Liên kết vùng để tạo ra sức mạnh

Việt Thắng (thực hiện) 06/10/2017 08:05

Tình trạng đầu tư dàn trải, mạnh ai nấy làm dẫn đến phân tán nguồn lực. Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, TS Trần Anh Tuấn - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng: Các tỉnh, thành phải phát huy lợi thế của mình, vùng nào sản xuất sản phẩm mang tính lợi thế phải kết nối với nhau để tạo ra chuỗi trong sản xuất.

Tỉnh nào cũng muốn xây sân bay, cảng biển thì tự nó sẽ triệt tiêu nhau. Như vậy không phát huy được sức mạnh trong liên kết vùng kinh tế để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế đất nước.

TS Trần Anh Tuấn.

PV: Thưa ông, vừa qua Chính phủ đã có 2 cuộc hội thảo về liên kết vùng tại duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra những giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tạo tính gắn kết trong liên kết vùng. Theo ông thời gian qua liên kết vùng chưa phát huy được hiệu quả thì nguyên nhân là do đâu?

TS Trần Anh Tuấn: Về mặt tổ chức có Ban chỉ đạo vùng, dưới Ban Chỉ đạo có Hội đồng vùng. Nhưng cơ chế làm việc giữa Ban Chỉ đạo và Hội đồng thiếu sự gắn kết trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Vì liên kết vùng không phải cấp hành chính cho nên mỗi tỉnh trong vùng tổ chức thực hiện theo quy hoạch kế hoạch của từng tỉnh, thành.

Ở trên có Ban Chỉ đạo, nhưng Hội đồng vùng theo cơ chế luân phiên. Trong phân bổ nguồn lực trong phát triển vùng, sự phối hợp giữa Hội đồng vùng với các bộ, ngành Trung ương cũng lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành.

Thứ hai là nguồn lực, mỗi tỉnh làm theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mình. Quy hoạch chỉ tiêu của ta xưa nay theo từng tỉnh.

63 tỉnh, thành được coi là 63 nền kinh tế thiếu sự gắn kết với nhau trong chia sẻ nguồn lực để phát triển. Những vấn đề chung như vấn đề về môi trường giữa các tỉnh, thành trong vùng rất hạn chế, không chia sẻ với nhau nên bị tắc, hay như vấn đề kết nối giao thông trong vùng.

Vì thiếu “nhạc trưởng” kết nối cho nên kết nối chậm; nhất là tại khu vực phía Nam. Vùng muốn ra quyết định tốt phải có cơ chế chia sẻ thông tin, nhưng thiếu thông tin của toàn vùng.

Thông tin chủ yếu manh mún rời rạc theo từng tỉnh thành mà thiếu sự kết nối thông tin về những vấn đề đang còn bức xúc trong y tế, giáo dục, môi trường, giao thông.

Thực tế thông tin chỉ trong phạm vi hành chính của từng tỉnh, còn thông tin trong vùng thì lại thiếu.Hay ngay vấn đề hạ tầng giao thông để kết nối các vùng với nhau, tạo sự đột phá cũng đang là điểm nghẽn.

Chính phủ đã rất quyết tâm trong vấn đề liên kết vùng nhưng điều đó tại sao chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?

- Bây giờ từng tỉnh, thành phát triển theo quy hoạch của địa phương mình nên dẫn tới nguồn lực bị chồng lấn, rồi cạnh tranh lẫn nhau. Như vậy vừa lãng phí, vừa không tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, gắn kết của từng địa phương. Nhất là những sản phẩm ưu thế của địa phương dẫn tới cạnh tranh với nhau gây lãng phí nguồn lực mà không phát huy được hiệu quả.

Hiện nay trong đầu tư công đang có sự dàn trải, lãng phí chưa phát huy được tính hiệu quả tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế đất nước. Phải chăng đó là do liên kết vùng chưa hiệu quả?

- Đúng vậy, tỉnh nào cũng muốn xây sân bay, cảng biển thì tự nó sẽ triệt tiêu nhau. Cho nên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với phân bổ nguồn lực trên cơ sở tích hợp nguồn lực của mỗi tỉnh, vùng. Chứ bây giờ mỗi tỉnh phát triển, 1 kiểu thì sao gắn kết được. Như vậy không phát huy được sức mạnh trong liên kết vùng kinh tế để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế đất nước.

Thực tế chúng ta đang thiếu “nhạc trưởng” để liên kết, các vùng kinh tế vẫn mạnh ai nấy làm vậy chúng ta cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Để liên kết vùng cho tốt, về tổ chức bộ máy quản lý vùng phải quy định trách nhiệm người đứng đầu vùng, Còn về nguồn lực phải có nguồn lực chung cho vùng để phát triển và phân bổ theo mục tiêu phát triển, lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh trong vùng.

Nguồn lực chung phân bổ trong vùng cũng phải đặt trong mối quan hệ của thị trường. Tỉnh nào có lợi thế gì phải phát huy lợi thế của tỉnh đó và có sự kết nối trong chuỗi sản xuất, phát triển theo cụm, ngành trên cơ sở phát huy lợi thế từng tỉnh trong vùng.

Người “nhạc trưởng” phải tổ chức điều hành và phân bổ nguồn lực để hạn chế những phát sinh giữa các tỉnh trong vùng. Phải phá vỡ rào cản đó thì mới phát triển lưu thông thông suốt trên cơ cở phân bổ nguồn lực.

Đồng thời nguồn thông tin trong vùng phải chia sẻ với nhau, thông tin liên tục update theo ngày, giờ chứ không phải theo tháng, quý, hay năm.

Muốn ra quyết định đúng phải có thông tin đúng từ tình hình kinh tế xã hội, những vấn đề nổi cộm, điểm nghẽn trong phát triển để ra quyết định một cách thông suốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết vùng để tạo ra sức mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO