hóa,Nghệ An mà rộng ra là với tất cả các địa phương trong cả nước.

Việc liên kết giữa các địa phương phải được coi là lẽ tự nhiên, tất nhiên là mức độ khác nhau. Hẳn nhiều người còn nhớ, trước Đổi mới, nạn “ngăn sông cấm chợ” đã khiến cho đất nước khốn khó thế nào. “Anh hùng nhất khoảnh”, nạn cát cứ, cục bộ địa phương tự mình kéo mình lại, làm mình nhỏ đi, yếu đi. Hàng hóa không lưu thông được khiến giá cả tăng vọt, lạm phát phi mã từ năm này sang năm khác. Bài học của một thời cát cứ thật đắt giá. Nhớ lại những năm tháng ấy không khỏi xót xa.

Sau này việc cách bức trong giao thương giữa các địa phương trong cả nước được dỡ bỏ. Người ta thở phào như trút được gánh nặng ngàn cân. Kinh tế nhanh chóng phát triển do sản xuất phục hồi, hàng hóa tiêu thụ tốt. Đó chính là sự liên kết tự nhiên.

Nhưng theo thời gian, cần phải vừa thuận theo tự nhiên vừa có quyết tâm mạnh mẽ của một tư duy sản xuất kinh doanh, tư duy quản lý hiện đại. Đó là sự chủ động liên kết. Khoan hẵng nói đến liên kết khu vực, liên kết toàn cầu, ở đây và trước hết là liên kết vùng. Vài ba năm gần đây, khi bàn về việc tạo xung lực mới để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, nhiều nhà khoa học cho rằng khu vực này “thiếu nhạc trưởng”. Chỉ bởi là do thiếu sự liên kết. Tỉnh nào biết tỉnh ấy thì sẽ không đương đầu nổi với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; cũng như luôn rơi vào cảnh được mùa rớt giá, nông dân “treo chuồng”, “treo ao”, cho dù đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước.

Tương tự, các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng cũng ít có sự liên kết. Cũng chính vì thế mà tiềm năng, thế mạnh mỗi tỉnh không được phát huy, tốc độ phát triển vì thế cũng chậm lại, như người ta vẫn nói là “không xứng với tiềm năng”.

Trở lại vấn đề, tới thời điểm này nhận thức về vấn đề liên kết vùng là rõ ràng. Tuy nhiên, những bước đi với thiện chí xích lại gần nhau, những cái bắt tay chân thành, đặt niềm tin vào nhau...; đôi khi phải hy sinh phần nào đó quyền lợi trước mắt của địa phương mình, không phải ngày một ngày hai mà có được. Điều đó cần sự nỗ lực của các bên, với cách nhìn mới, quyết tâm mới.

Hy vọng với sự gợi mở, chỉ đạo từ cấp cao nhất, thời gian tới việc liên kết vùng sẽ được đẩy mạnh. Để từ đó tạo ra những “tam giác phát triển”, những “vùng kinh tế trọng điểm” một cách đúng nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết vùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO